Leo núi - môn thể thao 'quốc dân' rèn sức khỏe

vũ thành trần vương

Well-known member
Bà Thy 52 tuổi, ở TP HCM, 3h sáng cuối tuần đã dậy, chuẩn bị và đến điểm hẹn cùng đoàn thực hiện chuyến đi trong ngày đến núi Chứa Chan (Đồng Nai).

"Mỗi tháng tôi phải leo núi 1-2 lần, nếu không cơ thể sẽ khó chịu vì không được vận động", bà chia sẻ vào tuần trước Tết.

Từ bộ môn cho vận động viên chuyên nghiệp, leo núi đang được nhiều người có sức khỏe yếu rèn luyện nhằm cải thiện thể trạng. Như bà Thy, bốn năm qua vẫn giữ thói quen leo núi mỗi cuối tuần. Bà từng đi nhiều vùng núi từ Tây Bắc đến Nam Bộ, với những cung đường dài 6-14 km.

Năm 2018, bà Thy bị thoái hóa khớp gối, phải tiêm thuốc bổ sung cho khớp. Bác sĩ khuyên bà chú ý dinh dưỡng và vận động. Đầu năm 2019, bà bị bác sĩ cảnh báo rối loạn mỡ máu, cholesterol xấu, có nguy cơ đột quỵ. Người phụ nữ quyết định rèn luyện thân thể bằng môn leo núi, cùng một nhóm bạn đồng hành chủ yếu là nữ, tuổi 30-40. Qua một năm duy trì leo núi hàng tuần, kết quả kiểm tra sức khỏe của bà cải thiện đáng kể, cơ khớp hoạt động tốt hơn và không còn đau.

Theo bà Thy, môn thể thao này không giúp giảm cân nhưng cơ thể săn chắc, có sức bền. Khi mới bắt đầu, cảm giác mệt mỏi "đến mức không tả nổi" khiến bà chùn bước. Nhưng về đến nhà, người phụ nữ lại nhớ đến trải nghiệm này và sẵn sàng cho hành trình kế tiếp.

"Với tôi, leo núi giúp cải thiện sức khỏe ở độ tuổi trung niên. Tôi không đi quá nhanh mà giữ tốc độ trung bình, kết hợp vận động và hít thở đều", bà Thy chia sẻ kinh nghiệm.

Bà Thy Thy trong chuyến leo núi Chứa Chan (Đồng Nai). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Thy Thy trong chuyến leo núi Chứa Chan (Đồng Nai). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từng là người thể lực yếu và bệnh huyết áp thấp, chị Thăng Long, 36 tuổi, ở Hà Nội, có kinh nghiệm leo núi 13 năm. Theo chị, nhờ môn này mà chị đã cải thiện được sức khỏe.

Năm 2022, chị Long mắc Covid-19, sức khỏe suy giảm, thường xuyên bị hụt hơi, khó thở. Khi leo dốc, đi được 10 bước, chị phải dừng 30 giây để nghỉ ngơi nhưng càng leo, cơ thể và nhịp thở càng tốt hơn. Từ đó mỗi tuần, chị lại chinh phục một ngọn núi.


"Thay vì tập gym, khi leo núi tôi vận động toàn bộ cơ thể, tiêu hao nhiều calo và nâng cao sức bền. Công việc thiết kế đòi hỏi nhiều cảm hứng nên bộ môn này cũng giúp tôi giữ tinh thần thoải mái, sáng tạo", chị Long nói.

Vợ chồng chị Long thường đi leo núi cùng hai người con 8 và 10 tuổi, để con được rèn sức khỏe và gần gũi thiên nhiên. Chị cho biết có khi quãng đường dài 20-30 km, phải vừa đi vừa nghỉ ngơi nhưng các con chị đều tỏ ra thích thú.

Trước chuyến đi, cả nhà chị Long thường leo 40 tầng thang bộ để rèn luyện cơ chân, tập bóng rổ và đạp xe. Theo chị, người có thể lực yếu vẫn có thể leo núi, chỉ cần chọn cung đường phù hợp, trang bị dụng cụ chuyên dụng và có người hướng dẫn.

Chị Long thường đưa hai con leo núi để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai con của chị Long cũng thường theo bố mẹ leo núi để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Tùng Lâm, chuyên dẫn đoàn tại Hà Nội, thường đồng hành leo núi cùng những người ở độ tuổi 50, có mong muốn rèn luyện sức khỏe. Theo anh Lâm, bộ môn chinh phục thiên nhiên này cần nhiều thể lực và sức bền, anh luôn khuyến khích mọi người tập luyện, đi bộ hai tuần trước mỗi chuyến đi.

"Người thường xuyên leo núi, đi trên dốc liên tục hoặc bước chân quá cao vẫn có thể bị đau chân, chuột rút và đuối sức. Những khó khăn này đều là trải nghiệm, có thể giải quyết bằng trị liệu vật lý hoặc nghỉ ngơi, nếu không nghiêm trọng thì sẽ tiếp tục hành trình", anh Lâm nói.

Theo bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), leo núi là loại hình vận động tốt cho sức khỏe. Đây là môn vận động mọi bộ phận cơ thể, kích hoạt hệ hô hấp và tim mạch, cải thiện độ đàn hồi, dẻo dai của cơ, giúp cơ thể giữ thăng bằng và lưu thông máu.

Bên cạnh nhiều lợi ích, bác sĩ Lan khuyên người có vấn đề về hô hấp hoặc tim mạch, có bệnh lý về xương khớp, hệ thần kinh như thoái hóa khớp, đau lưng thần kinh tọa... không nên leo núi. Người lớn tuổi, có bệnh nền, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

"Leo núi là môn vận động mạnh, cần rèn luyện sức khỏe từ trước, như thường xuyên đi cầu thang trong 10-20 phút. Nếu leo một đoạn ngắn đã thở dốc, đi không nổi, nặng ngực, đau nhức khớp thì nên chuyển qua môn thể thao khác", bác sĩ Lan nói. Theo bà, luyện tập bằng đi cầu thang bộ cũng có thể giúp cải thiện khớp cơ, giữ cân bằng cơ thể.
 
Bên trên