Độc lạ trà sữa trân châu bánh gai, bánh đậu xanh Hải Dương

Thanh Tuấn

Well-known member
Một quán cà phê "biến tấu" đặc sản quê hương thành thức uống sáng tạo và hiện đại, gần gũi với giới trẻ.
Bánh gai vốn dĩ là thức quà quê nổi tiếng của huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương với màu bánh đen đặc trưng, có nhân đậu xanh, dừa tươi, thịt mỡ và gói bằng lá chuối khô. Ít ai nghĩ rằng bánh gai có thể đi kèm trà sữa, với diện mạo vừa lạ vừa quen: trân châu.
Vũ Văn Đông (SN 1995, Hải Dương) đã dày công nghiên cứu công thức trân châu bánh gai suốt một tháng nhưng vẫn nơm nớp lo lắng người tiêu dùng sẽ khó đón nhận sáng tạo mới mẻ này.
Hơn 2 năm hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, mang văn hóa Nhật Bản từ ngày còn đi du học áp dụng vào kinh doanh, anh Đông thành công đưa cà phê thế giới tới gần người tiêu dùng. Dẫu vậy, anh vẫn chưa cảm thấy thoả mãn về những gì mình đã làm được. Ông chủ 9x này luôn đau đáu mong muốn kể những câu chuyện đặc sản quê hương mình theo một cách mới mẻ.
Ảnh: Vũ Văn Đông
Trân châu đậu xanh và trân châu bánh gai Hải Dương. Ảnh: Vũ Văn Đông
Tháng 1.2024, Đông và các đồng nghiệp cho ra mắt sản phẩm ô long sữa đậu xanh kết hợp cùng trân châu đậu xanh với ý tưởng xuất phát từ bánh đậu xanh - một đặc sản khác của Hải Dương. Tháng 9.2024, đội ngũ CHU Kafe của Đông tiếp tục sáng tạo trân châu bánh gai.
Anh chia sẻ: "Hai món trân châu với đặc sản quê hương này, tôi được truyền cảm hứng từ một người bạn cũng làm quán cà phê. Tôi cứ miên man suy nghĩ ở quê mình có món bánh gì, áp dụng như thế nào...".
Khi nhắc đến Hải Dương, chắc chắn du khách nhớ tới bánh đậu xanh. Anh Đồn tìm mua bột bánh và cùng các đồng nghiệp nghiên cứu công thức. Thật may mắn, ở lần đầu tiên thử sức, đội ngũ nghiên cứu sản phẩm ra mắt ngay trà ô long đậu xanh kết hợp với trân châu đậu xanh.
Tuy nhiên, nguyên liệu đậu xanh dường như không quá xa lạ với thực khách trong các thức uống hiện đại khác khi kết hợp với cà phê và trà sữa. Sau đó, cả nhóm quyết định tiếp tục thử sức với bột bánh gai.
Lần thử thách thứ hai này, đội ngũ của Đông vất vả hơn với nguyên liệu mới. Bột bánh gai được nghiền từ lá gai sấy khô nhưng không dẻo, không có độ liên kết, dễ vỡ khi nặn thành sợi hoặc viên. Khi thử nghiệm với dừa tươi ép, trân châu bánh gai lại cho ra kết cấu khác không như ý muốn.
Ảnh: Vũ Văn Đông
Bột bánh gai được đánh giá khó liên kết hơn so với bột bánh đậu xanh. Ảnh: Vũ Văn Đông
Những viên trân châu thành phẩm. Ảnh: Vũ Văn Đông
Ảnh: Vũ Văn Đông
Nguyên liệu của trân châu bánh gai bao gồm bột lá gai, dừa tươi ép, bột trân châu và bột năng. Ảnh: Vũ Văn Đông
Cả nhóm đã mất tới một tháng trời để liên tục thay đổi công thức cũng như cất công tới tận xưởng bánh gai lớn ở huyện Ninh Giang để xin ý kiến của các "tiền bối" trong nghề. Với món bánh gai truyền thống, nguyên liệu bao gồm: bột gạo nếp, bột lá gai, mật mía, đường cát, đậu xanh, cùi dừa. Còn với món trân châu bánh gai, công thức sáng tạo đã "cắt bớt" nguyên liệu truyền thống, chỉ còn: bột lá gai, dừa tươi ép, bột trân châu và bột năng.
"Ở lần thử nghiệm này, chúng tôi chỉ thành công với trân châu bánh gai. Vì bột bánh gai khó hoà tan hơn so với bột bánh đậu xanh, dễ để lại xơ trong miệng và vị khá ngang, khó uống nên không thể ra mắt được nước uống kết hợp cùng trân châu như lần trước. Nhưng, cũng rất may mắn, với một nguyên liệu cũ được sáng tạo mới như bánh gai, phản hồi mà chúng tôi nhận được tốt hơn hẳn.
Có những ngày chúng tôi nấu đến 5kg trân châu bánh gai mà trước đó, trân châu đậu xanh chỉ mở bán khoảng 2-3kg. Có nhiều khách hàng ở Hà Nội còn mua riêng trân châu bánh gai mang đi nữa. Trong tương lai gần, chúng tôi dự định sẽ nghiên cứu trân châu từ bánh gấc - một đặc sản khác của Hải Dương", anh Đông hạnh phúc bày tỏ.
 
Bên trên