Logitech G Pro X Superlight: 3 năm, vẫn là chú chuột gaming chuyên nghiệp được ưa chuộng nhất

0707171758

NGUYỄN THANH VÂN
Logitech G Pro X Superlight: 3 năm, vẫn là chú chuột gaming chuyên nghiệp được ưa chuộng nhất


Vài ngày qua, có hai sự kiện khiến mình nghĩ khá nhiều đến chú chuột gaming mình đang dùng hàng ngày. Thứ nhất là giải đấu vô địch thế giới bộ môn Valorant Champions tổ chức ở Mỹ. Đội tuyển nào nhìn lướt qua cũng thấy có người xài G Pro X Superlight. Rồi thứ hai là trên các mạng xã hội, hình ảnh rò rỉ của G Pro X Superlight 2 càng lúc càng dày đặc, từ thiết kế nâng cấp nhẹ cho tới thông số kỹ thuật, linh kiện và nhiều thông tin khác, có cả những người chụp được cả vỏ hộp của chú chuột sắp bán ra thị trường nữa.


Tư vấn chọn chuột chơi game ở mọi tầm giá, từ 100 nghìn đến 10 triệu
Bản thân thị trường gaming gear luôn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất phần cứng. Rẻ thì có những thương hiệu từ bên Trung Quốc như E-Dra hay Fuhlen. Rồi lên tới tầm tiền triệu thì đã bắt đầu có những sản phẩm của các hãng nổi tiếng như…
tinhte.vn


Tháng 12/2020, Logitech ra mắt phiên bản nâng cấp của chú chuột gaming không dây G Pro, đặt tên là G Pro X Superlight. Ở thời điểm ấy, không nhiều người nghĩ tác động và tiếng vang của G Pro X Superlight sẽ lớn như bây giờ. Ai cũng nghĩ nó là một phiên bản đắt tiền hơn, nhẹ hơn nhưng bị cắt gọt vài tính năng so với bản gốc, ví dụ như dải đèn chỉ thị DPI và nút chuyển DPI dưới đáy chú chuột.

DSC-1879.jpg


Tua nhanh khoảng thời gian 3 năm. Bằng chứng rõ ràng nhất cho thành công của G Pro X Superlight, là anh em có thể lên trang ProSettings.net, nơi tổng hợp phụ kiện và tùy chọn in-game của hàng nghìn gamer chuyên nghiệp của nhiều bộ môn trên toàn thế giới. Trong tổng số 1456 gamer chuyên nghiệp được ProSettings tổng hợp, 513 trong số đó, tức là tỷ lệ khổng lồ 35.23% đang sử dụng chung 1 chú chuột, khác mỗi màu sắc (trắng, đen, đỏ, hồng).



DSC-1873.jpg


Rồi thậm chí đến cả ông vua của thể loại FPS nói chung, và Counter-Strike nói riêng, Zowie, cũng bị chú chuột không dây này lật đổ ngai vàng. Mãi tới đầu năm 2023, Zowie mới ra mắt mẫu chuột không dây đầu tiên, EC-CW. Câu hỏi được đặt ra, liệu sự ra mắt của EC-CW có khiến các gosu trở về với dáng vẻ thân thuộc, khả năng cầm nắm tuyệt vời, cùng tính năng vận hành không cần driver, nói chung là những lý do khiến Zowie làm trùm trong nhiều năm trước đó. Thiết nghĩ câu hỏi ấy phải chờ thời gian mới trả lời được.

Còn về phần G Pro X Superlight, có thể liệt kê nhiều lý do khiến nó trở thành chuột gaming thành công nhất trong 3 năm gần đây, xét riêng tới mảng thể thao điện tử và gaming chuyên nghiệp, chơi game kiếm tiền, mỗi trận đấu định đoạt người giành khoản tiền thưởng hàng triệu USD.

DSC-1876.jpg


Trọng lượng 62 gram của chú chuột chỉ là một trong số những điểm cộng. Nhưng không phải ai cũng để ý tới những điểm cộng khác, hoặc cũng có thể là không làm được trong tầm giá. Thành ra, bây giờ chuột mới đều đánh vào ba yếu tố chính để cạnh tranh: Switch quang học chống double click và độ trễ thấp, cảm biến quang học mới nhất, không phải PAW 3370 thì cũng phải là 3395, cá biệt Razer giờ dùng tới PAW 3950 (Focus Pro 30K), và ba là trọng lượng. Giờ đã có cả chuột gaming nặng 49 gram rồi, con số 62 gram của GPX chẳng còn mấy giá trị cạnh tranh marketing nữa.

