Giải mật cuốn sách tạo ra hiện tượng trong các group sách gần đây: "Muôn kiếp nhân sinh"

linh_449

Linh Linhh
VÀ CÙNG TÌM HIỂU 13 TRIẾT LÝ SÂU SẮC MÀ BẤT KỲ AI CŨNG NÊN ĐỌC MỘT LẦN TRONG ĐỜI
Cuối cùng thì tôi cũng đã gấp lại những trang sách cuối cùng của cuốn sách: “Muôn kiếp nhân sinh”.
Cuốn sách thật sự không dài lắm, chỉ khoảng hơn 300 trang nhưng quả thật đã khiến tôi nhiều lúc cảm thấy quá tải và choáng ngợp vì lượng kiến thức đồ sộ cũng như sự hiểu biết uyên thâm của tác giả.
VẬY RÚT CỤC CUỐN SÁCH NÀY CÓ ĐIỀU GÌ HẤP DẪN KHIẾN CHO TÔI PHẢI DÀNH HẲN 2 NGÀY CUỐI TUẦN VỪA RỒI, GÁC TẤT CẢ MỌI VIỆC CHỈ ĐỂ ĐỌC VÀ NGHIỀN NGẪM?
Có 2 lý do:
Lý do đầu tiên: đó là tên tác giả.
Nếu các bạn đã đọc những cuốn sách của Nguyên Phong thì có lẽ không còn xa lạ với cuốn vô cùng nổi tiếng: “Hành trình về phương Đông” của ông nữa.
Ngoài ra thì ông còn là dịch giả, phóng tác rất nhiều cuốn sách tâm linh khác như: Minh triết trong đời sống, Ngọc trắng trong hoa sen, Dưới rặng tuyết sơn….
Mặc dù chỉ mới đọc 3 – 4 cuốn trong số những cuốn sách của ông nhưng cái tên Nguyên Phong luôn khiến cho tôi phải lùng đọc ngay mỗi khi ông ra tác phẩm mới.
Lần này cũng không phải là ngoại lệ, tuy nhiên đó vẫn chưa phải là lý do quan trọng nhất khiến cho tôi phải đọc ngấu nghiến cuốn sách này, bởi lý do quan trọng hơn là:
Lý do thứ hai: cuốn sách dựa trên một câu chuyện có thật
Tôi không rõ đây có phải là một “chiêu” marketing hay không nhưng phần mở đầu của cuốn sách, anh Nguyễn Văn Phước (chủ tịch của First New) có chia sẻ rằng cuốn sách dựa trên trải nghiệm của một người bạn của tác giả Nguyên Phong, điều đó khiến cho tôi thực sự muốn đọc một lèo luôn và ngay để xem xem tại sao mấy ông Tây vô cùng văn minh ở xứ Cờ Hoa lại có thể tin tưởng vào mấy chuyện thần thánh này.
Dĩ nhiên là tôi đã không thất vọng vì điều này.
Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ không chỉ biết thêm về những kiến thức tâm linh (đương nhiên vì đây là cuốn sách về tâm linh) mà còn được mở mang thêm rất nhiều thông tin về khoa học kỹ thuật, địa lý, lịch sử, nền văn minh nhân loại…
Trước khi đi sâu vào chi tiết, tôi muốn đưa ra một số nhận xét về văn phong cũng như nội dung sơ qua của cuốn sách để bạn đọc dễ dàng hình dung nhé.
Điều làm tôi thấy khá thú vị là cuốn sách này được kể theo 2, 3 ngôi.
Đầu tiên là ngôi thứ Nhất (do tác giả Nguyên Phong dẫn nhập) để kể về bối cảnh diễn ra cuộc gặp gỡ định mệnh với một nhân vật bí ẩn (tôi sẽ không tiết lộ ở đây). Đoạn đầu này khá nhàm chán vì nó chỉ là dẫn nhập (hơi lạ vì theo tôi biết thì mô tuýp của các câu chuyện thường sẽ rất hấp dẫn ở những chương đầu tiên để “hút khách”).
Có lẽ do tác giả không phải là người viết “thị trường” nên ông không muốn dung những chiêu trò đó.
