Không thể giảm cân vì stress mạn tính

Quang Minh

Well-known member
Lần thứ 5 giảm cân, Thủy, 35 tuổi, thất bại dù tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, bác sĩ phát hiện stress mạn tính là nguyên nhân khiến cô không thể lấy lại vóc dáng.

Năm 2019, sau sinh con thứ hai, cân nặng của Thủy, hiện là nhân viên truyền thông, ở quận Cầu Giấy, tăng lên 67 kg, trong khi chiều cao 1m 55. Cô thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt, stress, mệt mỏi, mong muốn giảm cân để lấy lại sức khỏe, vóc dáng. 5 năm qua, người phụ nữ chi hàng trăm triệu đồng cho thực phẩm chức năng, thuê huấn luyện viên (PT), thuốc, thực phẩm lành mạnh, nhưng đều thất bại.

Đầu năm nay, cô tiếp tục lên kế hoạch ăn kiêng. Thực đơn được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn đầy đủ ba nhóm chất, nhiều rau và được nhận định là "phù hợp với thể trạng". Ngoài dinh dưỡng, Thủy tập luyện vừa sức với vài buổi tập cardio xen kẽ tập kháng lực, giáo án điển hình do một huấn luyện viên kèm cặp, áp dụng cho người mới tập.

Tuy nhiên đến ngày thứ ba, người phụ nữ bị hạ đường huyết kèm mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, năng lượng không ổn định, thường xuyên muốn bỏ việc ăn kiêng.

Bác sĩ Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe giảm cân Homefit, khai thác tiền sử và nhận thấy Thủy gặp vấn đề tinh thần, thường xuyên bị mất ngủ do chuyện gia đình, hiện vẫn chưa ổn định. Ngoài ra, cô mắc hội chứng trào ngược - thường gặp ở người stress mạn tính, gây ho húng hắng liên tục, có lúc khó thở, buồn nôn.

"Stress mạn tính là lý do khiến người phụ nữ không thể giảm cân", bác sĩ Tân nói, cho biết đã tư vấn Thủy dừng chế độ ăn kiêng để tập trung giải quyết vấn đề tinh thần, giúp tâm trạng và năng lượng ổn định.

Người gặp stress nên giải quyết vấn đề tinh thần trước khi tham gia vào chế độ giảm cân. Ảnh: HuffPost


Người gặp stress nên giải quyết vấn đề tinh thần trước khi tham gia vào chế độ giảm cân. Ảnh: HuffPost

Bác sĩ Tân nhìn nhận với người tiềm ẩn vấn đề sức khỏe tinh thần, khi áp dụng chế độ dinh dưỡng tập luyện giảm cân có thể thúc đẩy hormone stress cortisol tăng cao. Từ đó dẫn đến nguy cơ mệt mỏi, kiệt sức, hạ đường huyết, rơi vào vòng luẩn quẩn: giảm cân - thất bại - tăng cân trở lại.

Do đó, những người này nên thay đổi cách tiếp cận, bỏ qua các mục tiêu, chỉ số cơ thể cần đạt, thay vào đó cần tập trung vào việc tái cân bằng, giảm stress, dành thời gian yêu thương bản thân. Bạn có thể khởi đầu bằng áp dụng những thói quen như hít thở sâu, tập một vài động tác thể dục nhẹ nhàng để khởi động toàn bộ cơ thể, kích hoạt hệ bạch huyết sau một đêm dài, tăng cường năng lượng.


Một số cách tăng năng lượng tức thì, hiệu quả trong buổi sáng, bao gồm phơi nắng, tắm hay massage cơ thể. Bạn có thể lựa chọn tắm thảo dược, ngâm bồn nước đá hoặc đơn giản tắm nóng lạnh xen kẽ, hoặc tắm ấm - mát. Cách này thực hiện với nguyên tắc chung hai chế độ chênh nhau khoảng 15-20 độ C, chuyển từ từ để thay đổi nhiệt độ và lắng nghe cảm giác cơ thể, mục đích để tăng chuyển hóa, sự tỉnh táo, sức đề kháng và giãn cơ sau tập.

Bạn cũng có thể chà người bằng xơ mướp, ngâm mặt nước đá. Các cách này có thể đưa vào chuỗi thói quen vệ sinh cá nhân buổi sáng mỗi ngày, giúp cải thiện năng lượng, giảm ngái ngủ, thèm caffein, kích thích sản sinh collagen giúp giảm lão hóa.

Trong giờ làm, hãy hẹn đồng hồ mỗi 45-60 phút làm việc sẽ nghỉ ngơi 5 phút để hít thở sâu, cho đôi mắt nghỉ ngơi, đi lại vận động nhẹ, tâm trí được tĩnh lặng.

Thực hành chánh niệm trong ăn uống là điều rất quan trọng. Ăn chánh niệm nghĩa là tập trung vào những trải nghiệm khi tiêu thụ thực phẩm. Đó là niềm vui khi ăn uống, nhai chậm rãi để cảm nhận kết cấu, màu sắc, hương vị thực phẩm. Đồng thời ăn đúng bữa, đúng nơi, đề cao các thực phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe.

Các chuyên gia cho rằng ăn uống lơ đễnh là nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì, bệnh mạn tính. Vì vậy, con người hiện đại dễ rơi vào tình trạng "biến dạng khẩu phần" và mất khả năng tự nhận thức lượng thức ăn phù hợp với cơ thể. Hành động "ăn chậm, thực sự thưởng thức món ăn" có thể là phương thuốc cho các vấn đề sức khỏe phát sinh từ lối sống công nghiệp, giúp con người tránh khỏi những xao nhãng bên ngoài, tránh ăn uống vô độ và có cơ thể khỏe mạnh hơn.

Ngoài ra, dọn dẹp nhà cửa và nơi làm việc một cách ngăn nắp cũng là cách để tái tạo năng lượng. Môi trường sống bừa bộn cũng là nguyên nhân khiến bạn thiếu cảm hứng, stress hơn. Trước khi ngủ có thể thực hành vài thế yoga giãn cơ, masage, đi ngủ sớm, tránh dùng thiết bị di động quá khuya.

Các chuyên gia khuyến cáo nên giảm cân từ từ, mức giảm lý tưởng là 0,5-1 kg/tuần. Bạn có thể đặt mục tiêu ăn lành mạnh theo mức độ tăng dần, đơn cử bắt đầu bằng việc giảm 5 thứ có hại cho sức khỏe đã được khoa học chứng minh, bao gồm các thực phẩm nhiều đường, chất béo chuyển hóa (bim bim, kem), thịt chế biến sẵn (xúc xích, giăm bông, thịt nguội, thịt hộp); rượu bia; thuốc lá...

Về tập luyện, khuyến khích vận động 30 phút mỗi ngày bất cứ bộ môn nào yêu thích.

"Việc giảm cân cần thực hiện khoa học, kiên trì, quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể. Thà đi chậm mà lâu dài, còn hơn tốc độ rồi bỏ cuộc", bác sĩ nói.
 
Bên trên