Du lịch Bắc Kạn vẫn còn để khách 'cưỡi ngựa xem hoa'

tran hương

Well-known member
Du lịch Bắc Kạn vẫn còn để khách 'cưỡi ngựa xem hoa'
Các chuyên gia du lịch cảm thấy tiếc vì hồ Ba Bể rất đẹp nhưng khách chỉ đi dạo một vòng quanh hồ trên thuyền rồi về, không khác gì "cưỡi ngựa xem hoa".

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm doanh thu du lịch cả nước đạt 436.000 tỷ đồng, trong đó 6 tỉnh vùng Việt Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Tính riêng hai quý đầu năm, ngành thương mại - dịch vụ - du lịch của Bắc Kạn đạt hơn 1.880 tỷ đồng. Con số này tương đương 30% trung bình cả nước, phản ánh sự đóng góp còn khiêm tốn của du lịch vùng so với tổng doanh thu ngành, song mặt khác lại cho thấy tiềm năng du lịch mà các địa phương trong vùng đang để ngỏ.

Tại hội nghị ký kết toàn diện về quảng bá truyền thông di sản vùng Việt Bắc ngày 26/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết vùng chiến khu Việt Bắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng lãnh đạo toàn dân tộc khởi nghĩa. Ngày nay, mỗi địa danh đều gắn liền với những chiến công và sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Du khách cắm trại quanh hồ Ba Bể. Ảnh: Quang Ba Bể
Du khách cắm trại quanh hồ Ba Bể. Ảnh: Quang Ba Bể

Du khách cắm trại quanh hồ Ba Bể. Ảnh: Quang Ba Bể

Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn và mến khách, du lịch Bắc Kạn mong muốn trở thành điểm đến lý thú, an toàn, thân thiện với du khách trong, ngoài nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ chiến khu Việt Bắc đã nổi danh với các di sản phi vật thể quan trọng, dù là về phương diện chính trị hay phương diện kinh tế, du lịch, cần trân trọng và khai thác một cách cẩn trọng. Ông Quốc cho hay vào thời kháng chiến vùng "Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà" là trung tâm của đất nước, cần biến những chuyến đi tới đây thành những cuộc hành hương.

GS Phan Văn Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng ngành du lịch ở địa phương chưa tốt vì có nhiều lý do, trong đó có thể kể đến cách quảng bá chưa hiệu quả.

Tổng giám đốc công ty Du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết Bắc Kạn có lợi thế mạnh mà không phải tỉnh nào cũng có: là địa phương xanh nhất nước với độ che phủ rừng cao nhất (73,4%). Đây là cơ hội để ngành du lịch tỉnh phát triển du lịch xanh, bền vững khi nhiều điểm đến trên cả nước đang bị bêtông hóa. Bên cạnh đó, Bắc Kạn còn nổi tiếng nghệ thuật hát then và đàn tính, trong đó Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở 11 tỉnh phía Bắc Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Theo ông Đạt, Bắc Kạn có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc nên dễ dàng kết hợp các tour liên tuyến Hà Nội - Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc hoặc Hồ Ba Bể - hồ Na Hang. Bắc Kạn cũng có nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng để phục vụ du khách như thịt treo gác bếp, măng nứa, lạp xưởng, thịt chua, tép chua, cơm lam, bánh trời, bánh trứng kiến. Người dân địa phương thân thiện.

Farmstay Ba Bể, địa điểm lưu trú phục vụ khách du lịch tại Bắc Kạn. Ảnh: Vũ Văn Tuyên
Famstay Ba Bể, một địa điểm lưu trú phục vụ khách du lịch tại Bắc Kạn. Ảnh: Vũ Văn Tuyên

Farmstay Ba Bể, địa điểm lưu trú phục vụ khách du lịch tại Bắc Kạn. Ảnh: Vũ Văn Tuyên

Tuy nhiên, dù hội tụ nhiều lợi thế để phát triển du lịch, tỉnh vẫn chưa phải điểm đến hút khách như Hà Giang, Cao Bằng. Ông Đạt cho rằng Bắc Kạn còn thiếu hạ tầng giao thông và lưu trú. Số lượng khách sạn, homestay tại tỉnh còn ít. Các homestay chủ yếu do người dân địa phương mở ra nên chưa có tính đồng bộ và đạt chuẩn để đạt phục vụ khách trong và ngoài nước.

Nhắc đến Bắc Kạn là phải nhắc đến hồ Ba Bể, nơi được ví như "viên ngọc quý" của tỉnh. Hồ là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, có diện tích 500 ha và nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể, nơi có hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, việc hút khách tại hồ Ba Bể vẫn chưa được phát huy triệt để.

Ngoài tour ngồi thuyền đi dạo một vòng hồ, ngành du lịch vẫn chưa có nhiều sản phẩm thu hút khách du lịch ở lâu. Các tour thám hiểm hang đá vôi, trerkking đường rừng vẫn còn ít và nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp đồng bộ. Khách đến Bắc Kạn hiện nay chỉ chủ yếu đến tham quan hồ Ba Bể rồi về, không khác gì "cưỡi ngựa xem hoa".

Theo các chuyên gia, đây là một điều đáng tiếc với ngành du lịch của tỉnh. Hiện tại, Bắc Kạn chỉ là điểm đến trong ngày của du khách, là điểm quá cảnh khi du khách ghé thăm Cao Bằng. Trong khi đó, với lợi thế về thiên nhiên, địa hình, Bắc Kạn xứng đáng là nơi níu chân du khách 3-5 ngày, thay vì nửa ngày.

Muốn thu hút du lịch và trở thành điểm đến khiến khách chi nhiều, ở lâu, ngành du lịch cần phải tăng các sản phẩm du lịch hướng đến khám phá văn hóa - thiên nhiên sẵn có như đi bộ đường dài, tìm hiểu đời sống của người dân tộc Tày ở các bản. Tỉnh cũng cần quy hoạch tạo thành các khu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái quy mô 100-200 phòng đạt chuẩn.

Ông Đạt lưu ý Bắc Kạn không cần các dự án quá lớn vì sẽ gây tác động lớn đến môi trường, làm mất đi thế mạnh đang sở hữu là vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ chưa bị can thiệp.

Chuyên gia quy hoạch xanh, kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San cũng nhận định tỉnh cần cân nhắc khi giao cơ hội quy hoạch cho các nhà đầu tư. "Ngành du lịch tỉnh giống như một nàng công chúa đang say ngủ nhưng không phải hoàng tử nào cũng có thể đánh thức", ông San nói.
 
Bên trên