Kinh nghiệm xương máu của mình đã từng bị qua khi đi thuê mặt bằng kinh doanh nhà hàng, cafe nên vào ngay vấn đề mà không cần tập làm văn chi cho nó mệt.
Các bạn nào muốn thuê mặt bằng thì cũng nên tính toán cho việc mình sẽ sang nhượng sau này, chứ không phải việc thuê được là mừng xong làm tá lả… đến khi muốn rút là tay trắng nhé.
Chuyện là vầy…
Cách đây vài năm, mình có tìm thuê mặt bằng kinh doanh quán cafe. Khi sang lại mặt bằng của người chủ cũ, mọi thứ rất tốt đẹp và suôn sẻ. Cô chủ nhà cũng rất ư là thân thiện và tạo mọi điều kiện cho mình thuê cũng như ký lại hợp đồng mới.
Nhưng, sự bất cập bị cái thân thiện đó che mờ. Kể ra những cái gạch đầu dòng cho nó rõ, khỏi hoa hòe chi.
Thuê mặt bằng mà đi chung một đường với chủ nhà là NHẤT ĐỊNH KHÔNG NHÉ.
==> Lý do? Hễ họ vui thì không sao. Hễ họ buồn là đi ra đi vô, cái mặt chầm dầm như bánh bao, chưa kể còn vừa đi vừa nói điện thoại, nói tục vô đối trước mặt khách hàng, và còn việc đi lê dép thì mình vô phương cứu chữa, vì họ là chủ nhà. Nói là sẽ có chuyện.
Nhà bếp mà có liên thông với chủ nhà là đặc biệt phải làm cửa khóa bất kể có chật chút cũng phải làm. Kẻ gian không chừa một ai.
Khi ký hợp đồng, hãy nêu rõ chi tiết này, ĐẶC BIỆT GHI NHỚ:
Trong thời gian hợp đồng, nếu bên B không tiếp tục kinh doanh được nữa và muốn sang nhượng, bên A phải giúp đỡ vô điều kiện cho bên B ký hợp đồng cho thuê mới với người chủ mới mà bên B sang nhượng. (Dĩ nhiên, bên B sẽ phải có 1 khoản đền tiền hợp đồng gồm 1 hay 3 tháng tùy chủ nhà giao hẹn từ trước).
==> Lý do? Tại sao phải có vụ giúp đỡ vô điều kiện?
Thế này, họ nhận tiền đền của mình vì hủy hợp đồng trước thời hạn xong. Khi mình kiếm khách cho sang nhượng, họ sẽ đưa ra thêm yêu sách “Chị phải đưa thêm cho tôi vài chục triệu (có khi là cả trăm tùy theo mặt bằng và chi phí đầu tư lớn nhỏ) để tôi ký hợp đồng mới cho khách mà chị muốn sang nhượng. Nếu không, tôi không ký.
Mà nếu họ không ký, thì làm sao mình sang nhượng? Chả nhẽ bỏ hết tất cả kiểu thanh lý đồ à? Khách họ đang có nhu cầu sang nhượng là thuê cả mặt bằng chứ ai đâu mua đồ không với giá cao? Vậy là, mình vừa mất tiền đền, lại mất thêm tiền chung chi để được ký hợp đồng mới.
Còn vấn đề này, mình không biết giải quyết sao nữa đây. Nói ra để các bạn đề phòng vậy. Khi mình đầu tư vào mặt bằng nhiều thứ rồi, kinh doanh tốt rồi. Đột nhiên có một nhóm giang hồ tới cứ bao vây rồi đòi đập quán tá lả, lý do là chủ nhà thiếu n.ợ, nên họ tới siết n.ợ.
Mình giải thích đây là tài sản của mình, chứ không phải của chủ nhà nên không được làm bậy. Mình đã mời cả cơ quan CA nhưng vô phương, vì bọn nó chẳng đập phá gì đâu, chỉ dọa thôi. Nhưng ngày nào tụi nó cũng trực ở quán, lầm lì đại ca, hỏi ai dám vô nữa?
Chủ nhà lúc này nói “Con thông cảm cho bác, vì con trai bác gây n.ợ mà giờ gia đình bác không có tiền trả, con trả dùm bác chứ giờ bác không có cách nào khác.” Vậy là sao? Bạn phải giúp họ trả n.ợ nếu muốn làm ăn yên ổn. Và đây là một mưu kế của chủ nhà nhé.
Cho đến khi mình chịu hết nổi, mình muốn sang nhượng thì dĩ nhiên, họ cần thêm một khoản tiền để ký tiếp hợp đồng mới với khách mới. Và có thêm cả tiền bồi thường. Cứ vậy, họ đủ giàu.
Trên đây là một trong vô số các chiêu trò khác nữa của một số chủ nhà nhẫn tâm mà vô tình chúng ta có gặp phải. Ai đang muốn mở nhà hàng, quán ăn, cafe hay bất kỳ mô hình kinh doanh nào mà phải đầu tư nhiều vào mặt bằng, hãy cẩn thận nhé! Xem xét hợp đồng cho kỹ và đừng làm giấy tay không thôi, hãy có công chứng đàng hoàng.
Sưu tầm