Đừng Phí Hoài Thời Gian, Bởi Nó Cũng Là Một Phần Thanh Xuân Của Đời Người!

Minh Thư

Well-known member
Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, có người bận rộn không có lấy một phút nghỉ ngơi, nhưng đâu đó có những người lãng phí thời gian của mình. Mà lượng thời gian bị lãng phí ấy, nếu cộng vào ngân quỹ thời gian của những người bận rộn, hẳn họ sẽ làm được trăm nghìn công việc có ích khác. Nhưng có lẽ giữa chúng ta có sự khác biệt về mặt suy nghĩ và nhận thức cùng với những ảnh hưởng của môi trường xung quanh dẫn đến những ảnh hưởng trong suy nghĩ mỗi người.


Khi còn bé, đó là khi mà cuộc sống của những đứa trẻ chỉ xoay quanh vỏn vẹn một vòng tròn tuần hoàn lặp đi lặp lại là "ăn, học, chơi". Ấy vậy mà những thú vui cỏn con như búp bê, đồ hàng, những cục đất sét, những cây bút màu lại là những mảnh ghép làm nên một tuổi thơ hạnh phúc và đủ đầy. Đôi khi tôi ước mình được trở về thời thơ ấu, trở về khoảng thời gian không chỉ tôi mà còn cả những đứa trẻ khác suốt ngày quẩn quanh những món đồ yêu thích, làm những việc yêu thích và tận hưởng nó một cách trọn vẹn nhất. Hãy thử hỏi những người lớn xung quanh bạn rằng điều gì làm họ mệt mỏi nhất, thì chắc chắn dù câu trả lời của họ là gì thì cũng được tóm gọn thành bốn từ "trở thành người lớn". Đúng là như thế, chẳng phải có một điều khá ngộ nghĩnh rằng người lớn thì muốn làm trẻ con, nhưng trẻ con lại muốn thành người lớn. Và rồi không lúc nào chúng ta thỏa mãn được điều gì.


Dù gì thì theo dòng thời gian, con người chúng ta cũng phải lớn lên. Nhưng mấy ai suy nghĩ được rằng khi tuổi đời càng lớn, thì chúng ta càng phải trưởng thành hơn từng ngày. Và khi đó, chúng ta lại có thêm nhiều sứ mệnh hơn. Đó có thể là sứ mệnh mà bản thân tự đặt ra, hay sứ mệnh mà xã hội mong đợi mình đạt được, nhưng dù là sứ mệnh gì thì áp lực và khó khăn sẽ nhiều hơn gấp bội. Vì vậy mà người lớn ai cũng mong muốn được trở về tuổi thơ, hồi còn biết bao nhiêu thời gian rảnh rỗi để có thể ngồi và xem một bộ phim liên tục mấy tiếng đồng hồ mà không bị sự phân tâm của công việc hay áp lực của những "deadline" dai dẳng không bao giờ chấm dứt. Điều đó thực sự khiến con người ta mệt mỏi và chán nản, đôi lúc chỉ muốn buông xuôi cho xong. Khi còn bé thì quỹ thời gian dường như là vô tận, lúc công việc bận bịu lại thèm khát một phút nghỉ ngơi, vậy tại sao giới trẻ chỉ biết lãng phí thời gian chỉ để làm những điều vô bổ?


Vấn đề muôn thuở: "Vừa học vừa chơi"


Chúng ta thường có một thói quen xấu và khó chữa được đó là ưu tiên "chơi" trước, "học sau". Chẳng hạn như vào mỗi buổi tối, thường thì chúng ta phải hoàn thành bài tập, học bài và chuẩn bài vở cho hôm sau, và lấy ví dụ là chúng ta có ba tiếng để hoàn tất. Chẳng phải phương pháp tốt nhất là trong hai tiếng đầu, chúng ta tập trung cao độ thì sẽ có thể hoàn thành xong sớm và một tiếng sau sẽ nghỉ ngơi, thư giãn. Thế nhưng, thay vì như vậy thì giới trẻ chọn cách làm ngược lại. Bạn có biết biết tác hại to lớn của cách làm này là gì không? Nếu nói về tâm lý và sở thích thì cứ hễ có thời gian rảnh thì chúng ta lại lấy smartphone ra để lướt Facebook, chat với bạn bè, nếu không thì xem phim, nghe nhạc, thế rồi cứ sa đà vào chúng. Cách làm này dần hình thành thói quen khó chỉnh được và rồi kết quả học tập giảm sút, công việc lở dở chẳng đâu vào đâu. Lúc đó, bản thân lại tự dằn vặt, lại tự trách mình đã sử dụng thời gian một cách lãng phí. Không có nghĩa là những việc làm như lướt Facebook, chat, xem phim, và nghe nhạc là vô bổ, mà điều đáng nói là chúng ta không thực hiện chúng vào đúng lúc, đúng thời điểm. Vì vậy mà việc biết cách sắp xếp mọi thứ là vô cùng quan trọng, việc nào cần làm trước, việc nào nên để sau.