Khi kiên nhẫn đọc hết phần mở đầu cũng là lúc kịch hay xuất hiện.
Câu chuyện bắt đầu được kể lại theo góc nhìn của nhân vật bí ẩn (đoạn này sẽ hơi làm bối rối người đọc một chút), đến cuối mỗi chương thì lại là tác giả Nguyên Phong tường thuật lại dưới góc nhìn của mình.
Nói chung là về cách xưng hô ngôi thứ tôi cũng không rành lắm vì cũng không phải là người trong nghề viết lách nên không rõ dụng ý khi làm thế để làm gì, bạn đọc phổ thông giống như tôi có lẽ sẽ hơi bối rối một chút vì đổi ngôi thứ hơi nhanh nhưng có lẽ cũng sẽ thích nghi được nhanh thôi.
Điều thứ hai khiến tôi thấy thú vị ở cuốn sách này là về nội dung.
Khoan chưa bàn đến những kiến thức uyên thâm vội, tôi muốn nói đến là về những thuật ngữ về tâm linh.
Cái mà khiến cho hầu hết những người đọc sách về tâm linh sẽ phải “nhăn nhó” nhiều hơn chính là những thuật ngữ liên quan đến Phật giáo, những từ tiếng Ấn Độ vì nó khá loằng ngoằng.
Tôi đã từng cố gắng đọc thử một cuốn sách nói về Phật giáo nói về luân hồi, sau khi đọc vài trang đã phải bó tay do không hiểu được những từ như sát na hay na sát gì gì đó.
May mắn thay, tác giả Nguyên Phong có lối viết văn bình dị và chân phương, thế nên ông đã cắt nghĩa lại vô cùng rõ ràng và đơn giản.
Mặc dù sau khi đọc xong tôi cũng chả nhớ được một số từ tiếng Ấn Độ hay trong Phật giáo đâu nhưng vẫn hiểu và nhớ được đại ý của những từ đó.
Đây thực sự là một điểm cộng dành cho những người trẻ hiện đại ít đọc sách liên quan đến tâm linh, phật pháp.
Cuốn sách này sẽ không làm cho bạn “tẩu hỏa nhập ma” khi gặp hàng tá từ mới. Đôi khi bạn sẽ còn thấy hơi sốt ruột vì tác giả giải thích “kỹ quá” khiến cho câu chuyện trở lên dài dòng.
Về nội dung chính cuốn sách thì cũng không có gì mới đâu, cái hay nhất ở đây chính là dựa trên một câu chuyện có thật của nhân vật bí ẩn, người mà đã trải nghiệm rất nhiều kiếp sống và chia sẻ lại để tác giả Nguyên Phong viết nên cuốn sách này.
Thông qua đó tác giả đã lồng ghép rất nhiều bài học và triết lý ẩn dụ để chúng ta suy ngẫm.
Sau đây là 13 bài học mà tôi đã học được sau khi đọc xong cuốn sách: Muôn kiếp nhân sinh
1. Đức hi sinh:
Trước hết ngươi phải tập tính hy sinh để làm những gì “trái ngược” với những điều mọi người thường làm. Nếu mọi người ham muốn thứ gì thì ngươi phải đi ngược lại, nghĩa là từ bỏ cái ham muốn đó. Nếu mọi người chỉ làm điều có lợi cho bản thân thì ngươi phải làm ngược lại, nghĩa là chỉ làm những gì có lợi cho người khác. Ngươi phải cho người khác những gì tốt nhất, làm những điều mà không ai muốn làm, và chỉ nhận lấy những gì không ai muốn nhận. Đó là bước đầu trong việc rèn luyện kỷ luật hy sinh, nhẫn nại, để kiểm soát nội tâm. Liệu ngươi có làm được như thế không?
2. Lòng biết ơn:
Nếu họ tự đặt cho mình một thông lệ là mỗi ngày chờ đón một niềm vui bất ngờ xuất hiện thì họ sẽ cảm nhận được niềm vui đó. Nếu họ biết tự nói với mình rằng thật may mắn khi được hít thở bầu không khí trong lành vào buổi sáng sớm, hay thật sung sướng khi được giẫm chân lên những chiếc lá khô vàng hay mặt cỏ còn đẫm sương mai, thì họ sẽ tìm được ngay những nguồn vui bất ngờ.
