Hương vị nhớ thương

Ngọc Vàng

Well-known member
Thanh Hóa có nhiều dân tộc cùng chung sống từ lâu đời, trong đó có 6 dân tộc thiểu số chủ yếu là Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, Thổ. Mỗi dân tộc có nét văn hóa, phong tục, tập quán riêng góp phần tạo nên sự thống nhất đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở Quan Sơn các dân tộc anh em có lịch sử cư trú lâu đời, mang nhiều dấu ấn đặc trưng, phản ánh nét văn hóa đặc sắc trải dài theo lịch sử, trong đó, phải kể đến ẩm thực- hương vị độc đáo của đồng bào vùng cao.



Đời sống văn hóa các dân tộc ở huyện Quan Sơn tỉnh Thanh Hóa phản ánh sinh động sâu sắc sự đoàn kết chung sống, hòa hợp giữa các dân tộc Thái, Kinh, Mường, Mông... Các dân tộc anh em nơi đây có lịch sử cư trú lâu đời, mang nhiều dấu ấn đặc trưng, phản ánh nét văn hóa đặc sắc trải dài theo lịch sử, trong đó, phải kể đến ẩm thực- hương vị độc đáo của đồng bào vùng cao.
Hương vị nhớ thương- Ảnh 1.

Văn hóa chính là kết quả của quá trình con người tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội. Và thói quen, tập quán trong ăn uống cũng thể hiện sự tương tác này. Ăn uống không chỉ đáp ứng nhu cầu tự nhiên của con người mà còn thể hiện cả nét văn hóa ứng phó với môi trường tự nhiên và xã hội của các nhóm tộc người, cộng đồng người hay dân tộc ở từng vùng miền với những điều kiện địa lý tự nhiên cụ thể. Văn hóa ẩm thực cũng phản ánh tập quán của một cộng đồng biểu hiện trong việc ăn uống, và tập quán ấy chịu sự quy định của hoàn cảnh sống như đặc điểm của nền sản xuất, thiên nhiên, lối sống….



Bên cạnh đó cũng thể hiện năng lực sáng tạo của cộng đồng trong những hoàn cảnh nhất định. Qua văn hóa ẩm thực, có thể nhận thấy dấu ấn nông nghiệp trồng lúa nước kết hợp với làm nương rẫy, chăn nuôi và khai thác tự nhiên như săn bắt, hái lượm… trên một vùng rừng núi điệp trùng và một lối sống gắn kết cộng đồng thể hiện rất đậm nét trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc ở Quan Sơn.
Hương vị nhớ thương- Ảnh 2.

Nguồn lương thực làm nên bữa ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Quan Sơn là gạo nếp, nên cách chế biến các món ăn tinh bột cũng chủ yếu là gắn liền với gạo nếp như xôi, cơm lam, bánh dày… Các món ăn mang dấu ấn tự nhiên rất đậm nét với rau rừng, củ rừng, măng rừng các loại, cá suối, rêu đá, hạt tiêu rừng...
Hương vị nhớ thương- Ảnh 3.

Cũng như các đồng bào dân tộc anh em ở phía Tây xứ Thanh, đồng bào dân tộc ở Quan Sơn khi phải đi làm nương, đi rừng xa nhà, họ mang theo ít gạo nếp để phòng khi quá bữa sẽ chặt ống tre tươi cho vào ống tre một ít gạo, một ít nước và nướng ống tre tươi đó trên lửa để tạo thành cơm ăn những khi đói lòng. Giờ đây món ăn đó đã trở thành đặc sản cơm lam của miền biên viễn này.
Nguyên liệu làm cơm lam gồm có gạo nếp, ống tre, nứa hoặc ống hóp được cắt thành từng đốt có mấu. Những lam cơm này phải là loại cây tươi, bánh tẻ, không được già hoặc non quá, vì khi nướng trên lửa ống cơm sẽ bị héo, khô và bị cháy. Ngoài ra loại cây bánh tẻ sẽ có nước ở trong từng đốt ống, người ta sử dụng luôn thứ nước đó để nướng cơm thì cơm có vị thơm, ngọt riêng biệt.
Hương vị nhớ thương- Ảnh 4.

Khi nướng phải nướng bằng than củi và xoay đều những ống cơm, nếu thấy mùi thơm từ ống lam bay ra có nghĩa là cơm đã chín. Sau đó, chẻ bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài rồi bóc từng miếng vỏ sao cho vẫn giữ được lớp màng bọc xung quanh, như vậy cơm lam mới thực sự ngon. Cơm có thể ăn với thịt gà, thịt lợn rang băm nhỏ, măng chua… nhưng ngon nhất vẫn là chấm với muối vừng. Ăn một miếng cơm lam thơm dẻo gạo nếp nương, quyện với mùi thơm đặc trưng của tre, nứa sẽ khiến người thưởng thức vương vấn mãi hương vị của vùng đất này.
Hương vị nhớ thương- Ảnh 5.

Với các đồng bào dân tộc ở Quan Sơn, việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống từ lễ hội, nhà ở, trang phục, các sinh hoạt đời sống thường ngày đến nếp ở, món ăn đều là yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, đồng thời làm khăng khít thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn. Đó cũng là cách quảng bá và thu hút khách du lịch, giúp thúc đẩy sự phát triển du lịch của địa phương.
Nguồn: Chuyên mục Đất và người xứ Thanh/TTV
 
Bên trên