Huyền bí lễ hội Ariêu piing của đồng bào Pa Cô ở Quảng Trị

duongdang

Nguyễn Văn Yeah
Quảng Trị - Vào ngày lễ chính của lễ hội Ariêu piing, đồng bào Pa Cô đi vòng tròn, nhảy theo điệu nhạc và tiếng cồng chiêng. Ở giữa vòng tròn là các con vật hiến tế.
Huyền bí lễ hội Ariêu piing của đồng bào Pa Cô ở Quảng Trị


Lễ chính của Lễ hội Ariêu piing, những người dân mang trang phục truyền thống nổi chiêng, trống và nhạc. Ảnh: Hưng Thơ.
Lễ cải táng độc đáo ở đại ngàn
Những ngày cuối tháng 4, các rẫy lúa của người đồng bào Pa Cô ở xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) bắt đầu chín vàng, chuẩn bị được thu hoạch. Tranh thủ lúc nông nhàn, người dân ở làng La Hót (xã A Bung) tổ chức lễ cải táng, bốc mả, hay còn gọi là Ariêu piing.
Ông Hồ Văn Đô - già làng thôn La Hót nói rằng, 15 năm rồi dân làng La Hót mới tổ chức lễ hội này, và 11 dòng họ ở làng đều tụ tập đông đủ để cùng phối hợp.
Người dân đến thắp hương ở ngôi nhà Ân Trạp. Ảnh: Hưng Thơ.
Người dân đến thắp hương ở ngôi nhà Ân Trạp. Ảnh: Hưng Thơ.
Vào ngày đầu tiên của lễ hội, dân làng chọn một miếng đất bằng phẳng ở trung tâm thôn, dựng một ngôi nhà tạm gọi là Ân Trạp.
Khi ngôi nhà làm xong, dân làng sẽ đưa tro cốt của những người ở 11 dòng họ đến đó, để bà con làng xóm đến thắp hương, cầu nguyện những điều tốt đẹp.
Sau đó, mỗi dòng họ sẽ đưa một con dê đến, và góp tiền để mua một con trâu buộc vào các cọc gỗ. Ở mỗi cọc gỗ sẽ buộc một sợi dây nối đến phần mộ của dòng họ.
Đến ngày thứ 2, từ sáng sớm, người dân ở các dòng họ trong trang phục truyền thống của người đồng bào thiểu số Pa Cô tập trung ở khu vực diễn ra lễ hội. Họ đứng thành vòng tròn, đi theo đoàn người mang tù và, cồng chiêng, trống… và nhảy theo điệu nhạc rồi hô vang. Đoàn người đi vòng tròn. Ở giữa vòng tròn là các con vật các dòng họ đưa đến, buộc vào các cọc gỗ để dâng lên những người đã mất và đấng thần linh.
Người dân đi theo vòng tròn, nhảu múa quanh các con vật buộc vào cọc gỗ. Ảnh: Hưng Thơ.
Người dân đi theo vòng tròn, nhảu múa quanh các con vật buộc vào cọc gỗ. Ảnh: Hưng Thơ.
Sau đó, nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội được diễn ra, là lễ đâm trâu để tế thần và người đã mất. Khi nghi lễ hoàn thành, những con vật được xẻ thịt và nấu nướng ở cạnh đó để tiếp đãi bà con.
Đến ngày thứ 3, người dân sẽ làm nghi thức đưa tiễn hương hồn tổ tiên về nơi an nghỉ. Và trong các ngày diễn ra lễ hội, tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang lên liên tục.
Đâm trâu gây tranh cãi
Già làng Hồ Văn Đô nói rằng, lễ hội Ariêu piing đã có từ thời xưa, cứ 10 hoặc 15, 20 năm được tổ chức 1 lần.
Đây là nét văn hóa tâm linh lớn nhất của đồng bào Pa Cô nhằm tỏ lòng tôn kính đến những người đã mất. Bên cạnh đó, Ariêu piing còn là dịp con cháu tụ họp, thắt chặt thêm tình cảm.
Các nghi lễ của lễ hội được thực hiện theo đúng trình tự, nhưng có đơn giản hơn ở phần tế các vị thần linh.
Nghi lễ đâm trâu. Ảnh: Hưng Thơ.
Nghi lễ đâm trâu. Ảnh: Hưng Thơ.
Nếu ngày xưa, cần phải tế nhiều trâu bò, hiện nay mỗi dòng họ chỉ cần mang đến một con dê, và góp tiền để mua một con trâu để vừa tế thần, sau đó làm thịt để thết đãi bà con.
Tuy nhiên, việc đâm trâu ở lễ hội của làng La Hót vẫn diễn ra với sự chứng kiến của rất đông già trẻ gái trai.
Người thực hiện lễ đâm trâu được gọi là Ariehs - được chọn ra từ những người uy tín nhất ở làng đã dùng một cây giáo đâm nhiều nhát vào con trâu cột ở chiếc cọc gỗ cho đến khi trâu ngã lăn ra đất.
Đến xem lễ hội, chứng kiến lễ đâm trâu, anh Trường Nguyên (trú tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cho rằng nghi lễ này khá phản cảm, khi diễn ra trước mặt các em học sinh, trẻ nhỏ.
Người dân chứng kiến nghi lễ đâm trâu ở lễ hội Ariêu piing và dùng điện thoại để ghi lại. Ảnh: Hưng Thơ.
Người dân chứng kiến nghi lễ đâm trâu ở lễ hội Ariêu piing và dùng điện thoại để ghi lại. Ảnh: Hưng Thơ.
Trước câu hỏi việc đâm trâu địa phương có khuyến khích hay không, ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đakrông, cho biết dù là nét văn hóa, nhưng địa phương khuyến cáo người dân không đâm trâu khi tổ chức lễ hội.
Ông Phan Xuân Liệu cho biết thêm, nhiều nơi diễn ra lễ hội, nhưng đã cải biến cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Thay vì đâm trâu, bò như ngày trước rất tốn kém, lễ hội hiện nay diễn ra có thể chỉ sử dụng những con vật nhỏ, họa hoằn mới có một con trâu.
“Chúng tôi cũng tuyên truyền với bà con, việc tổ chức lễ hội phải hợp lý, vì đời sống của bà con còn thiếu thốn mà tổ chức lớn thì không phù hợp. Điều cốt yếu nhất của lễ hội là lưu giữ, phát huy những nét văn hóa của đồng và để mọi người thực sự vui chơi một cách thoải mái” – ông Phan Xuân Liệu cho hay.
 
Bên trên