Giữ lửa cho điệu Then xứ Tuyên

TRng

Well-known member
Thực hành Then là loại hình nghệ thuật dân gian có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh, góp phần nuôi dưỡng tình cảm, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
Giữ lửa cho điệu Then xứ Tuyên

















Các nghệ nhân trình diễn thực hành Then. Ảnh: Phung Minh
Ngày đêm giữ lửa cho điệu then sống mãi
Tuyên Quang là một trong 11 tỉnh ở Việt Nam hiện đang còn lưu giữ được những làn điệu Then truyền thống. Được biết, Then có ý nghĩ là "thiên". Thực hành Then phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình thầy then điều khiển đoàn âm binh đi từ mường đất lên mường trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ cầu an, chữa bệnh...
Khi các thầy then cất tiếng hát, gảy đàn tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Qua những điệu Then mộc mạc, người nghệ nhân bày tỏ ước vọng, mong muốn những điều tốt đẹp trong cuộc sống, hướng đến cái chân thiện mĩ.
Trong cuộc sống của người dân miền non cao xứ Tuyên nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, điệu Then còn hơn cả một thứ nghệ thuật dân gian. Nó như ăn sâu vào tâm thức, trở thành một thứ văn hóa tín ngưỡng tâm linh đặc biệt, không gì có thể thay thế được.
27 năm ròng rã sống cùng những làn điệu Then, nghệ nhân Hà Ngọc Cao (Xuân Quang, Chiêm Hóa) không thể dấu sự xúc động khi nhắc về loại hình nghệ thuật dân gian này. Đối với ông, Then gần như là cả cuộc sống. Nghệ nhân Cao cho biết, mỗi năm ông thực hiện trung bình 150 đến 200 nghi lễ Then, chủ yếu là trên địa bàn tỉnh nhà.
"Then đặc biệt lắm, nó giúp giáo dục con người hướng đến những điều tốt đẹp, biết yêu thương lẫn nhau. Khi đi hát Then có những người chỉ trả cho tôi 1.000 đồng, 2.000 đồng nhưng tôi vẫn làm. Thậm chí nhiều người có hoàn cảnh khó khăn quá, ốm đau bệnh tật nên tôi còn không lấy tiền mà đi mua đồ làm lễ..." - nghệ nhân Cao chia sẻ.
Theo như lời nghệ nhân Hà Ngọc Cao, cuộc đời hát Then đối với ông tiền không phải là tất cả. Sự mến thương dành cho nhau, giúp đỡ nhau những khi hoạn nạn mới là điều quan trọng. Đây có lẽ là lý do khiến ông gắn bó với loại hình "kén" người tham gia này lâu đến như vậy.
Cũng giống như nghệ nhân Hà Ngọc Cao, điệu Then là cả nguồn sống đối với ông Lương Long Vân (TP.Tuyên Quang). Ông đang là nghệ nhân dân gian người Tày cao tuổi nhất. Năm nay đã ở tuổi 98, điệu Then là cả mạch sống, tâm huyết cả đời người đối với ông Vân.
Ông cho biết, Then là hình thức nghệ thuật khá phức tạp, tổng hợp với lời, nhạc, có hóa trang và có cả biểu diễn. Làm thầy Then không phải chuyện đơn giản, dường như để làm được thầy Then, mỗi nghệ nhân cần phải rèn giũa đạo đức mới làm được lâu dài. Chính vì vậy, để lưu giữ được điệu Then trường tồn theo thời gian không phải chuyện dễ.
Khi cất lên những làn điệu Then, đối với người nghệ nhân không chỉ là sự tự hào mà còn cả trách nhiệm lớn lao. Cả đời người, các nghệ nhân phải tự nghiêm khắc với bản thân, rèn luyện phẩm cách, nhắc mình phải rèn tiếng hát lời ca để làm sao xứng đáng với những lời Then linh thiêng.
