Khách Tây gây phẫn nộ vì video gắn phụ đề sai lệch thông tin về Việt Nam

Võ Xuân Trường

Well-known member
Khách Tây gây phẫn nộ vì video gắn phụ đề sai lệch thông tin về Việt Nam

Một khách du lịch Mỹ đang bị chỉ trích dữ dội vì video gắn phụ đề sai, ảnh hưởng tới ấn tượng của công chúng về đất nước và con người Việt Nam.
Kênh Small Brained American là tâm điểm trên mạng xã hội vài ngày trở lại đây, vì những video ghi lại hành trình phượt của một du khách Mỹ tại Việt Nam.
Mới nhất, trong video ngắn đăng tải trên TikTok ngày 27.3 ghi lại cảnh anh tương tác với người địa phương. Khi hỏi chỗ đổ xăng, người đàn ông này được chỉ dẫn bằng tiếng Việt rằng cây xăng còn cách đó 2km.
Nhưng nam du khách gắn phụ đề tiếng Anh khiến người xem hiểu nhầm rằng người dân địa phương đang nói lời lẽ thô tục như “ngu đần”, “đi cho khuất mắt”.
Lời nói của người địa phương chỉ đường cho nam du khách bị gắn phụ đề sai lệch. Ảnh: Chụp màn hình
Lời chỉ dẫn về nơi đổ xăng của người địa phương bị gắn phụ đề sai lệch trong loạt video ghi lại hành trình phượt Việt Nam của nam du khách. Người phụ nữ này đang nói tiếng Việt, chỉ dẫn rằng cây xăng chỉ cách 2km. Ảnh: Chụp màn hình
Hay trong một video khác đăng ngày 30.3 thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem trên TikTok, anh ta mô tả cà phê bán trên tàu hỏa ở Việt Nam “đen như nhựa đường”, có vị như “chất tẩy rửa”.
Một video khác gây tranh cãi hơn ghi lại cảnh nam du khách được cảnh sát giao thông tại Việt Nam yêu cầu dừng xe, xuất trình bằng lái. Người này cũng gắn phụ đề tiếng Anh sai lệch lời nữ cán bộ nói với đồng nghiệp bằng tiếng Việt.
Đến ngày 2.4, video thu hút hơn 11 triệu lượt xem này không còn hiển thị trên kênh TikTok của nam du khách, nhưng vẫn còn trên Facebook.
Thực tế, đây là loạt trích đoạn cắt ra từ những video dài nam du khách này đăng tải trên YouTube từ tháng 6.2023.
Jessica Anh Dao (Phương Anh), người Việt sống tại Mỹ, mới đây có bài đăng chỉ ra những điều bất ổn trong loạt video trên. Cô cho rằng việc nam du khách để phụ đề sai cho các video quay tại Việt Nam có thể “gây mâu thuẫn”, khiến “người nước ngoài nghĩ là người Việt Nam xấu tính” khi người làm nội dung trên mạng xã hội ngày nay hoàn toàn không thiếu các công cụ hỗ trợ dịch thuật.
“Người nước ngoài tưởng người Việt Nam không thích họ vì trong video ghi toàn cái sai. Rồi tưởng người Việt Nam ở đâu cũng vậy”, cô nói.
Phương Anh kể mình từng mời bạn bè người Mỹ uống cà phê, đồ ăn Việt Nam và họ rất thích. Cô cho rằng cách hành xử của nam du khách này có thể “gây tai tiếng cho người Mỹ”.
Chia sẻ với Lao Động, Phương Anh cho rằng video trên có thể khiến gây ảnh hưởng tiêu cực đến ấn tượng của bạn bè quốc tế về Việt Nam. Bởi người nước ngoài không hiểu tiếng Việt sẽ không biết người địa phương thực sự nói gì; còn người Việt Nam không hoàn toàn hiểu nội dung tiếng Anh có thể tỏ ra ủng hộ nam du khách này.
Vốn là một nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, Phương Anh cho rằng đây có thể là một cách làm nội dung, nhưng thông điệp nam du khách Mỹ truyền tải “không hay”.
“Những hành động bôi nhọ văn hóa nước khác luôn cần bị lên án. Nếu đùa, có nhiều cách đùa, tại sao phải xúc phạm văn hóa của người khác?”, cô bày tỏ.
Hiện kênh vlog của nam du khách Mỹ này có tổng cộng khoảng 500.000 lượt theo dõi trên các nền tảng. Các video ngắn về Việt Nam nhận về hàng nghìn lượt bình luận chỉ trích vì đăng tải phụ đề sai, bóp méo lời nói của người khác.
Người này tiếp tục đăng các video ngắn khác về trải nghiệm du lịch tại Việt Nam trên TikTok, Facebook và chưa đưa ra bất kỳ phản hồi gì về các video gắn sai phụ đề. Chủ kênh vlog này đã ẩn một video trong danh sách phát mang tên “Việt Nam” trên YouTube.
 
Bên trên