Đón Tết té nước ở Lào

TRng

Well-known member
Trong dịp Tết cổ truyền của người Lào, hoạt động được yêu thích nhất là té nước.
Đón Tết té nước ở Lào
Không khí sôi động ở Tết Té nước Luang Prabang, Lào. Ảnh: Ninh Công Hoàng
Năm thứ 2 liên tiếp khám phá đất nước triệu voi, nam du khách Ninh Công Hoàng (25 tuổi, Hải Dương) đã có những trải nghiệm khó quên trong dịp Tết cổ truyền của đất nước Lào. Trước chuyến đi, anh đã tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trên mạng xã hội cũng như chuẩn bị những vật dụng cần thiết.
Ấn tượng khó phai
Ngày Tết cổ truyền, hay còn gọi là Tết té nước Bunpimay, của người Lào thường diễn ra từ ngày 13 - 16.4 hằng năm. Dịp lễ lớn nhất trong năm này được gửi gắm ý nghĩa về một khởi đầu với nhiều may mắn, phồn vinh, hạnh phúc và bình an cho vạn vật.
Trong những ngày Tết cổ truyền, người dân Lào sẽ dọn dẹp nhà cửa và đường phố sạch sẽ, sau đó trang trí bằng hoa Champa, hoa muồng hoàng yến khắp nơi hay kết thành vòng hoa để cầu may mắn cho năm mới.
Đặc biệt, người dân sẽ chuẩn bị nước thơm ướp hoa với những nguyên liệu như: Nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Nước thơm ướp hoa sẽ được dùng để tưới lên tượng Phật và sau đó được hứng lại đem về nhà, vảy lên mọi thành viên trong gia đình.
Trong ngày Tết, trẻ em thường cùng ông bà, cha mẹ đi té nước chúc phúc người lớn hơn. Đối với người Lào, đây là một hành động gột rửa những điều không tốt của năm cũ để đón năm mới tốt đẹp hơn. Người nào càng được té ướt quần áo càng nhận được nhiều may mắn.
Tại các thành phố lớn, ngày nay, không ít khách du lịch đã hòa chung không khí Tết cổ truyền Bunpimay cùng với người dân, không ngại té nước cũng như sẵn sàng bị ướt quần áo để tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo này.
Minh Công Hoàng thậm chí đã đến Lào trước dịp Tết 5 ngày. Anh đi qua Viêng Chăn, Vang Viêng và chủ yếu chơi Tết Lào ở Luang Prabang trong 2 ngày.
Nam du khách kể lại: “Vào trước ngày lễ chính thức 1 ngày, ngày 13.4, mà tôi gọi vui là 30 Tết giống như Tết Nguyên đán ở nhà, tôi cảm nhận người dân ở đây dường như bận rộn hơn hẳn.
Hôm đó, khi chèo kayak trên sông Namsong, Vang Viêng, tôi thấy người dân và khách du lịch đã đổ về 2 bờ sông tụ tập ăn uống, bơi lội và té nước sông. Không khí vui nhộn, tiếng nhạc xập xình. Tuy nhiên, vì nghĩ rằng hôm đó chưa phải ngày lễ chính nên tôi đã bị té ướt sạch người”.
“Ngày hôm sau, vào 12h trưa mùng 1 Tết Lào, tức ngày 14.4, ở Vang Viêng, nắng lên, nhiều hộ dân bê thùng nước ra trước cửa tạt nước vào người qua đường, bất kể người dân địa phương hay khách du lịch. Thậm chí, có nhiều người một tay cầm cốc bia, tay còn lại bắn súng nước hòa vào không khí Tết”, Công Hoàng vui vẻ cho hay.
Ngày mùng 2 Tết Lào, nam du khách di chuyển đến Luang Prabang và chơi trọn vẹn 1 ngày té nước ở đây. Khoảng 13h, những dòng người đông đúc đều tập trung về con phố chính thuộc khu chợ đêm. Sau màn phát biểu của chính quyền địa phương, ai nấy đều hứng khởi quan sát các đoàn diễu hành trên phố và té nước cầu may.
Minh Công Hoàng nhớ lại: “Thời tiết ngày hôm đó phải gọi là “siêu nắng nóng”. Tuy nhiên, tôi cảm nhận được không khí lễ hội thật sự sôi động ở đây. Người dân Lào rất vui vẻ và thân thiện, họ chơi hết mình với du khách, thậm chí thoải mái cho/mượn súng nước, bóng nước”.
Khoảnh khắc chèo kayak ấn tượng tại Vang Viêng. Ảnh: Ninh Công Hoàng
Khoảnh khắc chèo kayak ấn tượng tại Vang Viêng. Ảnh: Ninh Công Hoàng
Vang Viêng hiện đại
Trong chuyến đi này, ngoài hòa mình vào Tết té nước Bunpimay cùng người dân địa phương, Minh Công Hoàng cũng rất ấn tượng với sự trẻ trung của thị trấn nhỏ Vang Viêng.
Nằm cách Thủ đô Viêng Chăn 150km, không công trình kiến trúc tuyệt mỹ, không resort hiện đại, Vang Viêng vốn chỉ là một vùng quê yên bình với khí hậu trong lành, mát mẻ, thiên nhiên hoang sơ.
Còn đối với những tín đồ thích dịch chuyển, Vang Viêng là chốn dừng chân lý tưởng để trải nghiệm những trò chơi ngoài trời như: Bơi lội, chèo kayak, trượt zipline, bay khinh khí cầu...
Công Hoàng nhớ lại về trải nghiệm chèo kayak trên sông Namsong: “Tôi không hề nghĩ con sông dài đến vậy. Ban đầu, khi chèo được một đoạn sông, tôi bị tạt nước ướt sạch quần áo và cái kính cận bị nhòe đi. Vì không có sự chuẩn bị trước nên tôi quyết định quay ngược lại về điểm xuất phát, nhưng hướng dẫn viên nói “không được”.
Sông không sâu, nhưng có nhiều mỏm đá nên người chèo liên tục rẽ phải, rẽ trái. Thời gian chèo hơn 1 tiếng đồng hồ. Chèo xong quãng đường chừng 5km, tôi thấy đau nhức cả 2 bên vai.
Đặc biệt, khoảnh khắc mà nam du khách trẻ ấn tượng nhất khi chèo kayak chắc hẳn là hình ảnh khinh khí cầu bay ngay trên đầu. Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng khinh khí cầu trực tiếp ở một vùng quê yên bình, anh hạnh phúc vô bờ bến.
Tuy nhiên, vì 2 buổi chiều ở Vang Viêng, trời đều mưa to nên Minh Công Hoàng không hoàn thành được kế hoạch ban đầu. Trong chuyến đi này, chàng trai đã bỏ lỡ đầm Blue Lagoon với màu nước trong xanh như ngọc bích và điểm quan sát Namxay để ngắm nhìn Vang Viêng từ trên cao.
“Thời tiết không như ý muốn, nhưng đối với tôi, chuyến đi này vẫn là những trải nghiệm không bao giờ quên. Bởi đây là lần đầu tôi được tham gia vào một lễ hội lớn của nước bạn, được chứng kiến những ngày vui nhất của toàn thể người dân Lào”, nam du khách bày tỏ.
 
Bên trên