Hải Dương: Thiêng liêng lễ rước nước, khai hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc

Võ Xuân Trường

Well-known member
Hải Dương: Thiêng liêng lễ rước nước, khai hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024 ở Hải Dương diễn ra với nhiều nghi thức, chương trình. Điểm nhấn là công bố quyết định công nhận "Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn" là Bảo vật Quốc gia.
Ngày 25.2, tức ngày 16 tháng Giêng, tại di tích chùa Côn Sơn thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương diễn ra Lễ Khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 và tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 - 2024).
Trước lễ khai hội, sáng sớm cùng ngày, Ban Tổ chức Lễ hội đã tiến hành lễ rước nước chùa Côn Sơn. Nước được lấy từ giữa hồ Côn Sơn, đựng vào bình thủy và rước về chùa. Đây là một trong những nghi thức quan trọng tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, được phục dựng từ năm 2008 và trở thành nét độc đáo của Lễ hội thường niên này.
Đoàn rước nước dừng lại trước chùa Côn Sơn trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương sáng 25.2. Ảnh: Lê Tuyến


Đoàn rước nước dừng lại trước chùa Côn Sơn trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương sáng 25.2. Ảnh: Lê Tuyến


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, từ thế kỷ XIV, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm của người Việt. Nơi đây mỗi độ Xuân về, nhân dân và du khách nô nức về trẩy hội và thắp nén tâm hương tưởng nhớ vị Tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn Giả.
Huyền Quang Tôn Giả tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254. Nguyên quán của tại hương Vạn Tư, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Những năm cuối đời, Ngài đã về trụ trì tại chùa Côn Sơn, xây dựng kinh viện và đào tạo tăng ni.
Trong Lễ khai hội đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận "Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn" là Bảo vật Quốc gia; tổ chức Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến thương mại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.
Đặc biệt, tại Lễ khai hội diễn ra hoạt cảnh chèo "Linh khí Côn Sơn" dài khoảng 30 phút với sự tham gia của hơn 70 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trong đó có nhiều gương mặt xuất sắc. Hoạt cảnh mang tính nghệ thuật cao, tái hiện những giá trị lịch sử chùa Hun tức "Thiên Tư Phúc" tại Côn Sơn, nơi Đệ Nhất tổ Trần Nhân Tông chọn làm nơi giảng kinh, thuyết pháp.
Hoạt cảnh chèo “Linh khí Côn Sơn” đặc sắc với nhiều câu chuyện lịch sử ở chùa Hun. Ảnh: Lê Tuyến
Hoạt cảnh chèo “Linh khí Côn Sơn” đặc sắc với nhiều câu chuyện lịch sử ở chùa Hun. Ảnh: Lê Tuyến
Nhân dịp Lễ hội mùa Xuân năm 2024, Hải Dương lần đầu tiên tổ chức Giải việt dã "Hành trình kết nối Di sản" vào sáng 26.2. Giải được tổ chức với quy mô lớn nhất, cự ly dài nhất trong số các giải chạy từng diễn ra tại Hải Dương.
Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của Hải Dương với các hoạt động hấp dẫn như lễ hội ẩm thực giới thiệu món ăn tiêu biểu của Hải Dương và các địa phương trong cả nước; trình diễn áo dài sắc màu Hải Dương; các trò chơi dân gian… tới du khách trong nước và quốc tế.
Du khách về khai hội, thưởng thức chả rươi và nhiều sản vật khác của Hải Dương. Ảnh: Lê Tuyến
Du khách về khai hội, thưởng thức chả rươi và nhiều sản vật khác của Hải Dương. Ảnh: Lê Tuyến
Trong ngày khai hội đông đảo du khách các nơi đã đổ về vừa chiêm bái cảnh quan kiến trúc, vừa tham gia những nghi lễ đặc biệt tại di tích này. Đây được đánh giá là hoạt động thu hút du lịch lớn nhất trong năm tại Hải Dương.
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024 sẽ còn diễn ra đến ngày 3.3 với nhiều hoạt động hấp dẫn: Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, Lễ Mông Sơn thí thực...
 
Bên trên