Đón nhận "Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia" cho “Nghề làm Nem Lai Vung”

Võ Xuân Trường

Well-known member
Đón nhận "Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia" cho “Nghề làm Nem Lai Vung”

Tỉnh Đồng Tháp làm lễ đón nhận Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho “Nghề làm nem Lai Vung” và khai mạc Ngày hội nông sản Lai Vung.
Chiều tối 25.1, tại thị trấn Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp long trọng làm lễ đón nhận Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cho “Nghề làm nem Lai Vung”. Tham dự lễ có nguyên Bộ Trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cùng hàng nghìn lượt người là chủ cơ sở chế biến, kinh doanh nem Lai Vung và nhân dân trong và ngoài huyện.
Đại biểu dự lễ đón nhận Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho Nghề làm nem Lai Vung. Ảnh: Phúc Hiền
Đại biểu dự lễ đón nhận Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho Nghề làm nem Lai Vung. Ảnh: Phúc Hiền
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn ôn lại sơ lược lịch sử hình thành và hành trình phát triển của làng nghề đã làm rạng danh xứ sở Lai Vung nói riêng, Đồng Tháp nói chung.
Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, tại xã Tân Thành, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) có người dân tên Nguyễn Thị Mặn (Tư Mặn) làm nghề phục vụ đám tiệc tại địa phương sáng chế món nem từ những nguyên liệu có sẵn. Với hương vị chua, cay, mặn, ngọt được bao bọc bởi lá vong (hoặc lá chùm ruột) tạo nên hương vị đặc biệt cho nem Lai Vung. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề làm nem Lai Vung đã không ngừng cải tiến, phát triển, chinh phục người tiêu dùng, vươn xa ra thị trường.
Nghề làm nem ở Lai Vung, Đồng Tháp. Ảnh: Phúc Hiền
Nghề làm nem ở Lai Vung, Đồng Tháp. Ảnh: Phúc Hiền
Nhận thấy được những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kinh tế của nghề làm nem Lai Vung, UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao Sở VHTTDL tỉnh lập Hồ sơ Văn hóa phi vật thể cho nghề làm nem Lai Vung. Ngày 10.11.2023, Bộ VHTTDL công bố đưa Nghề làm Nem Lai Vung vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Lễ công bố này là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt. Qua đó ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các hộ dân làm nghề trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống làng nghề nem. Đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Trao Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cho Nghề làm nem Lai Vung. Ảnh: Phúc Hiền
Trao Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cho Nghề làm nem Lai Vung. Ảnh: Phúc Hiền
Thừa ủy quyền Bộ VHTTDL và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn trao Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và công nhận làng Nghề thủ công truyền thống “Nghề làm nem Lai Vung”.
Đây là di sản thứ 5 của tỉnh Đồng Tháp được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. 4 di sản trước đó gồm: Hò Đồng Tháp, Nghề đóng xuồng ghe Long Hậu, Nghề dệt chiếu Định Yên, Nghề dệt choàng Long Khánh A.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh trao công nhận làng Nghề thủ công truyền thống “Nghề làm nem Lai Vung”. Ảnh: Phúc Hiền
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh trao công nhận làng Nghề thủ công truyền thống “Nghề làm nem Lai Vung”. Ảnh: Phúc Hiền
Dịp này, huyện Lai Vung tổ chức khai mạc “Ngày hội nông sản” với chủ đề “Nông sản Lai Vung – Hạnh phúc mọi nhà”. Ngày hội nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, người sản xuất tham gia giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là dịp để người dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Nem Lai Vung là món chính trong dĩa bát bửu (8 món ngon) Ảnh: Phúc Hiền
Nem Lai Vung là món chính trong dĩa bát bửu (8 món ngon) Ảnh: Phúc Hiền
Tại Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: trải nghiệm các cơ sở làm nem Lai Vung; hội thi và triển lãm hình ảnh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề làm Nem Lai Vung”; giới thiệu phim tư liệu “Nông sản Lai Vung - Hạnh phúc mọi nhà”; trưng bày sản phẩm OCOP, triển lãm và giới thiệu các sản phẩm nông sản “Độc, lạ, an toàn”; hội thi “Trưng bày trái cây”; hội thi “Ẩm thực quê hương”; hội thi “Vẽ tranh vui xuân ngày Tết”. Đồng thời tổ chức giải thưởng “Gian hàng đẹp”; các hoạt động trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa - văn nghệ...
 
Bên trên