| ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG - THEO GÓT CHÂN BỤT|

linh_449

Linh Linhh
| ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG - THEO GÓT CHÂN BỤT|
Đạo Phật dưới những tác động thêm bớt của văn hóa nhân gian đã khiến phần đông quần chúng có cái nhìn sai lệch, thần thánh hóa hình tượng Đức Phật, biến một “con đường” thành “tôn giáo” và đạo Phật vì thế cũng dần trở nên xa rời thực tế. Hầu như trước khi có cơ duyên được tìm hiểu một cách sâu sắc về Phật giáo bất cứ ai trong chúng ta cũng có ấn tượng với việc đi chùa chỉ là để lẩm bẩm cầu xin tiền tài và danh lợi, nghe tiếng mõ tiếng kinh cũng chỉ cảm thấy ồn ào, còn không thì cũng cho rằng đây là môi trường dành riêng cho người già, người chết, trầm mặc và buồn tẻ. Trước những cái nhìn sai lệch như thế, tập sách “Đường xưa mây trắng” ra đời như để khẳng định lại những giá trị sâu sắc vốn có của đạo Phật, đưa hình tượng Đức Phật từ một ông thần ông thánh xa xôi nào đó trở về lại là vị đạo sư từ bi, trí tuệ và gần gũi với nhân sinh.
Được viết dưới ngòi bút của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, “Đường xưa mây trắng” với những tình tiết đầy sinh động, gần gũi, đã trở thành một thiên tình sử, nhẹ nhàng, gần gũi mà sâu lắng. Tập sách đã dược dịch ra hơn 20 thứ tiếng, tái bản nhiều lần ở các nước và được xếp vào hàng những cuốn sách hay nhất thế kỉ 20.
Yêu thương chính là điểm xuất phát của mọi tác phẩm văn chương đích thực. Và “Đường xưa mấy trắng” cũng không ngoại lệ. Tập sách này không chỉ đơn thuần là kể về cuộc đời đức Phật, mà còn là một bài tổng kết hầu như những lời dạy trọng yếu của Đức Phật về đời sống và nhân sinh. Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ dựa vào lịch sử để viết, ông còn thêm vào đó sự khéo léo, niềm đam mê, thêm vào đó tình thương bao la của chính mình. Trong một bài trò chuyện về cuốn sách, Thiền sư từng chia sẻ:
“Tôi còn nhớ là hồi đó tôi viết Đường Xưa Mây Trắng ở trong cái quán của xóm Thượng. Hồi đó chưa có lò sưởi trung ương, trong phòng chỉ có một cái lò sưởi đốt củi thôi và trời rất lạnh. Tay phải tôi viết còn tay trái thì đưa ra hơ trên lò sưởi. Tôi đã viết những chương của Đường Xưa Mây Trắng với rất nhiều hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi đứng dậy pha trà để uống. Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với Đức Thế Tôn. Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết, mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc. Viết Đường Xưa Mây Trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá"
Chính những tâm tình đó của tác giả biến những con chữ vô tri trở thành những dòng văn vô cùng ấm ám khiến cho đọc giả đọc sách của ông mà hoàn toàn chìm đắm trong cái ôm ấp vỗ về của tình yêu thương, và từ đó có được những nhận thức, suy nghĩ mới tích cực hơn từ người thầy đầy từ bi và trí tuệ.
Nếu bạn từng nghĩ Đức Phật giống như một vị thần vị thánh nào đó sẽ ban phước hay trị tội con người, thì khi đến với “Đường xưa mây trắng”, Thiền sư sẽ giúp bạn hiểu về Đức Phật giống như một người thầy, người cha, hay thậm chí là một người bạn có đầy tuệ giác và thương yêu. Đó cũng chính là dụng ý của sư ông khi lược bỏ hoàn toàn các chi tiết về thần thông phép thuật và chính sư ông cũng đã từng nói rằng:
"Tôi trình bày Bụt giống như một con người, không phải một nhân vật của huyền thoại. Như vậy giới trẻ mới tin tưởng vào lời Bụt dạy… Qúy vị có thể coi cuốn ‘Đường xưa mây trắng’ là một câu chuyện tình, chuyện tình của hai con người (Shidartha và Yashodara), sau được chuyển hóa thành tình yêu bao la, bao trùm hết cả nhân loại…”
Đọc sách và cảm nhận như thế nào cũng thường tùy thuộc vào cách bạn trải nghiệm cuộc sống. Như khi đọc “Đường xưa mây trắng”, nếu bạn là một người có nhiều trải nghiệm, thì chắc chắn những gì bạn có được không chỉ là hiểu trên mặt lý thuyết mà còn là giác ngộ. Xin đừng hiểu "giác ngộ” như một điều gì đó cao siêu, mà hãy xem đó là những khoảnh khắc đáng giá xảy ra khi bạn có đủ nhận thức và kinh nghiệm về một vấn đề nào đó. Hãy cùng thử đọc một trích đoạn nhỏ trong tập sách này để phân tích và cảm nhận:
______________________________________________
Bụt nói:
- Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Nhưng tâm ta ít khi chịu an trú trong giây phút hiện tại. Tâm ta hay ưa trở về quá khứ hoặc vọng đến tương lai. Ta cứ tưởng ta là ta, nhưng quả thực ta chưa hề tiếp xúc với ta, bởi vì tâm ta cứ rong ruổi chạy theo những ảo ảnh của quá khứ và của vị lai. Chỉ có một phương cách duy nhất để tiếp xúc với sự sống địch thực: đó là trở về với giây phút hiện tại. Nếu các em biết trở về với giây phút hiện tại thì các em trở nên tỉnh thức. Và lúc đó các em mới có cơ hội tìm được các em.