3. Sự thật về Yoga
Thật ra Yoga là một môn khoa học đã có từ ngàn xưa giúp con người hợp nhất với Thượng Đế. Nhưng ngày nay tinh hoa và triết lý của Yoga cổ xưa đã mất dần, chỉ còn lại một số phương pháp tập luyện mà thôi. Hiện nay người ta chỉ biết đến Yoga như là môn thể thao để thư giãn cơ thể. Thí dụ như môn Yoga thông dụng và phổ biến nhất là Hatha Yoga, chú trọng đến các tư thế (asana) để phục hồi những bắp thịt không hoạt động đúng cách. Nếu biết hít thở đều đặn trong khi tập Yoga, người ta có thể phục hồi sức khỏe và thư giãn thân tâm.
4. Bài học về sức khỏe:
Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy rõ dù thành công hay thất bại, dù giàu hay nghèo, xã hội nào hiện giờ cũng đều có rất nhiều người mắc bệnh thần kinh - như lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, chán nản v.v… Nếu để ý kỹ, bà sẽ thấy càng ngày số người mắc bệnh nan y càng nhiều. Số người chết vì đau tim, đột quỵ nhiều hơn bao giờ hết. Số người mắc các bệnh như ung thư cũng gia tăng nhiều hơn những năm trước. Đối diện với cái chết, họ bàng hoàng, đau khổ và lúc đó họ mới ý thức rằng tiền bạc, của cải, danh vọng không thể giúp họ sống mãi và khi chết họ cũng không thể mang theo thứ gì. Đó là bài học mà họ phải học ở kiếp này.
5. Tại sao chúng ta nên ăn chay?
Nếu bà đồng ý rằng trên con đường tiến hóa để trở nên tốt đẹp hơn, con người phải thanh lọc những điều ô trược. Loài thú có sự tiến hóa thấp hơn loài người, nếu ta ăn thịt chúng thì chính chúng ta lại hấp thụ những thứ ô trược đó vào trong cơ thể. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đi xa trên con đường trở về nguồn sống thiêng liêng cho được.
6. Sự thật về bệnh viện & ngành công nghiệp thực phẩm
Chữa trị bệnh cũng trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ với những viện nghiên cứu và bệnh viện rất lớn. Khi có bệnh, ai cũng phải lo chữa trị. Bệnh càng nặng, chi phí cho việc chữa trị càng cao. Bà có thể thấy ngành công nghiệp thực phẩm và chữa trị bệnh có liên quan mật thiết với nhau và có khả năng sinh lời rất nhiều. Do đó, khắp nơi trên thế giới có rất nhiều ấn phẩm quảng cáo chiêu dụ con người ăn những thứ độc hại đó và uống những loại thuốc có thể chữa bệnh tật. Nhưng việc này không dừng ở đây mà còn tiếp diễn ở kiếp sau nữa. Ông bà có biết điều gì sẽ xảy ra không?
7. Bài học về làm người:
Khi một người chuyển kiếp thành nhiều con thú, sự thông minh bị phân chia ra thành mười, thành trăm, thành ngàn, hay thành triệu phần thì sự hiểu biết cũng theo đó mà giảm đi, nên họ phải trải qua biết bao nhiêu kiếp sống để học thì mới có thể chuyển kiếp trở lại thành người được. Sự hiểu biết từ kinh nghiệm học hỏi khi xưa càng giảm đi chừng nào thì sinh vật càng ngu dốt thêm chừng nấy, trăm ngàn vạn kiếp sống vất vưởng, nay làm con vật này, mai làm con vật khác, cứ thế trôi nổi trong kiếp súc sinh, không dễ gì quay lại đầu thai vào thân xác con người. Vì sự hiểu biết đã bị phân tách ra thành hàng trăm, hàng ngàn mảnh thì đâu dễ gì hợp lại được nữa? Thí dụ như những người tham lam thường chuyển kiếp trở thành loài giòi bọ, ăn hút ở những chỗ dơ bẩn, thì sự hiểu biết đã bị chia ra cho hàng triệu con giòi con bọ ấy, thử hỏi những con côn trùng ngu si này còn biết được gì nữa đây?
