Nguyễn Thị Hồng
Well-known member
Sáng nay ngủ dậy, thứ mình làm đầu tiên là lướt Facebook khi còn nằm trên nệm. Trên mạng, một số bạn bè khoe ảnh đi du lịch, một người bạn khoe ảnh chạy bộ ở Hội An, một số đăng ảnh cuối tuần đi bar. Một chút ghen tỵ và bực bội làm mình thoát khỏi cơn buồn ngủ nhanh chóng và bắt đầu ngày mới.
Trong một bài viết tận năm 2018 trên Guardian, người ta gọi thời điểm này là “kỷ nguyên của sự ghen tỵ”. Thời xa xưa, ông bà ta chỉ ghen tỵ với hàng xóm. Thời nay, chúng ta ghen tỵ với bạn bè, người thân, đồng nghiệp, và với bất kỳ ai trên toàn thế giới - chỉ vì thứ ai cũng biết: sức kết nối vô tận của mạng xã hội. Các nhà tâm lý cho rằng, với sự có mặt của mạng xã hội, sự ghen tỵ của chúng ta đạt mức độ chưa từng có trong lịch sử.
Rõ ràng ai cũng biết, hầu hết mọi thứ trên mạng đều đã qua các bộ lọc, rằng người ta đang đưa những thứ long lanh nhất của họ lên mạng. Khi chúng ta so cuộc sống thường nhật của chúng ta với những thứ long lanh đó thì không hề tương đồng, vì ta đang so cuộc sống hậu trường của mình với sân khấu của người khác. Và thứ chúng ta nhìn thấy trên mạng là “một cuộc sống đã được Photoshop". Dù biết như vậy nhưng cảm giác ghen tỵ vẫn khó mà không xảy ra.
Chuyện chúng ta ghen tỵ với cuộc sống người khác khá dễ hiểu, thứ tệ hơn là chúng ta ghen tỵ với chính phiên bản chúng ta đang xây dựng trên mạng xã hội.
Chúng ta nhìn vào chính cuộc sống ở phiên bản tốt đẹp nhất mà mình xây dựng trên mạng, và cảm thấy sợ khi cuộc sống hiện tại không liên hệ mấy với cuộc sống hoàn hảo kia. Vì xây dựng một cuộc sống hoàn hảo trên mạng cho người khác thấy, cuối cùng ta cảm thấy xa lạ và ghen tỵ với chính chiếc avatar của mình.
Ở một mức độ ghen tỵ cao hơn, chúng ta còn muốn phá huỷ những thứ tốt đẹp mà người khác đang khoe trên mạng. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho chính bản thân lẫn đối tượng mà chúng ta đố ky.
Theo nhà tâm lý, có hai yếu tố khiến việc đố kỵ của một người trở nên tệ hơn: thiếu lòng tin vào bản thân và không chịu được cảm giác không có thứ mình muốn. Để vượt qua sự đố kỵ, một nhà tâm lý trong bài khuyên rằng: hãy tưởng tưởng bạn đang dạy dỗ một đứa trẻ. Khi một đứa trẻ không có được thứ nó muốn và ghen tỵ với thứ bạn bè có, hãy dạy bé rằng trong cuộc sống chắc chắn không ai có tất cả thứ mình muốn, chúng ta hoàn toàn có thể sống tốt mà không có thứ đó, và việc không có thứ đó không có có nghĩa là giá trị của chúng ta bị giảm đi hay hay chúng ta bớt “người” hơn.
Trích đoạn viết trong bài mà mình có đề cập ở trên: “Gần đây, khi tôi chuẩn bị đăng lên Facebook một số tin tức tốt liên quan đến nghề nghiệp, chồng tôi đã hỏi tại sao tôi lại muốn làm điều đó. Tôi không cảm thấy thoải mái khi trả lời anh ấy, vì sự thật là nó chỉ là sự phù phiếm. Bởi vì tôi muốn những lượt thích, những tin nhắn chúc mừng, và có lẽ, nếu thành thật một cách tàn nhẫn, tôi muốn người khác biết rằng tôi đang làm tốt. Tôi cảm thấy xấu hổ. Không có gì xấu hổ bằng việc có một người chồng quá nhạy cảm, phát hiện ra cái tôi của bạn và chọc tức cái tôi đó”.
Khi nào sự ghen tỵ là tốt? Gần như không có sự ghen tỵ nào là tốt cả. Tuy nhiên cần phân biệt một sự ghen tỵ lành mạnh và ghen tỵ có hại.
Khi xuất hiện một cảm giác ghen tỵ, bạn hãy quan sát cảm giác của mình. Và hãy xem nó là một cảm xúc, đừng diễn giải nó theo hướng tích cực hay tiêu cực. Nó như một kiểu cảm giác bạn thấy đói thì kiếm gì ăn vậy. Nếu bạn thấy ghen tỵ với một thứ gì đó, có thể đây là một dấu hiệu cho thấy bạn thiếu một thứ gì đó trong cuộc sống hay chăng? Nếu đó là thứ thực sự chúng ta muốn có, thử nghĩ xem có thể đặt mục tiêu để đạt được nó hay không. Và dĩ nhiên cùng lúc đó, hãy trung thực nghĩ rằng điều chúng ta muốn có đó có thực sự xứng đáng hay không.
Tất nhiên, đúng như tác giả bài viết đặt câu hỏi tiếp theo: thứ gọi là “xứng đáng” ở trên lại tiếp tục là vấn đề đánh đố chúng ta, khiến chúng ta phải đi tìm giải pháp. Phân biệt được thứ gì xứng đáng hay không xứng đáng để theo đuổi không hề dễ dàng.