- Các em hãy nhìn những đọt lá xanh và ánh sáng mặt trời đang lọc qua những đọt lá ấy. Các em đã từng có dịp thật sự ngắm nhìn màu xanh của lá cây trong trạng thái trầm lặng và tỉnh thức của tâm tư chưa?
- Màu xanh ấy là một khía cạnh vi diệu của sự sống. Nếu các em chưa bao giờ thực sự nhìn màu xanh ấy thì bây giờ đây các em hãy thử nhìn đi.
______________________________________________
Qua đoạn trích trên, điều chúng ta nhận thấy được đầu tiên chính là giọng văn ôn nhu, từ tốn đúng chất một người tu hành của tác giả. Sư ông đã trích lời Bụt như cách nói của một người bình thường trò chuyện với những người khác, chỉ là người bình thường đó có được những trải nghiệm sâu sắc cùng với tâm từ và trí tuệ, nên mới có thể truyền dạy những lời lẽ khiến kẻ khác phải khâm phục. Lối hành văn nhẹ nhàng, không màu mè, hoa mỹ, nhưng cũng không nhàm chán, vô vị có lẽ chính là cách truyền dạy bài học khéo léo và chân thành nhất. Hòa thượng đã khiến cho cách mà Bụt đối thoại với nhân vật mang đến cảm giác như Bụt đang đối thoại với chính ta- người đang đọc cuốn sách này. Sự gần gũi màu nhiệm vì thế mà cũng trở nên hiện hữu rõ ràng, khiến ta bị lôi cuốn theo phong vị của từng con chữ.
Về mặt nội dung, đó là những chân lý gần gũi và thiết thực nhưng ít có ai trong chúng thực sự nhận biết được. Đứng trước hiện thực xã hội xô bồ, khi mà con người ta luôn mong cầu hạnh phúc nhưng lại sống theo cách khiến bản thân đau khổ, những bài học rút ra được từ “Đường xưa mây trắng” sẽ trở thành kim chỉ nam giúp chúng ta trở về với con đường của tỉnh thức-con đường thực sự đưa đến hạnh phúc. Điều đó không đồng nghĩa với việc đó là những gì cao siêu, khó nhằn, mà như tôi đã nói, đó là những sự thật bình dị mà sâu sắc - những khoảng lặng để tâm hồn quay về thực tại…
“Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại”- câu nói này rõ ràng có thể được nhận thấy trong hiện thực. Chúng ta đang sống trong giây phút này, ngay tại đây, không phải trong quá khứ cũng chẳng ở thời vị lai. Vì quá khứ thì đã qua mà tương lai thì chưa đến, chưa biết trước được điều gì. Thế những “tâm ta hay ưa trở về quá khứ hoặc vọng đến tương lai”. Đây cũng chính là một sự thật. Chúng ta vẫn thường đánh mất giây phút an vui trong hiện tại vì những mất mát trong quá khứ hay những lo lắng, mong chờ trong tương lai. Điều đó có thể thấy khi bạn không vượt qua được nỗi đau trong học tập như “thiếu mất 0.25 là đủ”, những điều tiếc nuối từ nhỏ tới lớn “biết vậy tôi đã…”, không vượt qua được những nỗi đau của quá khứ. Hay những khi bạn lo lắng “mọi chuyện có diễn ra tốt theo dự tính hay không?”, là đã vọng tưởng đến tương lai. Chúng ta luôn vô thức có những suy nghĩ như thế khiến cho giờ phút hiện tại vốn an bình lại ngập tràn những nỗi lo toan không có thật… Nhân sinh cũng vì thế mà suốt cả cuộc đời cứ chạy hoài tìm mãi những thứ xa xôi nào đó mà quên mất rằng trong thực tại chúng ta vốn đã rất hạnh phúc rồi. Con đường để đi đến sự “giác ngộ”, không phải là đi tìm kiếm những thứ gì đó bên ngoài, mà chính là quá trình tìm về với chính bản thân ta. Hiểu rõ mình, chiến thắng bản thân, chính là sự hiểu biết và chiến thắng vĩ đại nhất.
