Lên TikTok thấy ai cũng là CEO, kiếm tiền tỷ mỗi tháng

TUVM

Well-known member
Các clip khoe thu nhập “khủng”, hành trình lập nghiệp thành công, cách
kiếm tiền, chia sẻ lời khuyên tài chính,... có thể tạo ra ảo tưởng nhanh giàu.

Một tiêu đề giật gân. Vài gạch đầu dòng dạy cách làm giàu. Lời tự giới thiệu là tỷ phú/CEO/coach (huấn luyện viên)/chuyên gia tài chính. Dẫn đường link đến kênh khác để quảng cáo khóa học, dịch vụ.

Đó là mô-típ thường thấy ở các tài khoản khi tìm kiếm từ khóa về tài chính cá nhân, làm giàu trên TikTok.

Các hashtag liên quan đều thu hút lượt xem “khủng” như #lamgiau (482,2 triệu) #biquyetthanhcong (107,1 triệu), #quanlytaichinh (32 triệu),... cho thấy sự rộ lên của thể loại này.

Dù vậy, không ai kiểm chứng độ chính xác và hiệu quả của thông tin được chia sẻ từ những người dùng gắn mác “chuyên gia”.

Ai dạy làm giàu?
Theo dõi tài khoản có gần 200.000 lượt follow của N.T.S., người tự xưng là “Coach & Marketing Expert” (tạm dịch: Huấn luyện viên và chuyên gia tiếp thị), nội dung chủ yếu xoay quanh cách kiếm tiền online (MMO).

Các video của nam TikToker thường thu hút từ 60.000 đến gần 100.000 lượt xem. Bên cạnh khẳng định việc kiếm tiền triệu mỗi ngày tại nhà thông qua Internet là rất dễ, người này còn quảng bá hình ảnh bản thân là “18 tuổi nghỉ đại học”, “từng làm 20 nghề”, “23 tuổi kiếm được 1 tỷ đồng đầu tiên”. Tuy nhiên, thông tin quan trọng nhất là bằng cấp, kinh nghiệm, chuyên môn về tài chính thì không được đề cập.

Dưới phần bình luận, không ít tài khoản tỏ ra ngưỡng mộ N.T.S. và bày tỏ mong muốn học theo người này để kiếm tiền. Trái lại, cũng có cá nhân nghi ngờ về độ tin cậy của những gì nam TikToker chia sẻ.

Có thể thấy TikTok không phải kênh phát triển chính của N.T.S., mà chỉ nhằm quảng cáo, mời mọc người xem đăng ký kênh YouTube - nơi người này khẳng định giúp mọi người “tận dụng thời gian nhàn rỗi để tạo ra thu nhập 5.000-10.000 USD/tháng với chiếc máy tính kết nối Internet”.




Day lam giau TikTok anh 1
Các nội dung trên kênh của N.T.S., người tự xưng là "chuyên gia" về marketing, xoay quanh làm giàu nhờ MMO.
Một kênh chia sẻ về tài chính khác cũng có lượt theo dõi khá lớn là “Tỷ phú P.T.B.” với gần 288.000 lượt. Luôn xuất hiện với bộ vest chỉn chu, TikToker này thường chia sẻ về các chủ đề chứng khoán, bitcoin, quản trị vốn, kinh doanh và đầu tư.

Ở phần giới thiệu, chủ tài khoản cũng mời mọc mọi người xem bài học đầy đủ và đăng ký kênh YouTube.

Truy cập hàng loạt tài khoản của những người chia sẻ về tài chính khác trên TikTok, dường như có thể thấy mô-típ là phô trương hình ảnh hào nhoáng, khoe thu nhập “khủng”, tự “vẽ” ra danh xưng, câu kéo người xem đăng ký kênh khác.

Nhóm này có 2 hình thức chia sẻ thông tin: qua bài học miễn phí hoặc mời mua sách, khóa học.

Do thời lượng hạn chế của video trên TikTok, các “bí quyết” thường chỉ gói gọn trong các gạch đầu dòng, chung chung. Nếu muốn tìm hiểu thêm, người xem có thể theo dõi kênh YouTube hoặc truy cập trang web để đăng ký các khóa học được dẫn ở phần giới thiệu.

