Mặt trăng đã bước vào kỷ nguyên mới, tất cả là lỗi của loài người

Mặt trăng cũng đã có kỷ nguyên Anthropocene tương tự Trái Đất, thật bất ngờ, điều đó cũng được xác định bởi hoạt động của con người.

Có lẽ bạn đã từng nghe nói về Anthropocene.

Anthropocene là một thuật ngữ do nhà hóa học khí quyển đoạt giải Nobel Paul Crutzen đặt ra vào năm 2000, để mô tả điều mà ông và một số nhà khoa học khác coi là một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới.

Nó được gọi là Kỷ nhân sinh, hay kỷ nguyên của loài người bắt đầu tính từ sau Cách mạng Công nghiệp. Anthropocene đặc trưng bởi sự thay đổi vĩnh viễn của cảnh quan thiên nhiên, và thế giới tự nhiên dưới bàn tay con người, một sự thay đổi không thể đảo ngược. Hay nói ngắn gọn thì Anthropocene là một kỷ nguyên trên Trái đất được đặc trưng bởi những thay đổi do con người gây ra đối với thế giới tự nhiên.



Mặt trăng đã bước vào kỷ nguyên mới, tất cả là lỗi của loài người- Ảnh 1.
Mặt trăng cũng đã có kỷ nguyên Anthropocene tương tự Trái Đất. Và thật bất ngờ, điều đó cũng được xác định bởi hoạt động của con người. (Ảnh: ISP)



Giờ đây, Mặt trăng cũng đã có kỷ nguyên tương tự như vậy. Và thật bất ngờ, điều đó cũng được xác định bởi hoạt động của con người.

Con người đã thay đổi bề mặt Mặt trăng đến mức các nhà nghiên cứu cho rằng, chúng ta nên đặt ra cái gọi là Anthropocene Mặt trăng. Các chuyến thám hiểm trong tương lai sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề này, khi tàu vũ trụ quay trở lại bề mặt Mặt trăng một cách thường xuyên hơn, và có kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng.

Các nhà nghiên cứu viết trên Tạp chí Khoa học địa chất tự nhiên rằng, việc đặt tên chính thức cho kỷ nguyên mới trên Mặt trăng sẽ có ý nghĩa quan trọng để làm rõ một điều rằng, bề mặt Mặt trăng cũng có thể bị con người thay đổi đáng kể, mặc dù nó ở rất xa chúng ta.


Họ cho rằng, kỷ nguyên Anthropocene Mặt trăng thậm chí có thể đã bắt đầu từ hơn 60 năm trước, khi tàu vũ trụ Luna 2 của Nga hạ cánh xuống Mặt trăng lần đầu tiên trong lịch sử. Sau đó, nhiều tàu vũ trụ lẫn phi hành gia đáp xuống Mặt trăng, để lại trên đó các quả bóng gôn, cờ và thậm chí cả phân người.

Tác giả chính của công trình mới, Justin Holcomb, một nhà nghiên cứu địa chất tại Đại học Kansas đã viết: “ Ý tưởng này rất giống với cuộc thảo luận về Anthropocene trên Trái đất – khám phá xem loài người đã tác động đến Mặt trăng đến mức nào”.

Holcomb cho biết, việc khám phá không gian trên Mặt trăng nên được thực thi, đi kèm với việc bảo vệ, bảo tồn các di sản nghiên cứu có trên Mặt trăng. Holcomb nói, quá trình du hành Mặt trăng đang bắt đầu lấn át thế giới địa chất tự nhiên trên Mặt trăng. Việc di chuyển trên bề mặt Mặt trăng sẽ làm ảnh hưởng đến trầm tích, và đá regolith trên Mặt trăng. Bởi khi xem xét tác động của máy thám hiểm, tàu đổ bộ và chuyển động của con người, nhóm chuyên gia thấy rằng, chúng có thể làm xáo trộn đáng kể lớp đất mặt của Mặt trăng.

Các chuyên gia kết luận, trong bối cảnh cuộc chạy đua không gian mới, quang cảnh Mặt trăng sẽ hoàn toàn khác sau 50 năm nữa. Nhiều quốc gia sẽ có mặt trên đó, dẫn đến nhiều thách thức nảy sinh hơn. Vì thế, cần có các cuộc thảo luận về tác động của con người lên bề mặt Mặt trăng trước khi quá muộn.
 
Bên trên