“Nếu các em biết trở về với giây phút hiện tại thì các em trở nên tỉnh thức. Và lúc đó các em mới có cơ hội tìm được các em.”- Một trong số cách huân tập để giữ cho tâm trí mình an trú trong hiện tại đó chính là thiền định. “Thiền định” là những giây phút bạn để tâm hồn mình yên tĩnh, buông xuống những suy nghĩ mông lung, và nhìn thẳng vào tận sâu bên trong mình. Tập lắng nghe hơi thở, nhận thức hơi thở nông hay sâu, ngắn hay dài, cảm nhận rõ vai và lưng của mình, quán sát mọi thứ xung quanh bằng tất cả tâm tư, không phán xét, mà chỉ nhận biết thôi, và sự nhận biết chân thật đó chỉ xuất hiện khi bạn đã huân tập thật chăm chỉ hằng ngày, hằng giờ.
Giống như trong đoạn trích trên, Bụt có đặt ra câu hỏi “các em đã từng có dịp thực sự ngắm nhìn màu xanh của lá cây trong trạng thái trầm lặng và tỉnh thức của tâm tư chưa?”- Tại sao Bụt lại hỏi như vậy? Lá cây thì xanh, và nó chỉ xanh thôi? Đó là suy nghĩ khi chúng ta chỉ nhìn thoáng qua. Nhưng khi nhìn “trong trạng thái trầm lặng và tỉnh thức của tâm tư” lá cây không chỉ đơn thuần là lá cây. Lá cây xanh tốt như thế là nhờ rất nhiều nhân duyên hội tụ, bao gồm: mặt đất để nương tựa, sự tưới tẩm của của nguồn nước trong lành, ánh nắng ấm áp của mặt trời, tác động của gió mưa, và thậm chí là phân bón tốt, công sức của người trồng… Và vì thế, lá xanh không chỉ đơn thuần là lá xanh, mà đó còn là biểu hiện cho đất, nước, gió, lửa và con người. Nhận thức như thế chính là giúp cho chúng ta hiểu được tính vô ngã của nhân sinh, tức là chúng ta không phải chỉ là chúng ta mà ta được hình thành dựa trên rất nhiều yếu tố của tự nhiên, con người… Đồng thời cũng nói lên ý nghĩa “mỗi sự việc trên thế gian này đều là những mắt xích của nhau”- tức là, một việc nào đó xảy ra, đều có khả năng ảnh hưởng đến người khác, việc khác, đó cũng chính là minh chứng cho chân lý “cái này có vì cái kia có”. Chúng ta là chúng ta, nhưng chúng ta cũng chính là vũ trụ này, là biểu hiện của mọi điều trên thế giới, nhìn sâu vào tự tính của vạn vật, chúng sinh không sinh cũng không diệt, lá cây ngày hôm nay chính là nguồn nước mát lành ngày hôm qua, là đám mây trắng nõn trên bầu trời xanh, là tia nắng sáng của Mặt Trời… Đó cũng chính là khía cạnh vi diệu của sự sống. Vì vậy, hãy trân quý khoảng thời gian hiện tại, hãy nhìn, hãy lắng nghe, và cảm nhận bằng tất cả trái tim, như thế, chúng ta sẽ tỉnh thức và tìm thấy chính mình…
Tôi đã đọc cuốn sách này một cách say mê và từ tốn, bởi tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì mà tác giả muốn truyền tải. Ai đó đã từng nói rằng “kết thúc của một tác phẩm không phải nằm ở những dòng cuối cùng của tác phẩm đó.” Chính vì vậy, sau khi nghiền ngẫm những dòng cuối cùng của tác phẩm, tôi rất mong chờ, mong chờ những điều mới mẻ, những hiểu biết rộng hơn mà mình sẽ có được khi trải nghiệm cuộc sống bằng những lời dạy của Bụt được Thiền sư truyền tải thông qua “Đường xưa mây trắng”.
Đức Phật từng nói với các đệ tử của mình rằng, đừng vội tin khi nghe một điều gì đó kể cả đó là điều do chính Bụt nói, mà hãy dùng sự quan sát, trải nghiệm của mình thông qua những điều đó, để xem xem đó có phải là sự thật hay không, phải xác thực trước khi tin và làm theo. Nên bạn hãy thử trải nghiệm cuộc sống sau khi đọc "Đường xưa mây trắng”, tùy vào mỗi người, mỗi hoàn cảnh mà chúng ta đúc kết được những điều khác nhau, nhưng tôi tin là bạn sẽ cảm nhận một cách sâu sắc hơn về giá trị của cuộc sống này và hạnh phúc hơn bởi tâm hồn đã được tưới tẩm nguồn nước thương yêu từ những con chữ trong tác phẩm.
“Đường xưa mây trắng” được viết không phải dựa trên lợi nhuận hay danh tiếng, mà được dệt nên từ sợi tơ tình yêu thương, từ những ước nguyện tốt đẹp của Thiền sư Nhất Hạnh. và vì vậy, bạn cũng hãy đón nhận cuốn sách như cách mà cuốn sách ra đời, hãy mở rộng lòng ra và cảm nhận bằng toàn bộ nhận thức.
Không có mô tả ảnh.
 
Bên trên