Như ở kênh “Tỷ phú P.T.B.”, truy cập vào đường dẫn được quảng cáo, chỉ cần nhập họ tên, số điện thoại, email là có thể đăng ký thành công “4 ngày học đầu tư thực chiến miễn phí” bằng hình thức online trực tiếp trong nhóm kín. Ngoài ra, người này còn cung cấp nhiều khóa học về đầu tư tài chính có giá 3 triệu đồng tới hơn 23 triệu đồng.




Day lam giau TikTok anh 2
Các "chuyên gia tài chính" trên TikTok thường dẫn link quảng cáo kênh khác và trang web bán khóa học.

Có thật sự hiệu quả
Sau khi quảng cáo về các khóa học mình cung cấp, mời “học viên” chia sẻ về thành công đạt được dường như là cách các “chuyên gia tài chính” khẳng định độ uy tín của mình.

Như trường hợp TikToker N.T.S., người này từng đăng tải một số clip "học viên" chia sẻ về hành trình tăng thu nhập nhờ tham gia khóa học về affiliate marketing (tiếp thị liên kết) của mình.

Trong đó, một người khẳng định từ không có đồng nào trong túi, sau khi tham gia khóa học của N.T.S., bản thân đã kiếm được 7.000-8.000 USD/tháng.

Một người khác cũng cho biết xuất phát từ con số 0, cuộc sống của bản thân hoàn toàn thay đổi sau khi đi theo nam TikToker chỉ nửa năm. Nhờ tập trung vào crypto song song làm tiếp thị liên kết, thu nhập tháng cao nhất của người này 20.000 USD (ở thời điểm chia sẻ là năm 2021), các tháng khác không cao như vậy, nhưng vẫn đều đặn.

Cả hai đều không cho biết học được gì từ "thầy" để kiếm thu nhập “khủng” như vậy, mà chỉ nói rằng đã áp dụng kiến thức từ khóa học và kiếm được nhiều tiền.

Thực tế, rất khó xác minh thực hư của những lời chia sẻ này, cũng như hiệu quả của khóa học mà các "chuyên gia tài chính" tự phong cung cấp.



Day lam giau TikTok anh 3
FinToker” hay “finfluencer” là từ chỉ những người có ảnh hưởng về tài chính trên TikTok, không ít trong số này có thể không có trình độ chuyên môn thật sự. Ảnh: Institutional Investor.

Thực tế, TikTok, nền tảng có hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng, bị nhận xét là “mảnh đất màu mỡ của những lời khuyên vô học”. Tất nhiên, vẫn có những chuyên gia thật sự ở nhiều mảng với chuyên môn cao, nhưng nội dung cũng có thể được tạo ra bởi người không phải dân chuyên.

Không phải tất cả người xem đều thiếu tỉnh táo để không suy xét những lời khuyên tài chính hay cách làm giàu được các chuyên gia tự xưng chia sẻ là hợp lý hay không. Thế nhưng, họ vẫn có thể tò mò, không vội lướt qua các video dạng này.

Đặc biệt, trên nền tảng được điều khiển bởi thuật toán như TikTok, việc càng xem nhiều video về một chủ đề càng có nhiều khả năng được cung cấp nội dung tương tự, chỉ là không đảm bảo người đăng có trình độ học vấn và bằng cấp ở mảng đó.

Nhiều chuyên gia từng lên tiếng cảnh báo về những lời khuyên tài chính trên TikTok của các chuyên gia tự xưng khi chỉ đánh vào tâm lý tò mò của người xem thay vì đem lại hiệu quả thực sự. Người xem được khuyên “kiểm tra tính xác thực” của thông tin mình tiếp cận bằng nghiên cứu bổ sung, độc lập và “được chuyên gia thực sự xác minh” trước khi đưa ra bất kỳ quyết định táo bạo nào với tiền bạc.

Đến nay, Australia là quốc gia hiếm hoi tìm cách trấn áp sự lộng hành của những chuyên gia tài chính tự xưng. Cụ thể, tháng 4/2022, quốc gia này ban hành lệnh cấm người không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cung cấp lời khuyên về sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính.

Cá nhân vi phạm có thể bị phạt tù tối đa 5 năm. Các công ty thuê chuyên gia tài chính tự xưng để quảng cáo sản phẩm có thể phải nộp phạt hàng triệu USD.
 
Bên trên