Khách Việt tận mắt ngắm rồng Komodo khổng lồ ở Indonesia

Võ Xuân Trường

Well-known member
Khách Việt tận mắt ngắm rồng Komodo khổng lồ ở Indonesia

Indonesia - Lần đầu đặt chân đến Vườn quốc gia Komodo, chị Vũ Minh Điệp cùng chồng và con không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt thấy rồng Komodo khổng lồ.
Khi nhắc tới đất nước vạn đảo, chắc hẳn nhiều du khách sẽ nghĩ ngay tới "thiên đường" nghỉ dưỡng Bali. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Komodo cũng là một gợi ý phù hợp với cả gia đình khi ghé thăm các đảo ở Indonesia. Đây là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới được tổ chức New7Wonders (Thụy Sĩ) công bố vào năm 2011.
Vườn quốc gia Komodo nằm ở quần đảo Sunda nhỏ, bao gồm 3 đảo lớn Komodo, Padar và Rinca và 26 đảo nhỏ, với tổng diện tích 1.733 km². Vườn được thành lập năm 1980 để bảo tồn rồng Komodo, loài thằn lằn lớn nhất thế giới còn tồn tại đến bây giờ. Sau này, nơi đây cũng là khu bảo tồn nhiều loài vật khác, bao gồm cả động vật biển.
Rồng Komodo có chiều dài lên tới 3m và nặng đến 150kg. Loài động vật này ưa thích sống ở những nơi nóng, khô và nơi trú ngụ của chúng thường là vùng đồng cỏ khô, thảo nguyên và rừng nhiệt đới ở độ cao thấp.
Chúng có thể trèo cây một cách thành thạo, lặn sâu dưới nước 5m để bắt cá, hay chạy trên mặt đất với vận tốc 30 km/h để rượt đuổi con mồi. Rồng Komodo hoạt động linh hoạt nhất vào ban ngày.
Gia đình chị Minh Điệp chụp ảnh kỉ niệm tại Vườn quốc gia Komodo. Ảnh: FBNV
Gia đình chị Minh Điệp chụp ảnh kỉ niệm tại Vườn quốc gia Komodo. Ảnh: NVCC
Lựa chọn đi tour 2 ngày 1 đêm khám phá 7 đảo của Indonesia, chị Vũ Minh Điệp háo hức mong chờ những trải nghiệm mới ở Vườn quốc gia Komodo.
Nữ du khách Việt cho hay: “Tôi đã tận mắt chứng kiến những lúc chúng đi tìm nguồn suối uống nước, lúc ngủ say dưới tán cây và di chuyển ngang nhiên ngay gần con người”.
Theo chị, những con rồng giống như bá chủ của hòn đảo khi không có loài thiên địch nào. Chúng đi lại tự do và kiếm ăn, ngủ, tắm nắng... ở bất kỳ đâu.
Loài rồng Komodo có kích thước rất lớn với vẻ ngoài “hầm hố”. Nhìn từ xa, chúng có vẻ như khá vô hại vì di chuyển chậm chạp hoặc đôi khi chỉ thích nằm ngủ cả ngày.
Tuy nhiên, những con rồng có thể giả chết để săn mồi. Nước bọt của chúng có độc tính, có thể hạ gục những con mồi to lớn như trâu nước, hươu nai, thậm chí là con người.
Chị Điệp đã được hướng dẫn viên giải thích mỗi cú đớp của rồng Komodo có thể truyền nhiễm rất nhiều vi khuẩn khiến con người bị nhiễm độc nếu chẳng may bị chúng cắn.
Chị Điệp đi thuyền di chuyển tới các đảo. Ảnh: FBNV
Chị Điệp đi thuyền di chuyển tới các đảo. Ảnh: NVCC
"Khi đến Vườn quốc gia Komodo, du khách cần phải luôn lắng nghe từng lời hướng dẫn và giữ khoảng cách an toàn với rồng Komodo, đặc biệt không tự ý sờ hay tới gần chúng. Nếu muốn chụp ảnh với loài vật này, các hướng dẫn viên sẽ giúp bạn”, chị Điệp chia sẻ.
Thời điểm “săn” rồng Komodo phù hợp nhất là từ tháng 4 đến tháng 12, vào mùa khô, khí hậu dễ chịu. Tuy nhiên, tới vườn quốc gia Komodo vào mùa hè, du khách nên mang theo kem chống nắng để bảo vệ làn da của mình.
Sau khi thăm thú loài thằn lằn lớn nhất thế giới, du khách có thể ghé thăm bãi biển hồng, thuộc địa phận đảo Komodo. Màu hồng tự nhiên có được nhờ các loài sinh vật siêu nhỏ mang tên trùng lỗ, chúng sống trong các rạn san hô với lớp vỏ hồng.
 Biển hồng độc đáo ở Indonesia. Ảnh: FBNV
Biển hồng độc đáo ở Indonesia. Ảnh: NVCC
Chị Điệp chia sẻ: “Những mảnh san hô này bị sóng biển làm xói mòn rồi trôi dạt trên bãi biển, hòa với cát tạo nên màu hồng đẹp mê ly. Ở đây, cả gia đình tôi đã bơi và lặn ống lặn để ngắm cá, san hô trong làn nước biển trong vắt, nhìn thấy cả đáy (cười)”.
 
Bên trên