Du lịch Đà Nẵng sau sáp nhập có thể 'sánh ngang Bali, Phuket'

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Sự hiện đại, năng động của Đà Nẵng kết hợp với di sản văn hóa của Quảng Nam sẽ tạo ''tài sản lớn'' đưa du lịch Đà Nẵng mới sánh với Bali, Phuket, theo chuyên gia.

Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ sáp nhập, sử dụng tên gọi chung là "Đà Nẵng". Các chuyên gia trong ngành du lịch tin đây là cơ hội để xây dựng thương hiệu du lịch tầm khu vực, nâng cao sức cạnh tranh với những điểm đến như Bali, Phuket. Nếu tổ chức đúng hướng, "Đà Nẵng mới" có thể trở thành điểm đến tích hợp - nơi du khách trải nghiệm từ biển, thành phố hiện đại đến di sản văn hóa, làng quê bản địa trên một hành trình.

Theo ước tính của The Outbox Company - công ty phân tích dữ liệu, cung cấp giải pháp cho ngành du lịch, lữ hành châu Á - lượng khách lưu trú quốc tế tại "Đà Nẵng mới" có thể đạt tới 6,1 triệu lượt khách lưu trú mỗi năm trong kịch bản cao, vượt TPHCM, nơi đón 6 triệu khách quốc tế vào năm 2024. Trong kịch bản thấp, con số sẽ đạt khoảng 4,5 triệu lượt. Cơ cấu khách cũng trở nên đa dạng và cân bằng hơn, với khách Đông Bắc Á chiếm 61%; khách châu Âu, Mỹ và Australia chiếm 16%; khách Đông Nam Á chiếm 9% và các thị trường khác chiếm 14%.

Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm phụ thuộc vào một nguồn khách. Hiện nay Đà Nẵng đang phụ thuộc lớn vào khách Hàn Quốc - chiếm hơn 40% tổng số khách quốc tế đến thành phố. Quảng Nam có cấu trúc thị trường khách quốc tế cân bằng nhưng cơ cấu về khách lưu trú năm 2024 lại lệch về khách quốc tế với tỷ lệ 76,3% và khách nội địa là 23,7%.

Phố cổ Hội An. Ảnh: Đắc Thành

Phố cổ Hội An đầu tháng 5. Ảnh: Đắc Thành

Bản sắc du lịch của hai địa phương cũng hứa hẹn bổ trợ cho nhau sau sáp nhập. Đà Nẵng và Quảng Nam hiện có định vị du lịch đối lập nhưng không mâu thuẫn. Đà Nẵng năng động, hiện đại, tập trung vào sự kiện, giải trí và biển trong khi Hội An yên bình, gắn với di sản, làng nghề và du lịch cộng đồng.

Dữ liệu phân tích ngôn ngữ trên mạng xã hội và OTA do Outbox thực hiện cho thấy du khách miêu tả Đà Nẵng bằng từ khóa "hiện đại", "tiện nghi", "biển đẹp" còn với Quảng Nam là những cụm từ "đậm chất văn hóa", "bình yên", "người dân thân thiện".

Nếu được định hướng đúng, sự tương phản sẽ trở thành tài sản để xây dựng một điểm đến đa lõi, đa tầng. Theo ông Phạm Quốc Khánh, Phó Giám đốc Du lịch Việt Hà Nội, doanh nghiệp có thể khai thác cả bãi biển Đà Nẵng, di sản Hội An, sinh thái Cù Lao Chàm, làng nghề Quảng Nam chỉ trong một tour khép kín. Nguồn lực tập trung của hai địa phương sẽ lớn hơn sau sáp nhập, đồng thời có thêm chính sách giảm giá combo vé tham quan các điểm du lịch trên địa bàn, từ đó thu hút thêm khách.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho rằng mô hình tour tuyến cũng sẽ thay đổi. Nếu trước đây là hình thức xuyên điểm đến (Hà Nội - Huế - Hội An - Đà Nẵng), giờ có thể tái cấu trúc theo hướng "ở lâu hơn, trải nghiệm sâu hơn" trong một cụm địa phương mở rộng. Những sản phẩm mới như "Tour Di sản làng quê Quảng Nam - Biển Đà Nẵng" kết hợp tham quan di sản UNESCO như Hội An, Mỹ Sơn hứa hẹn nhiều tiềm năng hút khách.

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Nguyễn Sơn Thủy, cho biết du khách, đặc biệt là khách quốc tế, đã quen với việc nhìn Đà Nẵng, Hội An, Huế như một cụm điểm đến, không phân chia rạch ròi theo địa giới hành chính.

"Nhiều chiến dịch trước đây cũng từng quảng bá theo hướng 'ba địa phương - một điểm đến' nên trong mắt du khách nước ngoài, đây là một vùng để tham quan trọn gói", ông Thủy nói. Điều này đem lại lợi thế lớn khi du khách không bị bối rối trước thông tin sáp nhập.
 
Bên trên