Khi nhắc đến những người giữ lửa cho điệu Then cháy mãi trên mảnh đất xứ Tuyên, không thể không kể đến nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức (phường Tân Hà, TP.Tuyên Quang). Nghệ nhân Ma Văn Đức dành nhiều thời gian chọn lọc những cung, đoạn Then cổ để phổ biến cho Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Đến nay, ông đã sưu tầm được 81 cung then cổ với gần 20.000 câu thơ thất ngôn, số lượng trên 800 trang. Năm 2018, Hội Văn học Dân gian Việt Nam in thành bộ sách Then cổ Tuyên Quang với 4 tập. Đây là bộ sách giới thiệu về Then cổ đầu tiên có mặt ở Tuyên Quang.
Không chỉ dừng lại ở đó, người nghệ nhân nặng lòng với Then này còn hoàn thành 5 chuyên đề nghiên cứu về Then đầy tâm huyết. Các chuyên đề: Khái quát chung về di sản Then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang, Bảo tồn không gian nghệ thuật, đạo cụ của di sản Then Tuyên Quang, Bảo tồn một số cung Then cổ, một số làn điệu Then, Bảo tồn các đạo cụ, trang phục của những người hát Then cổ Tuyên Quang, Lễ cầu hồn của người Tày.
Mỗi một chuyên đề chứa đựng cả một kho tàng kiến thức, những giá trị tốt đẹp mà từng câu chữ ở điệu Then mang đến cho con người.
Những nghệ nhân tại Lễ đón Bằng ghi danh Thực hành Then là Di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: Phung Minh
Những nghệ nhân tại Lễ đón Bằng ghi danh Thực hành Then là Di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: Phung Minh
Giữ gìn điệu Then cổ
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có gần 100 nghệ nhân hát Then, thầy Then. Đây là những người mang trong mình trọng trách giữ lửa, bảo tồn cho điệu Then được trường tồn trước sự phát triển khốc liệt của thế giới hiện đại.
Điệu Then, tiếng đàn tính là món ăn tinh thần không thể thiếu ở các lễ hội trên miền non cao. Người nghệ nhân khi đó trở thành cầu nối, gắn kết con người với thế giới tâm linh.
Theo các nghệ nhân đã có nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với làn điệu Then thì xuyên suốt hành trình dài có hai dòng Then hiện diện. Đó là Then mới hay Then cải biên và then cổ tức Then nghi lễ. Mỗi thể loại lại mang những nét riêng, chứa đựng giá trị đặc biệt không loại hình nào có được.
Để làn điệu Then tồn tại mãi với dòng chảy cuộc sống, lớp lớp những nghệ nhân gạo cội đang ngày ngày truyền thụ lại cho đời con cháu. Khi những mạch nguồn vẫn chảy mãi, chắc hẳn điệu Then sẽ trường tồn theo năm tháng.
Giờ đây, trên quê hương cách mạng Tuyên Quang, những lớp học về Then cổ đã dần xuất hiện. Những thanh niên thế hệ trẻ mang trong mình tình yêu đối với loại hình nghệ thuật dân gian này xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của thực hành Then.
Vừa qua, mảnh đất xứ Tuyên đã vinh dự diễn ra Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây rõ ràng là phần thưởng, sự ghi nhận giá trị, tầm quan trọng mà Then mang lại.
Để có được điều này, không thể quên công lao của lớp người đi trước, những người nghệ nhân ngày ngày thổi hồn cho những làn điệu Then. Tâm sự về hành trình gắn bó với điệu Then, nhiều nghệ nhân còn khẳng định, khi sống họ gắn bó với điệu Then và khi khuất núi cũng theo Then về trời.
Giờ đây, thực hành Then không chỉ là một loại hình nghệ thuật đơn thuần, đó là cả một di sản được thế giới công nhận. Một thứ văn hóa dân gian đặc biệt, chứa đựng những điều thú vị chưa thể khai phá hết. Nhiều nhà nghiên cứu về Then chia sẻ, cái hay ở Then nằm ở chỗ nó đáp ứng nhu cầu tâm linh, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Thầy Then là người có thể dùng Then để xoa dịu nỗi đau và sự mất mát, xoa dịu oan trái trong cuộc đời nên được rất được sùng bái.
 
Bên trên