Mỗi người có một chiếc smartphone sẽ thúc đẩy phổ cập chữ ký số

Hải Vy

Well-known member
Việc phổ cập smartphone tới từng người dân và Internet cáp quang tới từng hộ gia đình sẽ là điều kiện cần, để tạo môi trường cho chữ ký số phát triển.
Theo số liệu của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC, Bộ TT&TT), Việt Nam hiện có 23 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng). Trong 2,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động, lượng chứng thư số cá nhân chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 23%.
Để tăng lượng người sử dụng chữ ký số cá nhân, đã có nhiều ý tưởng được đề xuất như giảm phí sử dụng, kích cầu từ phía người dân. Tuy vậy, theo một số đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số, cần thực hiện song song, đồng bộ thêm nhiều giải pháp khác mới có thể giải được câu chuyện này.
Một người dân đang đăng ký sử dụng chữ ký số cá nhân. Ảnh: Trọng Đạt
Phổ cập smartphone sẽ tăng người dùng chữ ký số
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện MISA - đơn vị phát triển phần mềm chữ ký số Misa eSign cho rằng, cần có thêm các chính sách để khuyến khích mỗi người dân có một chiếc điện thoại thông minh, mỗi gia đình đều có Internet. Đây là điều kiện cần để các CA công cộng thuận lợi triển khai chữ ký số cho người dân.
Đề xuất thêm, đại diện MISA cho hay, Chính phủ cũng cần đưa ra những chương trình hành động đồng hành cùng các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số, giúp họ chủ động tiếp cận và cấp chữ ký số cho người dân. Song song với đó, Chính phủ cần hoàn thiện luật pháp và chính sách, đẩy mạnh việc số hóa toàn hệ thống hành chính và mở rộng phạm vi sử dụng chữ ký số trong thủ tục hành chính công.
Số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam sử dụng cáp quang Internet hiện đạt 76,9%, tương đương 20,8 triệu hộ. Việt Nam hiện có khoảng 101 triệu thuê bao di động sử dụng smartphone. Những chỉ số này đang dần cải thiện khi Bộ TT&TT hướng đến mục tiêu mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc smartphone và mỗi hộ gia đình có một đường truyền cáp quang Internet.
Trước đó, Bộ TT&TT đã có công văn về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Mục tiêu là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ di động này. Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất. Theo đó, các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Động thái tắt sóng 2G của Bộ TT&TT sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ phổ cập smartphone tại Việt Nam. Điều này cũng tạo ra tiền đề cần thiết để dịch vụ chữ ký số ngày càng trở nên phổ biến.
Việc phổ cập smartphone sẽ tạo tiền đề giúp tăng tỷ lệ người dùng chữ ký số. Ảnh: Trọng Đạt
Chữ ký số phải trở thành dịch vụ viễn thông thiết yếu
Tập đoàn VNPT đang triển khai chương trình cung cấp chữ ký số từ xa VNPT SmartCA, để thực hiện các giao dịch điện tử bằng chữ ký số trên cổng dịch vụ công.
Chia sẻ về thực tế triển khai dịch vụ chữ ký số, đại diện VNPT cho hay, khó khăn mà đơn vị này gặp phải là hầu hết các thủ tục hành chính đều là các nghiệp vụ chưa yêu cầu ký số trên form đăng ký và tài liệu đính kèm. Chữ ký số mới chỉ được sử dụng để đăng nhập vào cổng dịch vụ công và một số ít các thủ tục dành cho doanh nghiệp. Do vậy, người dân chưa có môi trường để sử dụng chữ ký số, mặc dù đã được cấp miễn phí.
Theo đại diện VNPT, có 2 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Nguyên nhân khách quan là bởi thói quen của người dân trong việc làm các thủ tục hành chính thông qua bộ phận một cửa. Bên cạnh đó, người dân chưa cảm thấy họ nhận được nhiều giá trị (thời gian, công sức, chi phí...) do việc sử dụng chữ ký số mang lại.
Nguyên nhân chủ quan là bởi chi phí hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt, sử dụng chữ ký số còn cao. Ngoài chi phí sản xuất, các CA công cộng cũng phải huy động một lượng nhân sự lớn để hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, sử dụng dịch vụ.
VNPT đề xuất đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số để xác nhận yêu cầu của công dân khi thực hiện các giao dịch trên cổng dịch vụ công, đặc biệt là đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, từ đó tạo môi trường thúc đẩy đưa người dân lên môi trường số.
Góp ý với cơ quan quản lý Nhà nước, VNPT mong muốn Chính phủ xem xét đưa chữ ký số vào danh mục các dịch vụ viễn thông thiết yếu và có chính sách hỗ trợ các nhà cung cấp nhằm phổ cập dịch vụ này đến toàn dân.
Việc phổ biến chữ ký số cá nhân sẽ giúp người dùng thuận tiện hơn trong các giao dịch điện tử.
Ở góc độ của một nhà cung cấp dịch vụ, theo MobiFone, để phổ cập chữ ký số, một mặt, Nhà nước cần có chủ trương, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận người dùng theo tiêu chí việc làm, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính… đảm bảo việc triển khai dịch vụ hiệu quả.
Mặt khác, Nhà nước cần nhanh chóng chuyển đổi số các dịch vụ công, tạo điều kiện và cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ CNTT trên thị trường có thể mở rộng nền tảng công nghệ cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Điều này sẽ tạo ra môi trường để người dân ứng dụng dịch vụ chữ ký số cá nhân.
Góp thêm ý tưởng, đại diện Trung tâm dịch vụ chữ ký số FPT (FPT CA) mong muốn, cần làm sao để mỗi người dân chỉ cần sở hữu một chữ ký số nhưng có thể dùng được với nhiều dịch vụ khác nhau. Điều này sẽ giúp người dùng cảm thấy thuận tiện khi sử dụng các chứng thư số.
Thực tế cho thấy, chữ ký số đang là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội quan tâm. Đây cũng là lý do các nội dung liên quan đến chữ ký số trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được trao đổi, thảo luận tích cực trên nghị trường Quốc hội.
Trong Chỉ thị số 18 được ban hành mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo riêng về chữ ký số. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT thúc đẩy ứng dụng giải pháp xác thực thông tin trên nền tảng Căn cước công dân để bảo đảm chính xác danh tính chủ thể đăng ký cấp chứng thư số, dịch vụ viễn thông, tên miền.
Trích theo: Trọng Đạt
 
Bên trên