Miền Tây mờ ảo trong sương sớm

Nguyễn May

Well-known member
Đầu tháng 12, thời tiết ở các tỉnh miền Tây thường mát mẻ và xuất hiện sương mù vào sáng sớm, tạo nên khung cảnh mờ ảo "hiếm có" trong năm.


Sương giăng trên cánh đồng và những rặng dừa thuộc ấp Cây Dương, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Bộ ảnh sương phủ nơi miệt vườn được nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tuấn, sống và làm việc tại Trà Vinh ghi lại, hôm 6/12.


Một góc làng quê trong sương sớm.

''Sương xuất hiện sau những cơn mưa cuối mùa vào tháng 11. Săn sương phải chuẩn bị từ sáng sớm, chụp tới 7h sáng là lý tưởng'', anh Tuấn cho biết.

Ấp Cây Dương, cách thành phố Trà Vinh hơn 35 km. Người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Vùng đất với những cánh đồng rộng mênh mông được xem là vựa lúa của huyện Châu Thành.

Ghe chở trái cây đi qua kênh ở xã Thanh Mỹ lúc bình minh, hai bên là những vườn dừa sương phủ la đà.


Khi Mặt Trời lên cao, lớp sương mỏng vẫn phủ trên cánh đồng xã Thanh Mỹ. Ánh nắng xuyên qua làm lộ các hàng dừa và cánh đồng lúa, tạo nên khung cảnh làng quê "tuyệt đẹp", theo anh Tuấn.

Thiền viện Trúc Lâm và trung tâm TP Sóc Trăng sáng sớm 1/12, làn sương xuống thấp và tan chậm, theo nhiếp ảnh gia Huỳnh Phương.
Vào mùa sương, khung cảnh TP trở nên mờ ảo hơn. Tuy nhiên, để có được những khoảnh khắc ấn tượng, người yêu nhiếp ảnh phải đi xa hơn, đến khu vực nhiều cây cối ven sông hoặc vùng ngoại ô. Trong thành phố, "thiền viện là nơi săn sương quen thuộc", anh Phương nói.
Theo trang tin điện tử tỉnh Sóc Trăng, Thiền viện Trúc Lâm là điểm đến không thể thiếu khi du khách đến tham quan tỉnh. Thiền viện được xây dựng năm 2017, diện tích gần 6 ha, mang kiến trúc Phật giáo Lý - Trần ít thấy ở miền Tây, khuôn viên nhiều cây xanh bao phủ.

Khung cảnh sương giăng trên sông Maspero, những cây cầu, nhà cửa ở thành phố Sóc Trăng.
Sông Maspero không chỉ có ý nghĩa thủy lợi, mà còn gắn bó với đời sống đồng bào Khmer trong vùng, là nơi người dân thả đèn hoa đăng và tổ chức đua ghe ngo quy mô lớn mỗi mùa lễ hội.


Tại An Giang, nhiếp ảnh gia Dương Việt Anh, sống tại địa phương, chia sẻ khung cảnh sương phủ chùa Vạn Linh trên núi Cấm, Tịnh Biên, sáng 7/12. "Cảnh vật hiện ra trong sương như chốn bồng lai", anh Việt Anh cho biết.
Thị xã Tịnh Biên cách thành phố Long Xuyên 70 km, được mệnh danh là "Đà Lạt của miền Tây". Dãy núi Cấm trong vùng hay Thiên Cấm Sơn cao 715 m là ngọn núi thiêng với người dân trong vùng. Nơi đây cũng là địa chỉ du lịch thu hút khách với Vồ Bồ Hong, hồ Thủy Liêm, khu du lịch núi Cấm và các món bò cùng ẩm thực Khmer.

Cánh đồng Chi Lăng là nơi ngắm, săn mây lý tưởng với khoảnh khắc tia nắng xuất hiện xuyên qua những hàng thốt nốt - giống cây đặc trưng của An Giang. Cánh đồng Chi Lăng là một trong những điểm săn sương ở An Giang được nhiều nhiếp ảnh gia lựa chọn.
Đến An Giang cuối năm ngoài săn sương núi Cấm, Chi Lăng, du khách có thể leo núi, cắm trại vì thời tiết khô ráo, tầm nhìn rõ toàn cảnh đồng bằng từ trên núi.

Tại Văn Giáo thuộc thị xã Tịnh Biên, khi nắng lên, người dân ra đồng, lớp sương mỏng vẫn vờn quanh núi tạo nên khung cảnh làng quê vùng biên thơ mộng, bình yên. Tháng 12 cũng là mùa vàng ở An Giang, nông dân ra đồng thu hoạch lúa từ sáng sớm.

Anh Dương Việt Anh cho biết các điểm như "thốt nốt sinh đôi" hay "hàng thốt nốt huyền thoại" tại xã Văn Giáo là nơi có thể vừa săn sương vừa săn mùa vàng trên những cánh đồng thẳng tắp vào tháng 12.

"Du khách có thể tìm những điểm này trên bản đồ, đường đi thuận lợi", Việt Anh nói thêm.
 
Bên trên