'Dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển từ chứng khoán sang bất động sản'

TRUONGTRINH

Well-known member
Chứng khoán thời gian qua có diễn tiến khá bấp bênh nên nhà đầu tư dễ có xu thế điều hướng dòng tiền qua kênh khác, trong đó bất động sản thường là ưu tiên, theo chuyên gia.


Từ nửa cuối tháng 6 đến nay, tổng giá trị giao dịch sàn HoSE đạt trên 20.000 tỷ đồng đã là điều hiếm gặp trên thị trường. Chứng khoán lặp đi lặp lại câu chuyện giao dịch lình xình, nhiều phiên "ru ngủ" nhà đầu tư.

Theo VinaCapital, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trên thị trường chứng khoán trong quý III tính trên cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM chỉ khoảng 18.600 tỷ đồng. Trong khi đó ở quý II, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày hơn 25.000 tỷ. Điều đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng sau những áp lực về tỷ giá và lãi suất, đồng thời những căng thẳng địa chính trị trên thế giới tiếp tục diễn ra và nền kinh tế toàn cầu có nhiều ẩn số khó dự báo.

Tính riêng sàn HoSE, tháng 9 là thời điểm VN-Index trở lại gần vùng giá hồi tháng 5-6. Tuy nhiên khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 13,2 tỷ cổ phiếu, là tháng giảm thứ tư liên tiếp. Trong năm nay, con số này chỉ cao hơn tháng 2 - giai đoạn nghỉ Tết nguyên đán. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá trị khớp lệnh tháng 9 giảm trên diện rộng với 71,5% số lượng cổ phiếu có sự sụt giảm về thanh khoản trung bình.






Trong khi đó, các kênh đầu tư khác lại chứng kiến dòng tiền đổ về tăng mạnh, nhất là bất động sản. VinaCapital dẫn các nguồn tin của họ cho rằng nhiều khả năng khối lượng giao dịch địa ốc tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2024.

Thị trường đang ghi nhận "cơn sốt" ở khu vực phía Bắc. Dữ liệu của CBRE chỉ ra trong 9 tháng đầu năm, tổng nguồn cung mở bán căn hộ mới ở Hà Nội có thể đạt hơn 19.000 căn, vượt tổng nguồn cung cả năm 2023. Đây cũng là tổng nguồn cung sơ cấp lớn nhất ghi nhận tại Thủ đô trong vòng 5 năm trở lại đây.

Lực cầu đầu tư lớn, dòng tiền vẫn đổ về sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực tại trung tâm Hà Nội. Nhờ đó, thanh khoản thị trường duy trì tích cực. Tổng căn hộ bán được trong quý III vượt 8.000 căn, gấp hai lần cùng kỳ năm ngoái. Lượng giao dịch nhà liền thổ cũng tăng gần gấp 5 lần so với quý trước bởi nguồn cung dồi dào hơn.


Một dãy tòa chung cư cũ sát đường Vành đai 3 (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành


Một dãy tòa chung cư cũ sát đường Vành đai 3 (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành


Liệu dòng tiền có "chạy" từ chứng khoán sang các kênh đầu tư khác, nhất là bất động sản? Trả lời VnExpress, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE - đánh giá các kênh tài chính trong thời gian qua có diễn tiến khá bấp bênh nên nhà đầu tư dễ có xu thế điều hướng dòng tiền và đó là tâm lý phổ biến.

"Bất động sản luôn là lựa chọn trước nhất mỗi khi nhà đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn cho tài sản hay dịch chuyển dòng tiền của họ vì độ an tâm khi sở hữu một ngôi nhà sẽ rất lớn", ông nói.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE - thì đề cập đến câu chuyện giá thuê nhà đang cải thiện tốt ở cả TP HCM, Hà Nội và các địa phương khu vực lân cận nhờ khách du lịch, lượng chuyên gia nước ngoài quay trở lại. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận từ cho thuê tăng lên, cũng kích thích sự chuyển dịch dòng tiền của nhà đầu tư từ nơi khác vào loại hình này. Bà lấy ví dụ ở Bình Dương, một căn hộ có giá 2-3 tỷ đồng đang có thể cho thuê với giá 7-8 triệu, thậm chí hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

Không chỉ các bên nghiên cứu thị trường địa ốc, một số bộ phận phân tích chứng khoán cũng cùng quan điểm trên. Trong báo cáo gần đây, SGI Capital - đơn vị quản lý quỹ mở The Ballad Fund - quan sát thấy việc bất động sản thực nóng lên đang là tâm điểm hút dòng tiền nội. Điều này khá tương đồng chu kỳ 2010-2011, thị trường bất động sản phía Bắc xảy ra sốt nóng cùng lúc với giai đoạn thanh khoản của chứng khoán cạn kiệt và lãi suất ngân hàng nhích tăng.