DSC-1881.jpg


Yếu tố quan trọng nhất khiến G Pro X Superlight thành công đến thế chính là thiết kế của chuột. Hai kiểu cầm chuột phổ biến nhất hiện giờ là palm grip và claw grip đều có những sản phẩm riêng phục vụ từng đối tượng. Lấy ví dụ palm grip thì ngon nhất hiện giờ có DeathAdder V3 Pro hay Zowie EC2-CW. Claw grip có vài mẫu ra mắt gần đây cầm rất sướng, chỗ kê hai ngón áp út và ngón út được thiết kế rất có tính toán như Pulsar X2H, EndgameGear XM2we và Logitech G305 Lightspeed.

Còn G Pro X Superlight được thiết kế cong ở cả thân giữa lẫn nửa dưới chú chuột, cầm cả hai kiểu đều thoải mái. Mỗi người cầm chuột một kiểu khác nhau, nhưng món đồ chơi của Logitech lại cho phép tuyệt đại đa số có cảm giác cầm nắm thoải mái nhất. Dù là chuột thiết kế đối xứng, nhưng cạnh phải kê hai ngón tay vẫn rất thoải mái, còn cạnh trái thì không bao giờ sợ ấn nhầm hai nút phụ, đặc biệt là khi anh em gán hai nút ấy cho vài lệnh trong game, rút flash và smoke trong CS:GO, hoặc gán 2 skill trong Valorant chẳng hạn.


DSC-1870.jpg

DSC-1871.jpg


Yếu tố thứ hai, là khả năng vận hành của cảm biến và switch cơ học bên trong chú chuột. Cảm biến HERO tốc độ tối đa 25600 DPI cho đến giờ vẫn là một trong những cảm biến quang tốt nhất làng game trong vòng 3 năm trở lại đây, ở cả hai khía cạnh là khả năng theo dõi chuyển động và sai lệch DPI thấp nhất.

Có một vấn đề nhỏ trong việc xác định chênh lệch DPI thật so với DPI tùy chỉnh trong driver. Mỗi tấm lót chuột, với bề mặt khác nhau, có thể sẽ tạo ra sai lệch DPI khác nhau dù anh em xài cùng một chú chuột. Chưa kể, ở tốc độ chuột thấp, chênh lệch DPI luôn nhỏ đến mức rất khó phát hiện.

DSC-1874.jpg


Đấy có lẽ chính là lý do chơi game ở tốc độ chuột 400 rồi chỉnh sens in-game ở mức 2 được lựa chọn nhiều hơn việc set 800 DPI, sens 1 hay 1600 DPI sens 0.5, dù effective DPI trong cả ba trường hợp này đều là 800.


Thực tế thì luôn mất một khoảng thời gian để làm quen với chú chuột và lót chuột mới khi kết hợp với nhau, để có những pha vẩy tâm hoàn hảo nhất trong game, dựa trên kỹ năng và thói quen của từng người. Thành ra chênh lệch DPI chỉ có giá trị so sánh khi anh em đổi từ chú chuột này qua chú chuột khác, hoặc tấm lót này qua tấm lót khác, sẽ lại mất một khoảng thời gian để làm quen lại từ đầu.

image.png

image.png


Thứ dễ đo đạc hơn chính là độ trễ của từng cú click cho tới khi game nhận lệnh điều khiển nhân vật. Có một công cụ tên là Nvidia LDAT, đặt máy đo lên màn hình để kiểm tra xem từ lúc ấn nút đến lúc nổ súng, độ trễ của toàn bộ hệ thống là bao nhiêu. Đo độ trễ nút bấm của chuột thì chỉ cần đo thời gian từ lúc switch cơ học nhận tín hiệu điện cho tới khi hệ điều hành máy tính nhận được lệnh nhấn nút. Dù ra mắt được gần 3 năm, G Pro X Superlight vẫn sở hữu độ trễ đáng nể, 1.7ms.

Tinhte-Logi.png


Dù con số này khó so sánh được với những chú chuột đắt tiền vừa ra mắt thị trường trong năm 2022 và 2023, G Pro X Superlight vẫn là cái tiêu chuẩn, và vẫn là đối thủ đáng gờm của rất nhiều những sản phẩm mới từ các thương hiệu indie như Lamzu, Pulsar, Vaxee, Finalmouse và Glorious. Những chú chuột mới có thể rẻ hơn, nhẹ hơn, dùng cảm biến mới hơn, thời lượng pin lâu hơn, nhưng xét riêng độ trễ nút bấm, thì những chú chuột gaming đủ sức cạnh tranh được với G Pro X Superlight chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Giờ chúng ta mới nói được tới lợi thế về trọng lượng của G Pro X Superlight. Nhiều người cho rằng, chuột nhẹ quá kéo bị trơn, không quen tay. Nhưng giữa việc kéo chuột bị trơn rồi làm quen từ đầu, so với việc dùng chuột nặng quá, kéo trên mousepad bị ì, rồi mỗi lần ngắm bắn lại phải chỉnh thêm một chút cho tâm đặt đúng vị trí địch, thì chắc chắn mình chọn điều đầu tiên.

