GIÁO DỤC LÀM CHA MẸ ĐỂ NUÔI DẠY CON TỐT

KIEUMY

Bùi Kiều My
Những vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây liên quan tới việc nhiều trẻ em, vị thành niên bị trầm cảm, thậm chí tự tử bởi những áp lực từ chính cha mẹ đang là thực trạng đáng báo động. Thực trạng này cũng đã cho thấy phần nào sự lúng túng của cha mẹ trong giáo dục con cái. Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống – Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và giải pháp”, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã gợi mở về phương pháp dạy trẻ bằng kỷ luật tích cực cho cha mẹ. Theo bà, bản thân cha mẹ cần hiểu được trẻ em có bao nhiều quyền, hay trẻ cần có sự phát triển lành mạnh như thế nào, hiểu được những vấn đề này thì cha mẹ mới nuôi dạy con hiệu quả. Các bậc cha mẹ, đặc biệt là các người mẹ cần được trang bị kiến thức về cách làm cha mẹ, cách giáo dục con. Bà Hòa nêu quan điểm: “Có phương pháp thay thế không cần phải đánh đập, quát mắng con, đó chính là kỷ luật tích cực, đây là nền tảng xác định mục tiêu lâu dài trong nuôi dạy con. Đơn cử, muốn con trở thành người nhân ái nhưng bố mẹ quát mắng con suốt ngày thì không dễ để con trở thành người nhân ái như mong muốn được. Cha mẹ cần hiểu được trẻ suy nghĩ và có cảm xúc như thế nào, từ đó mới giải quyết được vấn đề “Nói không với bạo lực” cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi đề xuất Hội LHPN Việt Nam cần thí điểm mở lớp hướng dẫn cha mẹ kỷ luật tích cực, thử nghiệm một vài lớp cho cha mẹ theo phương pháp này, chắc chắn phần nào sẽ thấy sự khác biệt so với các phương pháp giáo dục khác”.

Gia đình Việt Nam đang bảo lưu tốt giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhưng đồng thời cũng đang biến đổi mạnh mẽ, ngày càng đa dạng, phân hóa. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao xây dựng gia đình với chức năng là thiết chế, nền tảng, là tế bào của xã hội. Sau những vụ việc nghiêm trọng xảy ra dẫn tới bi kịch của một số gia đình hiện nay, dư luận cũng đã phân tích rất nhiều các nguyên nhân, trong đó có liên quan đến cách làm cha mẹ, cách nuôi dạy con hiệu quả.

Mục tiêu của Chương trình giáo dục đời sống gia đình là tập trung vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nam nữ thanh niên, vợ chồng trẻ… về giáo dục đời sống gia đình. Tuy nhiên, các hoạt động hầu hết được triển khai lồng ghép, giao trách nhiệm cho các cơ quan nên chưa thực sự thấy được kết quả của chương trình gắn với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ.

Cha mẹ có nhu cầu được giáo dục

TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề xuất triển khai Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ. Theo đó, tất cả cha mẹ đều có cơ hội học tập để làm một người cha mẹ tốt. Cần thiết phải có Chương trình quốc gia giáo dục làm cha mẹ đã được nhiều cơ quan đề xuất và đặt ra ở nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm. Tại Hội thảo tham vấn xây dựng Chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ và các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc phát triển trẻ em ở độ tuổi mầm non, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nam Định Đỗ Thu Hà cho biết, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại hiện nay có xu hướng tăng, trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tử vong do tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra, trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn biến khókiểm soát. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cha mẹ mải mê làm ăn, chủ quan, thiếu quan tâm, sao nhãng việc chăm sóc trẻ. Cha mẹ bận rộn mưu sinh đã phải đểcon lại cho ông bà già yếu chăm sóc hoặc đểtrẻ em tựchăm sóc, bảo vệnhau. Cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ con, không hiểu được tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ em qua từng giai đoạn nên không có phương pháp giáo dục con cái. “Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ, nếu Chính phủ ban hành được Chương trình quốc gia giáo dục làm cha mẹ thì trẻ em sẽ tiến bộ và có cơ hội phát triển về mọi mặt”, bà Đỗ Thu Hà chia sẻ.

Khảo sát gần đây của tổ chức Plan International và Hội LHPN Việt Nam tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, đa số cha mẹ tham gia khảo sát có mong muốn được hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ (56,1% người mẹ và 68,6% người cha). Nhu cầu về nội dung giáo dục làm cha mẹ cũng khá đa dạng, cho thấy rất cần quan tâm xây dựng và triển khai nội dung chương trình giáo dục làm cha mẹ. Đa số cha mẹ đều mong muốn được cung cấp, hỗ trợ các kiến thức và hướng dẫn thực hành cách chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và giáo dục con phát triển, đáp ứng theo yêu cầu độ tuổi của trẻ; quan tâm cung cấp thông tin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, cung cấp thông tin sớm cho thanh niên trước khi bước vào hôn nhân. Đồng thời, mong muốn được hướng dẫn các thực hành tốt trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phù hợp với bối cảnh văn hóa, điều kiện thực tế ở gia đình địa phương.

Xã hội hiện đại đang đối mặt nhiều vấn đề, trong đó có những thách thức làm biến dạng nền văn hóa, xói mòn hệ giá trị cốt lõi gia đình truyền thống. Nhiều bậc cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc, dạy bảo con khiến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đối diện sự phát triển không toàn diện. Việc xây dựng hệ giá trị gia đình, xây dựng Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ… là vô cùng cấp thiết, cần được sự vào cuộc sớm của các cơ quan có trách nhiệm.
 
Bên trên