8. Thiền thực sự là gì?
Thiền là từ của Phật giáo nói về phương pháp quán xét nội tâm. Các tôn giáo khác cũng có những phương pháp tương tự nhưng mục đích lại khác hẳn. Phương pháp của Ấn giáo chú trọng vào việc hòa hợp Tiểu Ngã vào Đại Ngã. Phương pháp của Thiên Chúa giáo, hay mặc niệm, chú trọng vào việc quay về với Thượng Đế. Ngoài ra còn có rất nhiều phương pháp của các pháp sư hay phù thủy nhằm vào việc luyện thần thông hay để cho vong linh nhập vào sai khiến.
9. Chúng ta đang ở thời đại nào?
Các đại chu kỳ (mahakalpa) kéo dài khoảng 4.320.000 năm. Mỗi đại chu kỳ chia làm bốn tiểu chu kỳ (yuga): chu kỳ Satya Yuga dài 1.728.000 năm, chu kỳ Tretya Yuga dài khoảng 1.296.000 năm, chu kỳ Dwapara Yuga dài khoảng 864.000 năm và chu kỳ Kali Yuga kéo dài 432.000 năm.
10. Bài học về sự đau khổ:
Không một bài học nào có thể dạy con người hiệu quả hơn là sự đau khổ. Khi sung sướng thì không mấy ai biết nghĩ, nhưng khi gặp hoàn cảnh khổ đau, họ mới nghĩ đến nguyên nhân tại sao. Khi mạnh khỏe, mấy ai quan tâm giữ gìn sức khỏe, chỉ khi mắc bệnh thì họ mới hiểu ra.
11. Mục đích sống:
Đời người lúc thịnh lúc suy, tiền tài sự nghiệp cũng lúc có lúc không, lúc giàu sang phú quý, lúc nghèo túng, khổ sở. Nếu sống mà không có mục đích rõ ràng trong đời, nếu không có lòng trắc ẩn hay lương tâm chức nghiệp ngay từ lúc bắt đầu làm việc, thì bất luận làm gì, hay đi hướng nào, ta rất dễ bị mê mờ, bị chi phối bởi lòng tham, rồi lạc mất mục đích, mất phương hướng, không còn nhận biết con đường mình phải đi, nên càng sống càng mờ mịt, phải hứng chịu những hậu quả của việc mình làm. Người xưa đã học được những bài học này nên để lại những tài liệu hữu ích. Nếu ta không biết khôi phục lại những giá trị đạo đức này thì khó mà tránh khỏi những hậu quả to lớn sẽ xảy đến trong tương lai.
12. Tại sao lại có luân hồi?
Cuộc sống là một ngôi trường và con người phải học những bài học cần thiết. Có người học nhanh, có người học chậm, do đó họ phải trải qua nhiều kiếp sống trong chu kỳ đó để học những bài học cần thiết.
13. Tại sao những đứa trẻ thiếu tình thương lại hay mắc bệnh?
Những đứa trẻ dễ mắc bệnh, chậm lớn thường là do thiếu sự chăm sóc yêu thương mà ra. Những đứa trẻ không có cha mẹ sẽ ra sao? Chúng sẽ lớn lên một cách bất bình thường. Chúng sẽ phải chống chọi, phấn đấu đơn độc, một mình đối phó với hoàn cảnh không may của chúng và bộc phát những cá tính khác thường. Khi lớn lên, dù có đời sống khá giả, nhưng chúng cũng dễ mắc bệnh thần kinh như là hậu quả của những biến cố khi còn nhỏ. Nếu không may, với cuộc sống nghèo đói, chúng dễ trở thành những kẻ phạm tội trong xã hội.
Trên đây tôi đã chia sẻ một chút cảm nghĩ sau khi đọc xong cuốn sách "Muôn kiếp nhân sinh".
Bạn tâm đắc bài học nào nhất trong số 13 bài học này?
 

Đính kèm

Bên trên