Loạt đặc sản của tỉnh Hưng Yên mới sau sáp nhập với Thái Bình

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Sau khi sáp nhập Hưng Yên với Thái Bình, du khách đến tỉnh Hưng Yên mới có thể khám phá loạt đặc sản nổi tiếng như canh cá, bánh cáy, bánh gai...
Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, Hưng Yên và Thái Bình sẽ sáp nhập, lấy tên địa phương mới là Hưng Yên. Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Hưng Yên được đặt tại vị trí hiện tại.
Sau khi 2 địa danh này được sáp nhập, tỉnh Hưng Yên mới sẽ có thêm tiềm năng để phát triển du lịch ẩm thực.
Bánh gai Đại Đồng
Bánh gai Đại Đồng là đặc sản lâu đời của làng Đại Đồng, huyện Vũ Thư. Loại bánh này được làm từ nguyên liệu chính là lá gai khô giã nhuyễn, trộn với bột nếp cái hoa vàng, tạo nên lớp vỏ màu đen óng, mềm dẻo, thơm.
Nhân bánh gồm đậu xanh xay nhuyễn, dừa nạo, mỡ lợn, hạt sen và đường, tạo vị ngọt bùi béo ngậy đặc trưng. Mỗi chiếc bánh được gói bằng lá chuối khô, buộc lạt cẩn thận và hấp chín.
Bánh thường có trong dịp lễ, Tết, cưới hỏi và được xem như món quà quê ý nghĩa dành tặng bạn bè, người thân.
Bánh cáy làng Nguyễn
Bánh cáy làng Nguyễn là đặc sản nổi tiếng lâu đời, từng được tiến vua bởi sự công phu trong cách chế biến và hương vị độc đáo. Tên gọi “bánh cáy” xuất phát từ hình dáng của những sợi mứt bí và vừng trông giống trứng con cáy - một loài giáp xác sống ở vùng nước lợ.
Nguyên liệu làm bánh rất phong phú, gồm gạo nếp cái hoa vàng, mứt gừng, lạc, vừng, mỡ lợn, đường kính, quất và mạch nha… Gạo nếp phải được rang chín vàng rồi giã dẻo, sau đó trộn với các thành phần khác và ép thành bánh. Bánh có vị ngọt bùi, thơm dẻo, thường dùng kèm với trà nóng để cân bằng lại hương vị.
Đến nay, nghề làm bánh cáy ở làng Nguyễn vẫn được gìn giữ như một niềm tự hào của quê lúa.
Ảnh: Lương Hà




















Bánh cáy làng Nguyễn có vị ngọt bùi, thơm dẻo, thường dùng kèm với trà nóng để cân bằng lại hương vị. Ảnh: Lương Hà







Canh cá Quỳnh Côi
Gắn liền với vùng đất Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, món canh cá tuy dân dã nhưng lại mang hương vị tinh tế, đậm đà khó quên.
Nguyên liệu chính được sử dụng là cá rô đồng tươi, làm sạch, luộc chín, gỡ lấy thịt rồi đem rán giòn. Nước dùng nấu từ phần xương cá lọc kỹ, ninh nhừ với cà chua, hành khô và một chút dấm tạo vị chua thanh dễ chịu.
Điểm đặc biệt của canh cá Quỳnh Côi là sự kết hợp hài hòa giữa sợi bánh đa trắng mềm, cá rán giòn và rau ăn kèm như dọc mùng, rau cần, thì là... Khi ăn, thực khách chan nước dùng nóng, rắc thêm chút hành hoa, tiêu xay là có thể thưởng thức.
Canh cá Quỳnh Côi thường được ưa chuộng ăn vào buổi sáng, có giá khoảng 40.000 - 55.000 đồng/bát.
Ảnh: Nhật Minh
Hưng Yên sẽ có đặc sản canh cá Quỳnh Côi sau khi sáp nhập. Ảnh: Nhật Minh
Nem chạo Vị Thủy
Nem chạo Vị Thủy được làm từ thịt lợn nạc và bì heo thái nhỏ, trộn đều với thính gạo rang vàng, kết hợp cùng các loại lá như lá sung, lá ổi, rau thơm... tạo nên vị chua nhẹ, bùi thơm và đậm đà khó quên.
Điểm đặc biệt của nem chạo Vị Thủy nằm ở cách chế biến thủ công, kỹ lưỡng và bí quyết pha trộn thính cùng gia vị sao cho dậy mùi nhưng không bị gắt. Nem thường được ăn kèm với nước mắm chanh tỏi ớt hoặc nước mắm pha loãng, rất hợp khẩu vị nhiều người.
Món ăn dân dã này không chỉ phổ biến trong các bữa cơm gia đình mà còn thường xuất hiện trong dịp lễ, tết hay hội làng, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực vùng Thái Bình.
Ảnh: Foody
Nem chạo Vị Thủy ngon ở bí quyết pha trộn thính cùng gia vị sao cho dậy mùi nhưng không bị gắt. Ảnh: Foody
Bánh cuốn Mễ Sở
Không cầu kỳ, nguyên liệu đơn giản nhưng món bánh cuốn Mễ Sở lại mang đến hương vị thơm ngon rất riêng. Điểm đặc biệt làm nên sự cuốn hút của món ăn này chính là lớp vỏ bánh mỏng tang, khi cuốn cùng phần nhân sẽ tạo thành chiếc bánh nhỏ xinh, chỉ to bằng ngón tay, tròn đều, trắng ngần và được cuốn chắc tay. Nhân bánh được người dân lựa chọn kỹ càng, kết hợp cùng đôi bàn tay khéo léo, làm nên món bánh mà không phải ai cũng dễ dàng chế biến được.
Gà Đông Tảo
Nhắc tới gà Đông Tảo, thực khách sành ăn đều biết đến đặc sản này của Hưng Yên. Đây là giống gà quý, từng được coi là đặc sản tiến vua từ thời xưa.
Gà Đông Tảo là giống gà được nuôi lâu đời tại Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Loại gà này nổi bật bởi vóc dáng to lớn, dáng vẻ oai phong, da có màu đỏ đặc trưng.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất so với các giống gà khác là đôi chân to, sần sùi, chắc khỏe, được bao phủ bởi lớp vảy không đều, thường gọi là “vảy rồng”.
Tuy nhiên, đây là giống gà khó nuôi, không thích hợp với hình thức nuôi nhốt thông thường, đòi hỏi người chăn nuôi phải kiên nhẫn và chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ từng chút một để con gà xuất chuồng phải có bộ chân đẹp to lớn, thịt chắc.
 
Bên trên