Mẹ đơn thân

Má tôi là mẹ đơn thân. Đây không phải là lựa chọn của má nhưng cuộc sống đưa đẩy, má một mình làm mẹ từ tuổi 23.

Lứa tuổi ấy, ở thời đại ấy - gần 40 năm trước - lại ở làng quê, nên quá khó để má tôi vượt qua cú sốc một mình nuôi con. Má khóc nhiều, có lúc nghĩ quẩn, rồi lại thôi. Đó là những gì má thú nhận mỗi khi nhắc về "kỷ niệm xưa".

Việc đơn thân nuôi con với má tôi rất vất vả. Phần vì ở quê không có việc gì kiếm được tiền, chỉ có vài sào ruộng, mưa nắng phụ thuộc ông trời, phần khác vì thể chất của má yếu đuối, hay bệnh. Tôi từng thấy những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt má, ướt đẫm, hòa cùng nước mắt trong những bữa làm việc quá cực nhọc giữa trưa hè. Phơi lúa, má một mình bưng bê, khuân vác mấy bao thóc, rồi một mình quay tới quay lui chống chọi với cái nắng. Hàng xóm có vợ có chồng, mỗi người một tay nên đỡ nhọc. Má tủi thân cũng phải.

Tôi cũng tủi thân mỗi khi nhìn vào gian nhà lụp xụp của mình. Tôi tủi khi có lần lên lớp, đề bài tập là "tả về ba của em, người mang đến cho em những hạnh phúc, niềm vui thường ngày, giản dị và ấm áp". Tôi khóc với má khi đọc đề bài, má cũng khóc, rồi nói tôi hãy tưởng tượng và viết về người ba con hằng mong ước.

Bài văn của tôi được 9 điểm. Mở bài tôi viết, đại ý: Em sinh ra đã không có ba. Má là mẹ nhưng cũng là ba. Do vậy, em có thể tả về một người ba đặc biệt là má của mình không? Và tôi đã mô tả tất cả những việc má làm, như một người đàn ông trong nhà. Tôi không thể tưởng tượng ra một người ba để tả, vì nó không thực và không hề có cảm xúc.

Chưa có thống kê mới nhất về hiện trạng trẻ sinh ra không có ba, lớn lên trong tình trạng đơn thân nuôi con của một người mẹ. Thực tế làm mẹ đơn thân đã là một phần, và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong cuộc sống này. Nguyên nhân có thể giống như gia đình tôi, tình yêu dang dở của má và tôi là kết quả. Cũng có thể, vì hôn nhân không hạnh phúc, đứa trẻ sớm "mất cha" dù bố nó vẫn tồn tại đâu đó. Trong một số trường hợp, là vì phụ nữ không muốn kết hôn, ngại lập gia đình nhưng vẫn muốn có con, họ chủ động trở thành mẹ đơn thân.

Tỉ lệ độc thân chiếm khoảng 2,5% dân số Việt Nam, trong đó chủ yếu là nữ giới, chiếm 87,6%.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ ly hôn mỗi năm. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn 25%, nghĩa là trong bốn đôi đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa. Ly hôn dưới 30 tuổi chiếm tỉ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước. Ly hôn và chọn sống độc thân cũng dẫn tới khả năng số lượng mẹ đơn thân tăng lên trong xã hội hiện đại, nhất là khi phụ nữ ngày càng độc lập về tài chính.

Cách đây vài năm, trong chuyến thiện nguyện, tôi gặp một người mẹ đơn thân tại một bệnh viện. Con gái bệnh, cần thời gian điều trị lâu dài nên chị buộc phải nghỉ làm để chăm con. "Vậy thì khó khăn quá, có ai giúp chị không?", câu hỏi buột miệng của một tình nguyện viên khiến chị bật khóc. Nhìn cảnh ấy tôi rất đồng cảm, hiểu được gánh nặng của một người mẹ đơn thân vì má tôi cũng từng như thế.

Chọn có con, trở thành bố mẹ của một đứa trẻ là lựa chọn thiêng liêng, cũng là công việc khó khăn nhất của một đời người. Vì thế cần chuẩn bị nhiều thứ, kể cả học hỏi công việc làm mẹ kỹ càng. Thế nhưng, có những người bị động trở thành mẹ đơn thân, họ phải vừa học vừa hành. Có lúc chông chênh nhưng vẫn phải kiên cường, vì con.

Nể phục những người mẹ dũng cảm nhưng tôi không bao giờ muốn người phụ nữ nào phải giỏi như má mình. Thực lòng, cũng không muốn phụ nữ nào phải lặng lẽ khóc một mình như hình ảnh người mẹ đơn thân tôi gặp trong bệnh viện năm nào. Phụ nữ dù sao cũng cần được sẻ san và dù có giỏi bao nhiêu, một mình nuôi con cũng vất vả vô cùng.

Ở tuổi ngoài 60, má tôi đã buông bỏ những muộn phiền quá khứ, hiểu được nhân duyên trong đời, mỗi người phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn riêng. Có lẽ nhờ vậy mà má hạnh phúc hơn, có nụ cười tròn đầy hơn.

Chủ nhật vừa rồi là Ngày của Mẹ, được nhiều nước trên thế giới dành để ca tụng tình yêu và sự hi sinh của mẹ trong việc sinh ra, nuôi dạy những đứa trẻ. Cùng với lễ Vu Lan, người Việt đã dần quen với việc bày tỏ tình cảm với mẹ trong dịp này. Được nuôi dạy và lớn lên bởi một người mẹ đơn thân, với tôi, ngày này còn là sự trăn trở trước thực tế: làm mẹ đơn thân, dù bị động hay là một lựa chọn chủ động, đều không phải là điều dễ dàng.

Cư Sĩ: Lưu Đình Long
 
Bên trên