Cuộc sống tẻ nhạt


Có nhiều thứ khiến cho cuộc sống tẻ nhạt và tùy thuộc vào cuộc sống mỗi người, bởi chúng ta là các cá thể khác nhau, không ai giống ai, cũng như thú vui của mỗi người cũng khác biệt. Nhưng điều dễ khiến cho cuộc sống chúng ta trở nên tẻ nhạt thấy rõ là mọi thứ lặp lại hằng ngày, một cách vô vị. Chúng ta, tuổi trẻ, luôn dễ ngán ngẩm bởi những điều cứ lặp đi lặp lại theo cách thức giống hệt và thích những điều mới mẻ, sáng tạo hơn. Vì vậy mà có những người chỉ để mỗi ngày của họ trôi qua một cách nhạt nhẽo, để rồi gặp ai cũng bảo rằng cuộc sống quá tẻ nhạt.


Có bao giờ chúng ta thắc mắc rằng làm cách nào để mỗi ngày trôi qua đều là một ngày ý nghĩa và tuyệt vời? Ít ai dành thời gian ra để suy ngẫm về chuyện đó. Một trong những điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là khi đạt được mục tiêu mà mình đặt ra. Mục tiêu đó không cần lớn lao, cầu kì, hay phức tạp mà đơn giản là mục tiêu đạt kết quả tốt trong kì thi cuối kì, hay việc thức dậy sớm mỗi ngày để tập thể dục, rèn luyện thân thể. Bởi khi mình đạt được điều mà mình mong muốn, thì khi đó bản thân chúng ta biết rằng mình có khả năng và năng lực làm được chuyện đó, cũng như có đủ sự kiên trì và cố gắng phấn đấu. Hơn hết, đó sẽ là động lực cho những mục tiêu tiếp theo trong tương lai, giúp chúng ta ngày một hoàn thiện hơn. Khi nào bản thân chúng ta đạt được mục tiêu của mình, thì lúc đó chúng ta sẽ hiểu được giá trị của sự bền bỉ. Và khi đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng cuộc sống không tẻ nhạt đến vậy, thực ra nó đầy những thử thách nhưng lại rất thú vị. Vậy, một cuộc sống có định hướng, có mục tiêu rõ ràng chẳng phải sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều sao!


Người trì hoãn


Bản chất của những người trì hoãn là luôn thích để "từ từ rồi làm". Có hai kiểu người trì hoãn: một là trì hoãn có thời hạn và hai là trì hoãn không thời hạn. Trước tiên, thường thì những người trì hoãn có thời hạn là những người chịu áp lực lớn nhất, bởi lúc nào cũng phải hoàn thành công việc dưới áp lực của thời gian. Nhưng do đâu mà điều này gần như luôn xảy ra với họ? Một lý do phổ biến chính là sự lười biếng. Một ví dụ điển hình là học sinh luôn bị áp lực, căng thẳng mỗi khi gần kề kì thi học kì. Đó là vì những kiến thức của một học kì khá nhiều và nặng, nhưng học sinh chúng ta thường để đến sát ngày thi mới học bài. Trong khi đó, thời gian học trước đó là rất nhiều nhưng chúng ta lại không biết tranh thủ mà để sự biếng nhác điều khiển, trong suy nghĩ cứ đinh ninh là thời gian còn nhiều, không phải lo xa. Tuy nhiên, lượng kiến thức nhiều không đếm xuể, khi mở sách vở ra học mới hoảng hốt khiến chúng ta phải thức khuya dậy sớm học bài trong tình trạng đầy lo âu. Kết quả là đầu óc trở nên mụ mẫm, kém minh mẫn trong lúc thi dẫn đến kết quả không như mong đợi. Đừng đợi "nước tới chân mới nhảy", chúng ta nên loại bỏ suy nghĩ rằng mọi thứ sẽ đâu vào đó trong khi thực tế không như vậy. Thứ hai, trì hoãn không thời hạn thì dường như sự trì hoãn ấy không bao giờ có điểm dừng. Khi chúng ta đặt ra những công việc cần phải hoàn thành mà không có thời gian kèm theo thì sẽ dễ dẫn đến việc trì hoãn vì trong đầu luôn cho rằng "từ từ rồi làm cũng không sao". Nhưng chắc chắn đến một lúc nào đó, điều đó trở nên quá muộn màng thì không còn cách nào cứu vãn được. Đừng trở nên lười biếng, điều đó không làm cho chúng ta tiến bộ mỗi ngày. Việc cần làm phải làm ngay và đừng kéo dài chúng vì làm như vậy chỉ khiến chúng ta thêm mệt mỏi.




Tuổi trẻ hãy biết tận hưởng quỹ thời gian quý giá của mình, nhưng đồng thời hãy biết sử dụng nó một cách hợp lí và tiết kiệm, chứ đừng để lãng phí, bạn nhé.





Một lời khuyên của tôi là mỗi khi chúng ta cảm thấy thời gian trôi qua trong vô vị, thì hãy nghĩ đến sứ mệnh của cuộc đời mình là gì, nghĩ đến những mục tiêu mà mình phải hoàn thành và cảm giác khi chúng ta đạt được chúng như thế nào, thì chắc chắn bản thân sẽ có thêm động lực cũng như tinh thần để có thể làm nên một bức họa cuộc đời đáng giá, để khi người khác nhìn vào bức họa ấy, họ sẽ ngưỡng mộ vì nó thực sự giá trị và ý nghĩa.
 
Bên trên