LG G3 - TV OLED có độ sáng cao nhất thế giới

Từ Minh Quân

Well-known member
LG OLED G3 là TV đầu tiên sử dụng công nghệ vi thấu kính MLA cho độ sáng cao hơn 70% so với TV OLED phổ thông khác.

Các dòng TV LG mới thường có giá khởi điểm tương tự thế hệ cũ qua các năm. Tuy nhiên, loạt TV OLED ra mắt cuối tháng 4 đều rẻ hơn các model 2022 cùng kích cỡ màn hình. Trong đó, G3 được coi là bản nâng cấp lớn về khả năng hiển thị so với G2 nhưng lại có giá thấp hơn khoảng 20%. Đây được cho là động thái của LG nhằm cạnh tranh với đối thủ đồng hương Samsung khi hãng này cũng mới ra mắt mẫu OLED S95C cạnh tranh trực tiếp với G3.
Người dùng có bốn lựa chọn kích thước màn hình cho G3 gồm 55, 65, 77 và 83 inch với giá khởi điểm 54,9 triệu đồng. Model chủ lực 65 inch (trong ảnh) có giá 69,9 triệu đồng.

G3 là TV OLED dầu tiên trang bị công nghệ lớp vi thấu kính (Micro Lens Array - MLA). Thành phần mới đặt phía trước tấm nền hiển thị chứa hàng tỷ thấu kính siêu nhỏ để hội tụ ánh sáng từ các điểm ảnh phát ra, giúp tăng độ sáng tổng thể cho TV. Theo LG, điều này giúp G3 có độ sáng cao hơn 70% so với các TV OLED phổ thông khác. Con số tối đa được hãng công bố là 2.000 nit, tương đương nhiều mẫu TV LCD có độ sáng cao nhất thị trường hiện nay.

Theo kết quả đo thực tế của Rtings, độ sáng của G3 cao hơn 50% so với model tiền nhiệm G2. Trải nghiệm thực tế giữa G3 55 inch (bên phải) và G2 65 inch (bên trái), độ sáng chênh lệch dễ nhận ra nhưng tạo cảm giác không lớn như con số công bố. Tuy nhiên, đây vẫn là nâng cấp đáng kể bởi độ sáng vẫn là điểm yếu lớn nhất khi so sánh giữa OLED và LED nền truyền thống. Các thông số mới giúp người dùng có thể tự tin đặt G3 ở các khu vực phòng khách với ánh sáng ngoài trời mà không ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm xem.

Ngoài tăng độ sáng, MLA cũng giúp G3 có góc nhìn nghiêng và khả năng chống chói tốt hơn so với G2. Về màu sắc, độ tương phản, các chế độ HDR gần như không thấy sự khác biệt giữa G3 và thế hệ cũ. Model mới được trang bị chip xử lý hình ảnh mạnh hơn là Alpha 9 Gen 6 giúp nâng độ phân giải từ các nguồn đầu vào chất lượng thấp lên 4K mượt mà. Khi thử xem truyền hình, video HD hoặc Full HD từ YouTube, các chi tiết được tái tạo tốt, không có hiện tượng vệt mờ khi xử lý.

Giống truyền thống dòng G Series, G3 được thiết kế để treo sát tường và hộp đựng TV chỉ đi kèm phụ kiện để treo. Nếu muốn sử dụng chân đế, người dùng sẽ phải bỏ thêm chi phí. G3 giữ đường nét vuông vức, bo viền mạ kim loại cao cấp như G2 nhưng không tạo sự liền mạch, cảm giác như một khung tranh thực thụ như dòng G1 năm 2021.
TV được hoàn thiện rất tốt, khung vỏ và kết cấu chắc chắn. Điểm dày nhất là 2,4 cm, thấp hơn một chút so với G2 năm ngoái là 2,5 cm. Phần viền màn hình cũng rất mỏng là 6 mm, tương tự dòng Neo QLED cao cấp nhất của Samsung.

Cổng kết nối và các công nghệ hỗ trợ game tiếp tục là điểm mạnh của model mới. Thiết bị có bốn cổng HDMI, đều là chuẩn 2.1 mới trong khi nhiều TV cùng tầm giá khác chỉ tối đa hai cổng đạt chuẩn này. HDMI 2.1 hỗ trợ nhận hình ảnh 4K tần số 120 Hz, đầy đủ công nghệ ALLM (Auto Low Latency Mode), VRR (Variable Refresh Rate), hai công nghệ chống rách hình Nvidia G-Sync và AMD FreeSync Premium cho game thủ. G3 được thiết kế các khe đi dây thông minh giúp giấu dây gọn khi người dùng muốn treo sát tường.

Âm thanh vẫn chưa phải là điểm mạnh của G3 khi những nâng cấp của model này khá ít so với thế hệ tiền nhiệm. LG vẫn trang bị hệ thống loa 4.2 kênh công suất 60 W. Hãng chủ yếu nâng cấp phần mềm hỗ trợ khi có thêm AI Sound Pro cho phép biến bất kỳ âm thanh đầu ra nào thành âm thanh vòm 9.1.2 so với 7.1.2 của G2. Trải nghiệm âm thanh của G3 khá tốt với nhu cầu cơ bản như nghe nhạc nhẹ, xem phim. Âm bass ổn khi ở mức âm lượng dưới 80% nhưng chưa đủ "lực" như các dòng TV công nghệ MiniLED cùng tầm giá của Samsung, Sony.

G3 sử dụng hệ điều hành webOS 23 mới nhưng ít thay đổi về giao diện. Khác biệt chủ yếu là thêm một số phần mềm thông báo, khả năng chia ứng dụng và thiết kế lại hệ thống menu cài đặt nhanh. Một TV hiện có thể hỗ trợ 6 tài khoản người dùng khác nhau. Mỗi tài khoản sẽ hiển thị nội dung gợi ý riêng dựa theo thói quen xem của từng người.

Kiểu dáng điều khiển không thay đổi nhưng LG đã bỏ nút trợ lý giọng nói tiếng việt Google Assistant. Thử nghiệm thực tế cho thấy TV chỉ còn điều khiển qua trợ lý ảo do LG phát triển trên webOS. Remote "chuột bay" vẫn là điểm mạnh riêng khi giúp truy cập vào ứng dụng, thao tác viết chữ trên bàn phím ảo nhanh và chính xác hơn điều khiển thông thường.
 
Bên trên