Món canh giải nhiệt từ cua đồng

THANHLINH

Well-known member
Cua đồng nấu với rau mồng tơi, rau ngót, rau muống riêu, có tác dụng giải nhiệt cơ thể, kích thích ăn uống, dễ tiêu hóa.

Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, cho biết trong 100 g cua đồng bỏ mai và yếm có 74,4 g nước, 12,3 g protid, 3,3 g lipid, 2 g glucid; giàu vitamin và muối khoáng, canxi. Trong Đông y, cua đồng vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương.

Món ăn từ cua đồng phù hợp với những ngày hè oi nóng.

Canh cua đồng mồng tơi
Rửa sạch rau mồng tơi rồi cắt nhỏ. Cua rửa sạch, giã nhỏ, đổ thêm nước vào cua đã giã rồi dùng tấm vải mỏng hoặc lưới bé để lọc lấy nước nấu. Tiếp theo, cho nước cua đã lọc vào nồi, thêm gia vị và quấy đều tay đến khi nước sôi thì vớt hết thịt cua, tránh không nên để gạch chín quá. Sau đó, cho gạch cua, rau mồng tơi vào nồi, đun sôi lần nữa thì đổ thịt cua lên trên bề mặt và tắt bếp.

Canh cua đồng rau muống
Chuẩn bị một bó rau muống, 300 g cua đồng, hành, mắm tôm. Ngâm cua vào nước trong 30 phút để nhả sạch bùn đất rồi xóc và rửa lại nhiều lần nước cho sạch. Bóc mai cua khều lấy gạch, để riêng, bỏ yếm, cho cua vào cối giã nhuyễn rồi lọc lấy nước. Rau muống nhặt bỏ phần cọng già, lá héo, rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ.

Tiếp theo, phi hành tím với một ít dầu rồi cho gạch cua vào xào, nêm ít nước mắm, cho ra bát nhỏ. Bắc nồi nước lọc cua lên bếp đun, để lửa bé, nấu đến khi sôi thì vớt thịt cua nổi lên ra. Cho rau muống cùng một thìa mắm tôm vào, tiếp đến là cho phần thịt cua, rưới gạch cua lên trên và tắt bếp.

Canh cua đồng rau ngót
Chuẩn bị 300 g cua đồng xay, hai bó rau ngót tuốt lấy lá. Cua xay cho nước vừa xâm xấp vào, khuấy đều cua tan ra. Khi bã cua lắng xuống đáy thì gạn lấy nước cua đổ ra nồi, đun sôi, bỏ rau ngót vào, nêm nếm vừa khẩu vị.

Canh cua đồng khoai sọ rau rút

Chuẩn bị 600 g cua đồng, 500 g khoai sọ, một bó rau rút. Cua đồng chọn con vừa, chắc thịt và béo, đem ngâm, rửa sạch cát, xé lấy thịt. Sau đó, xóc chút muối hạt, đem giã tay hoặc dùng máy xay nhuyễn, lọc lấy nước cua. Gạch cua khều xong để riêng ra bát. Khoai sọ rửa sạch rồi luộc chín, bóc vỏ, bổ làm ba. Rau rút nhặt sạch, bỏ đi cọng già, ngắt từng đoạn dài 3-4 cm, rửa sạch rồi để ráo.

Tiếp theo, đặt xoong nước cua lên bếp, khuấy theo một chiều đều tay, đun to lửa. Khi thịt cua nổi lên thì hớt ra bát và để riêng. Cho khoai sọ vào canh trước, tiếp đến là rau. Canh cua sôi, rau chín tới thì bắc ra bên ngoài, nêm mì chính vào khuấy đều.

Tiếp tục bắc chảo lên bếp, phi thơm hành khô băm, trút gạch cua vào đảo kỹ rồi đổ gạch vào xoong canh cua rau rút, múc canh ra bát, đặt thịt cua lên trên mặt khoai và rau, rưới lên một chút gạch cho đẹp.

Canh riêu cua đồng
Chuẩn bị 200-300 g cua đồng, cà chua, me chua, hành khô, hành lá và rau sống ăn kèm. Nên chọn cua cỡ vừa, bóc vỏ mai, lấy gạch, thịt để riêng. Cà chua bổ múi cau, hành, dăm, thì là thái nhỏ.

Cho cua vào máy xay với lượng nước vừa đủ, xay nhuyễn và lọc bỏ lấy nước trong. Đặt nồi nước cua lên bếp đun nhỏ lửa. Khi nồi riêu sôi bỏ hai quả me chua vào đun đến khi me chín nổi lên, vớt chắt lấy nước chua bỏ vỏ. Phi thơm hành khô băm nhỏ rồi cho cà chua vào xào chín tới.

Đổ phần cà chua đã phi thơm vào nồi nước riêu khi đang sôi, nêm gia vị vừa miệng. Đun thêm khoảng 5 phút. Khi nồi riêu đã chín, thêm hành, rau răm.

Lưu ý: Cua đồng sống ở trong khe núi, kênh, rạch, bờ ruộng nên có thể chứa nhiều vắt, đỉa, giun sán gây bệnh cho người. Phụ nữ có thai tránh ăn cua đồng. Người đau ốm mới khỏe, hệ thống tiêu hóa còn yếu, bị tiêu chảy, huyết áp cao, bệnh tim mạch, cần hạn chế dùng.

Nên ăn cua cùng lá tía tô, gừng để làm giảm bớt tính hàn. Người bị dị ứng với hải sản, nên cẩn thận. Khi chế biến cua, cần nấu chín để tránh nguy cơ nhiễm sán, ký sinh trùng gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, đặc biệt là bệnh sán lá phổi.
 
Bên trên