DSC-1885.jpg


Kết hợp độ nhẹ của G Pro X Superlight với những mousepad vải bề mặt control, ví dụ Razer Gigantus V2, Zowie GS-R và Artisan Hien, bề mặt lót chuột đủ ma sát để dừng chú chuột lại theo đúng ý người dùng, nhưng cùng lúc không cản tốc độ di chuột của anh em. Chuột nhẹ nên cảm giác kéo nhanh cũng không tốn nhiều sức. Cứ cho là anh em bỏ ra khoảng 2 tuần để làm quen với G Pro X Superlight trong game, mình nghĩ anh em sẽ không phàn nàn chuột nhẹ quá di dễ bị lố đà nữa.

DSC-1875.jpg


Nhưng, cũng trong khoảng thời gian 3 năm ra mắt, G Pro X Superlight, hay đúng hơn là những mẫu chuột gaming mới ra mắt đã dần dần khắc họa những nhược điểm mà chú chuột siêu nhẹ này cần phải nâng cấp và thay đổi.

Điều đầu tiên chính là tuổi thọ 50 triệu lần click của hai switch cơ học phía dưới hai nút chuột trái và chuột phải. Giờ tiêu chuẩn tuổi thọ số lần click chuột đã tăng lên tới ngưỡng 70 đến 90 triệu lần nhấn, nếu các hãng trang bị switch quang học thay vì cơ học. G Pro X Superlight bị double click là chuyện xảy ra tương đối thường xuyên. Rồi thì hai nút phụ ở cạnh trái chú chuột cũng cần nâng cấp. Anh em từng dùng chú chuột này đều nhận ra một điều, hai nút phụ này bấm vào khá khó chịu, không nảy và nhạy, trái lại hành trình pre-travel trước khi switch được kích hoạt khá dài.

DSC-1872.jpg


Vấn đề thứ hai là cổng kết nối. Thời điểm năm 2020 khi G Pro X Superlight ra mắt, số lượng chuột gaming không dây có kết nối USB-C rất ít, nếu mình nhớ không nhầm thì đáng kể đến nhất chỉ có Glorious Model O. Nhưng đến giờ chuột chơi game không dây nào cũng kết nối và sạc bằng cổng USB-C rồi, chỉ còn mỗi G Pro X Superlight là chưa được nâng cấp, vẫn dùng cọng cáp Micro USB. Theo những nguồn tin chưa chính thức thì đây là một thay đổi trong phiên bản sắp ra mắt, nên cũng không cần phải lo lắng nữa.

DSC-1880.jpg


Còn lại, hầu như tất cả những thứ khác, từ thiết kế, công năng, chỗ cất dongle bên dưới cục puck tròn, có thể thay đổi để xài dock sạc không dây cho chú chuột, hay cả dàn feet, mình đều có cảm giác không cần phải thay đổi trong phiên bản mới. Ngay cả thời lượng pin khoảng 70 giờ đồng hồ vẫn là con số rất ổn, không nhất thiết phải chạy đua với các hãng khác để đẩy con số đó lên 90 hay 100 giờ cho mỗi lần sạc đầy pin.

Bản chất chú chuột này nếu anh em cầm cảm thấy trơn lúc chơi game, hay di chuột không mượt như mong muốn, anh em hoàn toàn có thể lựa chọn những giải pháp của các hãng thứ 3. Nhờ doanh số và danh tiếng, G Pro X Superlight giờ có cả một mảng phụ kiện riêng dành cho nó, từ những miếng dán grip tape chống trượt, cho tới những bộ feet đa dạng về cả thiết kế lẫn chủng loại, từ PTFE cho đến thủy tinh của rất nhiều hãng, từ Pulsar, Tiger Ice đến Corepad.

G Pro X Superlight nếu có phiên bản mới nâng cấp so với bản ra mắt năm 2020, chắc chắn chú chuột này sẽ hạ giá. Ngay cả ở thời điểm năm 2023, nếu bỏ qua chuyện chuột sử dụng kết nối Micro USB, thì đây vẫn là một trong những mẫu chuột gaming tốt nhất trên thị trường. Đến cả những gamer chuyên nghiệp xuất sắc nhất thế giới đến tận thời điểm này vẫn còn tin dùng G Pro X Superlight để thi đấu cơ mà. Không thể chỉ vì một cái kết nối để sạc pin, mà bỏ qua tất cả những lợi thế và ưu điểm mà mình liệt kê trên đây được.
Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x
 
Bên trên