'Hãy cùng ước mơ' - sách viết từ nỗi đau Covid-19

Nguyễn May

Well-known member
Trong "Hãy cùng ước mơ", Giáo hoàng Francis viết nếu mỗi người sống tích cực, nỗi đau do Covid-19 sẽ không vô ích.

Hãy cùng ước mơ tên gốc là Let Us Dream: The Path to a Better Future, do Giáo hoàng Francis viết với sự cộng tác của Austin Ivereigh - người viết tiểu sử của Giáo hoàng. Sách được Phương Nam Book mua bản quyền, phát hành trong nước.

Sách ra đời trong thời kỳ đầu của Covid-19, giai đoạn nhiều bệnh nhân thiếu máy thở do các khu chăm sóc đặc biệt quá tải, đường phố khắp nơi vắng lặng và lệnh phong tỏa khiến thế giới như dừng lại. Tác phẩm được chia làm ba phần: Thời để quan sát, Thời để lựa chọn, Thời để hành động.

Tác phẩm Hãy cùng ước mơ do YSOF dịch. Ảnh: Phương Nam Book

Tác phẩm "Hãy cùng ước mơ" do YSOF dịch. Ảnh: Phương Nam Book

Từ Covid-19, Giáo hoàng Francis chỉ ra thực tại xã hội và kêu gọi mọi người thay đổi, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Giáo hoàng bắt đầu tác phẩm bằng cách khám phá xem khủng hoảng dạy con người điều gì. Ông dẫn chứng những câu chuyện trong cuộc sống cá nhân. Năm 21 tuổi, ông mắc bệnh nặng, phải đối mặt với nỗi đau và sự cô đơn. Ông viết: "Nó đã thay đổi cách tôi nhìn cuộc sống. Trong nhiều tháng, tôi không biết mình là ai và mình sẽ sống hay chết. Các bác sĩ cũng không biết liệu tôi có qua khỏi hay không". Giáo hoàng phải phẫu thuật cắt bỏ thùy bên phải của một lá phổi. Vì vậy, ông hiểu cảm giác của những người mắc Covid-19 khi phải vật lộn để thở bằng máy thở.

Năm 1990, khi bị lưu đày đến thành phố Córdoba, Argentina, ông gần như không ra khỏi nhà - hoàn cảnh tương tự khi mọi người bị cách ly vì dịch. "Đó là một kiểu tự cô lập, như rất nhiều người trong chúng ta đã trải qua gần đây, và điều đó đã giúp tôi rất nhiều", ông viết. Những cuộc khủng hoảng giúp ông loại bỏ cái tôi, bắt đầu thanh lọc, thay đổi trở thành một người tốt hơn.

Dịch bệnh giúp ông thấu hiểu sâu sắc việc giúp đỡ người khác. Ông cầu nguyện mỗi ngày cho những người đang tìm mọi cách chống dịch: Các bác sĩ, y tá, nhân viên duy trì hoạt động của các dịch vụ thiết yếu, tình nguyện viên. "Họ là những vị thánh hàng xóm, những người đã đánh thức điều gì đó quan trọng trong trái tim chúng ta. Họ là những kháng thể chống lại virus của sự thờ ơ, nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống là một món quà", ông viết.

Theo Giáo hoàng, Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu và có thể nhìn thấy được. Nhiều cuộc khủng hoảng khác nghiêm trọng không kém, nhưng không phải ai cũng biết đến và hành động. Đó là chiến tranh, vấn đề sản xuất và buôn bán vũ khí, đói nghèo, biến đổi khí hậu. "Làm thế nào chúng ta đối phó với những đại dịch tiềm ẩn của thế giới này, đại dịch đói nghèo và bạo lực và biến đổi khí hậu?", ông viết.

Tác phẩm chỉ ra những yếu tố gây nên khủng hoảng hiện nay: Nền kinh tế toàn cầu bị ám ảnh vì lợi nhuận mà không quan tâm đến vấn đề gây hại cho con người và môi trường. Tác giả nhắc nhở về sứ mệnh phụng sự cho người khác, đặc biệt là những người nghèo, bên lề xã hội.

Phần cuối ông đưa ra lý tưởng xây dựng thế giới tốt đẹp, đề cao sự đoàn kết. Đó là nền kinh tế cho phép mọi người tiếp cận với thành quả của sự sáng tạo, các nhu cầu cơ bản của cuộc sống: Đất đai, chỗ ở và lao động. Nền chính trị có thể hòa nhập và đối thoại với người nghèo, những người bị loại trừ và dễ bị tổn thương, giúp họ có tiếng nói trong các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân.

Để làm được điều đó, không chỉ dựa vào các nhà khoa học, kinh tế, tư tưởng, hoạt động xã hội, mà là bất kỳ ai. Mọi người cùng nhau hành động, bất chấp sự khác biệt để khám phá ra những khả năng không lường trước.

Ông viết: "Từ cuộc khủng hoảng này, chúng ta có thể trở nên tốt hơn hoặc tệ đi. Ta có thể trượt dài về sau, hoặc có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ. Hiện tại, điều ta cần là cơ hội để thay đổi và tạo không gian cho những điều mới".

Guardian nhận định tác phẩm thu hút độc giả thông thường lẫn các tín hữu. Uscatholic nhận xét Giáo hoàng khéo léo đưa những câu chuyện và suy tư cá nhân vào nhằm phân tích và phê bình xã hội sắc bén. Ông truyền cảm hứng cho độc giả vượt qua thách thức của thời đại - vươn lên từ Covid-19.

Giáo hoàng Francis tham dự một buổi lễ tại Rome, Italy, ngày 26/1. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis tham dự một buổi lễ tại Rome, Italy, ngày 26/1. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis sinh năm 1936. Ông được thụ phong linh mục vào năm 1969, từ đó đảm nhận nhiều vai trò trong giáo hội. Năm 1998, ông trở thành Tổng giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires. Năm 2001, Giáo hoàng John Paul II tấn phong ông làm Hồng y. Năm 2013, ông được bầu làm Giám mục Roma, trở thành vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, lấy tên hiệu Francis.

Tiến sĩ Austen Ivereigh là nhà văn, nhà báo người Anh. Ông là Nghiên cứu sinh về Lịch sử Giáo hội đương đại tại Campion Hall, Đại học Oxford.
 
Bên trên