Elon Musk thống trị vệ tinh Internet thế nào

Từ Minh Quân

Well-known member
Trong 6 tháng, công ty SpaceX của Musk đã đưa hơn 1.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất, trong khi mỗi năm Nhật Bản chỉ phóng 10-20 vệ tinh.

Theo Nikkei Asia, Elon Musk đang ngày càng mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực Internet vệ tinh. Công ty SpaceX do ông sáng lập đang chiếm hơn 60% số lần phóng vệ tinh của cả thế giới trong năm nay.

Chỉ với một tên lửa, SpaceX có thể mang theo 60 vệ tinh cùng lúc. Tính đến cuối tháng 6, công ty đã đưa hơn 1.000 vệ tinh lên quỹ đạo, theo dữ liệu từ nhà nghiên cứu Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian.

Tính từ 2019, SpaceX đã gửi gần 5.000 vệ tinh lên vũ trụ. Đây chỉ là con số nhỏ trong tham vọng của Musk. Theo Space News, SpaceX nộp đơn xin phép được phóng tổng cộng 42.000 vệ tinh đến năm 2027, gấp khoảng 20 lần số vệ tinh đang hoạt động hiện nay.

Với những con số trên, Musk được xem là người thống trị của thị trường này. Đối thủ cạnh tranh là Amazon mới có kế hoạch phóng một vệ tinh nguyên mẫu vào cuối năm nay. Trong khi đó, mỗi năm Nhật Bản chỉ phóng 10-20 vệ tinh.

Mạng lưới Internet vệ tinh của Elon Musk bao quanh Trái Đất. Ảnh: Business Insider

Mạng lưới Internet vệ tinh của Elon Musk bao quanh Trái Đất. Ảnh: Business Insider

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 20/6, Elon Musk bày tỏ mong muốn được cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh ở thị trường có dân số lớn thứ hai thế giới. Nhà sáng lập SpaceX cho rằng Internet vệ tinh sẽ "cực kỳ hữu ích" với người dân ở những ngôi làng xa xôi, ít có cơ hội kết nối Internet băng thông rộng. Ấn Độ chỉ có 2% hộ gia đình có đường truyền Internet tốc độ cao trên tổng dân số 1,4 tỷ người.

Các vệ tinh Starlink của SpaceX có thể giúp người dùng kết nối Internet tốc độ cao khi chúng bay quanh quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất 300-600 km. Khoảng cách này thấp hơn đáng kể so với vệ tinh khí tượng, thường hoạt động trong quỹ đạo khoảng 36.000 km.

Để truy cập Internet vệ tinh, khách hàng của Starlink chỉ cần cài đặt bộ thu phát sóng, kích thước 50 x 30 cm. Trong email gửi đến khách hàng, SpaceX cho biết mạng Internet vệ tinh có thể đạt tốc độ 50-150 Mb/giây. Ở một số nơi, Starlink thậm chí đạt 175 Mb/giây. Trong khi đó, theo Speedtest, tốc độ Internet di động tại Việt Nam là 46 Mb/giây và băng rộng cố định là 84 Mb/giây.

Năm 2021, Starlink từng khiến người dùng Việt Nam xôn xao khi cho phép đăng ký dịch vụ với giá 99 USD mỗi tháng. Hiện thông tin trên đã bị gỡ. Tại một số thị trường khác ở Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei, thời gian triển khai dự kiến bắt đầu trong năm nay.

Theo các chuyên gia, nếu muốn phủ sóng tại Việt Nam, các dự án Internet vệ tinh như của Elon Musk phải có thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp Việt đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh. Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về đặt trạm cổng (gateway) vệ tinh tại Việt Nam.

Số người dùng Internet vệ tinh băng thông rộng toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi từ 71 triệu năm 2022 lên 153 triệu vào năm 2031, theo công ty tư vấn ngành hàng không vũ trụ Euroconsult. Trong khi đó, ngân hàng JP Morgan dự báo thị trường dịch vụ liên lạc vệ tinh sẽ đạt 95 tỷ USD vào 2040. Các phương tiện tự lái sẽ dẫn đầu nhu cầu sử dụng Internet vệ tinh. Theo Adam Jonas, nhà phân tích của JP Morgan, liên kết vệ tinh là công cụ đắc lực cho xe tự lái vì chúng có thể liên tục cập nhật ở bất kỳ đâu.

Tuy nhiên, thông tin liên lạc qua vệ tinh tương đối mới và vẫn tiềm ẩn rủi ro. OneWeb, một nhà điều hành vệ tinh của Anh, đã sụp đổ vào năm 2020 sau khi gặp khó khăn về tài chính và được chính phủ giải cứu. Ngay cả SpaceX cũng không hoạt động ổn định hoàn toàn. Công ty đang phát triển thị trường nhờ khoản trợ cấp lớn từ chính phủ Mỹ và các đơn đặt hàng của NASA. Chủ tịch SpaceX Gwynne Shotwell cho biết Starlink "sẽ kiếm tiền" trong năm nay.
 
Bên trên