Ecovacs X5 Pro Omni - robot hút bụi có công suất mạnh nhất

TRUONGTRINH

Well-known member
X5 Pro Omni trang bị nhiều công nghệ đầu bảng trên robot hút bụi như công suất 12.800 Pa, cảm biến LDS trong thân và giặt nước nóng 70 độ.



Chưa đầy một năm sau khi ra mắt X2 - robot hút bụi được coi là có thiết kế đột phá nhất 2023, Ecovacs trình làng phiên bản nâng cấp Deebot X5 Pro Omni. Ngoài kiểu dáng phẳng mặt trên độc nhất ở phân khúc cao cấp, X5 có các thông số dẫn đầu khác như lực hút mạnh nhất, khả năng nâng giẻ lau cao nhất, giặt nước nóng nhiệt độ cao và thêm tính năng xòe giẻ khi lau sát tường tương tự dòng cao cấp của Dreame.
Robot hút bụi cao cấp hiện là "cuộc đua tam mã" của Ecovacs, Roborock và Dreame tại Việt Nam. Model mới X5 Pro Omni sẽ cạnh tranh với S8 MaxV Ultra và X40 Ultra tương ứng ở khoảng giá 24-27 triệu đồng.


Bấm để lật ảnh sau/trước




Robot hút bụi tầm trung và cao cấp đều có cảm biến LDS dạng tròn lồi lên phía trên, nên thiết kế phẳng hoàn toàn của X5 trở nên khác biệt. Sản phẩm không có kiểu dáng tròn mà theo hình chữ D để tối ưu khoảng cách từ chối lau đến các cạnh. Ecovacs cũng là hãng duy nhất làm nắp trên của máy không có bản lề mà là tấm rời có thể tháo ra hoàn toàn. Cách này giúp dễ vệ sinh bên trong, thiết kế liền mạch, nhưng trong một số trường hợp dễ bị rơi khi cạ vào gầm tủ, kệ.

Các mẫu robot cao cấp như X5 thường có hộp chứa bụi nhỏ do chỉ dùng để chứa trong lúc hoạt động. Sau khi kết thúc chu trình, toàn bộ bụi được đưa lên túi gom trên dock. Ecovacs trung thành với bảng điểu khiển một nút duy nhất trên thân robot. Người dùng sẽ phải nhớ thao tác bấm lỳ, bấm một lần tương ứng với từng tính năng, thay vì có nút riêng như Roborock hay Dreame.


Thoạt nhìn, máy có bề mặt phẳng giống X2, nhưng được cải tiến về hệ thống LDS để tăng độ ổn định. Cảm biến xoay được làm "lộ thiên" thay vì giấu bên cạnh như thế hệ cũ, nhưng ở khe dưới camera để đảm bảo thẩm mỹ và bề mặt trên phẳng hoàn toàn. Thử nghiệm thực tế cho thấy X5 chạy thông minh hơn so với X2, gần như không còn tình trạng nhận nhầm bản đồ hay vượt nhầm tường ảo. Ngoài ra, việc sử dụng cảm biến LDS dạng lai giúp máy tiết kiệm pin khá rõ trong quá trình hoạt động.


Cùng là kiểu thiết kế vuông cạnh trước nhưng X5 được làm cong hơn ở phần mặt sau. Hãng lý giải điều này giúp hai chổi lau xoay ở sau sát mép hơn, giảm góc chết khi hoạt động. Thiết kế chữ D cho cảm giác "cồng kềnh" nhưng thực tế linh hoạt hơn bởi "gọt" bớt được diện tích thừa hai bên, chổi lau chính có thể đưa ra gần hết mặt dưới.