"Thị trường chứng khoán không kéo dài sự tích cực với thông tin vĩ mô tốt trong tháng 9 phần nào thể hiện sự khó khăn về việc thu hút dòng tiền mới trong bối cảnh khan hiếm các cơ hội hấp dẫn", đơn vị này đánh giá.







Nhưng kết luận chứng khoán đang kém thu hút dòng tiền vẫn không nhận về đồng thuận của tất cả chuyên gia và đơn vị phân tích, quan sát thị trường. Chuyên gia phân tích độc lập Huỳnh Hoàng Phương nói nếu xét trên diện rộng về tương quan giữa các kênh đầu tư, cổ phiếu vẫn có sức hút tốt.

Ông chỉ ra vàng tăng giá nhưng rất khó giao dịch. Lãi suất tiết kiệm nhích lên ở mức chưa quá hấp dẫn. Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị ách tắc vì thiếu lượng cung tốt khi các công ty đang ưu tiên vay ngân hàng để hưởng lãi suất thấp thay vì huy động vốn bằng trái phiếu. Do đó nguồn hàng chủ yếu là các doanh nghiệp có rủi ro cao.

Trong bối cảnh đó của các kênh đầu tư đòi hỏi vốn không quá lớn, cổ phiếu vẫn được xem là lựa chọn tối ưu. Còn việc bản thân chứng khoán có thu hút được dòng tiền hay không, phụ thuộc vào câu chuyện các nhóm ngành trên thị trường phải có triển vọng, nhất là ngân hàng và bất động sản. Nói như thế là vì trừ hai đại diện trên, các nhóm khác đã hút vốn rất tốt trong thời gian qua, kéo thị giá cổ phiếu các ngành lên mức cao, nhiều mã vượt mức đỉnh từng thiết lập khi VN-Index cán mốc 1.500 điểm.

"Dòng vốn sẽ trở lại chứng khoán khi thị trường xuất hiện câu chuyện thật sự hấp dẫn", ông Phương dự đoán. Chuyên gia này gợi ý các chất xúc tác có thể quan sát là kết quả kinh doanh quý III, chất lượng tài sản của các ngân hàng cùng việc giải quyết vấn đề pháp lý của các dự án bất động sản.


Giao dịch tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương


Giao dịch tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương


Tương tự khi xét trên mặt bằng chung, ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư VinaCapital - cho rằng lựa chọn kênh đầu tư phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Lãi suất tiết kiệm thấp nhưng đây là kênh đầu tư an toàn. Bất động sản vẫn luôn là lựa chọn yêu thích của đa số nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên theo ông, đầu tư địa ốc đòi hỏi một số vốn lớn và mặc dù thị trường đang ấm lên, các nhà đầu tư cần lưu ý việc giá nhà đất đang cao so với thu nhập trung bình của người dân.

Với chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đang trong tâm lý chờ đợi thị trường có xu hướng rõ ràng. Tuy nhiên, VinaCapital nhận thấy hiện tại đã có nhiều yếu tố thuận lợi hơn so với vài tháng trước đây như hầu hết số liệu kinh tế của Việt Nam đều tốt hơn kỳ vọng, áp lực về lãi suất và tỷ giá giảm đáng kể, các số liệu của nền kinh tế Mỹ hiện tại vẫn khá ổn định.

Chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức định giá hợp lý cho đầu tư dài hạn (chỉ số giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu - P/E năm 2024 khoảng 12 lần) và công ty quản lý quỹ này vẫn giữ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp niêm yết ở mức quanh 20% cho 2024-2025.

"Tất cả những yếu tố này cùng với triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là động lực tích cực cho thị trường", ông Minh nhận định.

Tất Đạt
 
Bên trên