Ecovacs tiếp tục cuộc đua lực hút khi nâng X5 Pro Omni từ 8.000 Pa của thế hệ cũ lên 12.800 Pa. Mức này cao nhất thị trường, vượt Dreame X40 Ultra (12.000 Pa), Roborock S8 MaxV Ultra (10.000 Pa) hay T30 Pro (11.000 Pa).
Lực hút thực tế là "cuộc đua truyền thông" vì mức 8.000-10.000 Pa được đánh giá đã đủ cho nhu cầu thông thường. X2 năm ngoái cũng thể hiện tốt khả năng hút bụi, rác lớn ngay cả khi để mức công suất không cao nhất.
Camera trên thân robot dùng để nhận diện, tránh vật thể bằng AI. Ngoài ra, người dùng có thể truy cập camera từ xa, hỗ trợ đàm thoại hai chiều như camera an ninh thông thường.


Deebot X5 Pro Omni là robot có khả năng nâng cao giẻ nhất, ở mức 15 mm. Thông số này giúp máy hoạt động liền mạch khi gặp thảm cao, không phải quay về trạm cất giẻ như model của đối thủ Dreame. Việc nâng giẻ cũng hạn chế nhược điểm kém linh hoạt của phương thức lau xoay so với lau rung thông thường.
Điểm nâng cấp lớn khác của X5 là khả năng giặt giẻ bằng nước nóng 70 độ C, cao nhất thị trường (X2 là 55 độ C). Nhiệt độ cao giúp dễ tẩy rửa vết dầu mỡ hơn, trong khi nước ấm cùng hệ thống lau xoay có áp lực sẽ hiệu quả hơn so với nước nhiệt độ thường.


Mặt dưới của X5 có một chổi cạnh, còn chổi lau chính cỡ lớn, dài ngang hơn loại robot tròn. Hệ thống hai chổi lau chính cỡ lớn dùng cơ chế dán dính rất dễ tháo để thay thế, vệ sinh. Ecovacs đưa hệ thống xòe giẻ được đánh giá cao trên T30 Pro vào X5 giúp robot khi lau có thể đưa một bên giẻ ra sát cạnh tường, giúp không để sót vị trí khi hoạt động.


Sau khi T30 Pro được đánh giá cao, Ecovacs quyết định đưa hệ thống chổi lau của model này lên X5 với một số cải tiến nhỏ. Với thế hệ X2 cũ, chổi là dạng cao su giúp đánh bật vết bẩn sàn cứng tốt hơn, chống rối tóc nhưng độ ồn lớn. Hệ thống chổi mới trên X5 có răng lược chống rối vẫn đảm bảo độ hiệu quả với sàn cứng.


Bấm để lật ảnh sau/trước




Dock của X5 không có nhiều điểm khác biệt so với X2 với hai bình chứa nước sạch và bẩn dung tích 5 lít. Túi chứa bụi dung tích 3,4 lít có thể sử dụng 2-3 tháng mới cần thay thế. Nút bấm trên dock giúp người dùng nhanh chóng ra lệnh cho dock tự làm sạch giẻ lau bên cạnh khả năng tự động làm sạch tấm đáy. Để tự động hoàn toàn, người dùng có thể mua thêm bột kit, nối thẳng đường nước sạch và bẩn với hệ thống nước trong nhà thay vì phải dùng hai bình chứa.


Không như các nhà sản xuất khác, mỗi model của Ecovacs có giao diện điều khiển khác biệt một chút dù cùng một phần mềm. Với X5, phần mềm hiện đại hơn khi mô tả trạng thái hoạt động ngay dưới bản đồ nhà. Các tính năng giặt, lau, mức cài đặt công suất hay độ ướt của giẻ trực quan hơn X2 năm ngoái. Thử nghiệm cho thấy robot quét tạo bản đồ rất nhanh, mất chưa đầy 5 phút cho căn hộ khoảng 70 m2.







Eocvacs X5 Pro Omni có hai lựa chọn màu đen và trắng với giá niêm yết 35,9 triệu đồng, còn giá thực mua tại cửa hàng khoảng 23,9 triệu đồng thời gian đầu. Mức này tương đương Roborock Q Remo Master và rẻ hơn 1-2 triệu đồng so với Dreame X40 Ultra hay Roborock S8 MaxV Ultra.
 
Bên trên