Món ngon miền Tây: Người mưu sinh xa quê bồi hồi 'gặp' lại bún cá Châu Đốc

Duy Minh

Well-known member
Trong rất nhiều thứ gợi nhớ tình quê, mùi bún cá là một trong những thứ mà tôi lưu luyến nhất và hình như bất cứ người con Châu Đốc nào cũng thế.

Tôi thuộc nhóm những người sinh ra và trưởng thành tại Châu Đốc (An Giang) nhưng rời quê mưu sinh xứ khác. Hơn 20 năm được Sài Gòn cưu mang, tôi rất yêu mảnh đất này, dẫu vậy, như bao người con xa quê khác, nỗi nhớ quê luôn âm ỉ và chực chờ.

Có khi chạy ngang một con đường lạ của một quận vùng ven Sài Gòn, tôi chợt nghe mùi bún cá dạt dào, nỗi nhớ quê bùng lên...

Châu Đốc là đô thị trung tâm của rất nhiều huyện và xã. Món bún cá coi vậy mà có nhiều mùi vị khác nhau. Điều này, chỉ có người địa phương tinh tế mới phân biệt được. Ngay tại Châu Đốc cũng có sự khác nhau về mức độ đậm đà của vị và mùi thơm. Điều này tùy thuộc vào kỹ năng của người nấu, dù về cơ bản vẫn là những nguyên liệu giống nhau, nên nồi bún cá nào cũng có mùi thơm thông mũi của thảo dược tổng hợp của ngải bún, nghệ, sả, và phảng phất mùi mắm ruốc.

Sự khác nhau còn do có nơi chỉ bán thuần cá gồm thịt và đầu cá lóc, nhưng có nơi còn ăn kèm thịt heo quay da giòn, chả lụa, hột vịt lộn. Những thứ topping này làm tô bún cá thêm sinh động về mùi và vị. Tưởng tượng xem, ăn tô bún thơm, thịt cá ngọt thanh rồi xen vào miếng da heo giòn rụm beo béo thì quả là thú vị.
3302090467575742657997141614216632481954694n-16777444887872082423961.jpg

Hay là cái vị bùi của chả lụa hoặc vị ngọt bùi của hột vịt lộn. Về nước chấm, có nơi chỉ thuần nước mắm trong nhưng có nơi để thêm muối ớt, nước me và mắm ruốc pha loãng để thực khách tùy nghi pha chế. Ừ thì chấm miếng cá vào mắm trong dầm ớt thơm và cay, nhưng nếu chấm thịt cá vào muối ớt thì vị mặn nó khác, có vẻ như cô đặc, còn nếu chấm thịt cá vào mắm pha nước me chua ngọt thì có thể ăn thêm phần bún nữa. Cái dĩa rau của bún cá chỉ đơn giản là giá, rau muống bào và bông điên điển. Bông điên điển với vị nhẫn nhẫn có hậu ngọt và thơm thơm là thứ gì đó níu sự nhớ nhung trong lòng thực khách.

Tô bún cá ở Châu Đốc rất ngon với người địa phương, và vừa ngon vừa lạ với du khách thập phương. Thế nhưng, cái vị bún cá ở quê ngoại tôi, cù lao Vĩnh Trường, cách Châu Đốc 20km mới là thứ bám vào ký ức. Quê ngoại tôi nghèo, nên người đầu bếp nấu nướng rất đơn giản hơn ở chợ. Những người phụ nữ nhà quê nấu bún bằng củi trên cái lò đất nung. Thường thì họ nấu bằng cá linh. Đơn giản vậy thôi, nhưng có lẽ cái mùi củi đã ám vào nước lèo cho ra một mùi hương rất lạ mộc mạc, bình dân mà gây nhớ.

Một người sức vóc như tôi, không thể nào chỉ ăn một tô bún cá nhà quê vì nó quá ít đạm, chỉ vài miếng thịt cá linh mỏng. Thông thường, tôi phải ăn 3 tô, để vừa nguôi nhớ vừa tận hưởng mùi thơm không thể giải thích thành lời.

Có một dạo, gần 1 năm tôi không thể về quê. Bỗng dưng cơn thèm bún cá thôi thúc. Lấy xe chạy vòng vòng Sài Gòn tìm quay quắt không thấy. Bỗng một ngày không cần tìm kiếm, tôi phát hiện ra quán bún cá Châu Đốc vỉa hè ngay ngã tư Hai Bà Trưng và Võ Thị Sáu. Vội vàng tấp vào ăn thì nhận ra người bán là hàng xóm cùng quê. Thế là hai kẻ xa quê có dịp hàn huyên, ôn lại kỷ niệm quê nhà. Đó là nơi mà sau này tôi ghé đến ăn hằng tháng.

Vài năm gần đây, bún cá Châu Đốc xuất hiện ngày càng nhiều ở Sài Gòn. Có quán giữ lại nguyên vị Châu Đốc, có quán linh hoạt gia vị để hạp khẩu vị 3 miền, nhưng nhìn chung nơi nào cũng ngon.

3300453374841321739171391661045635772886592n-16777444878171402429146.jpg

Còn giờ đây, nơi tôi thường ăn là quán vỉa hè gần nhà ngay trên đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh. Đây cũng là quán của một đôi vợ chồng người Châu Đốc trực tiếp nấu, nên mùi vị rất quen. Hiện tại, tôi ăn món bún cá Châu Đốc không chỉ là vì nhớ mùi quê, mà còn vì đây là món ăn tốt cho sức khỏe, dễ tiêu hóa nhờ thịt cá không có chất béo xấu và nghệ, sả, và ngải bún là những thảo dược kích thích tì vị. Ăn vào buổi nào cũng không sợ nặng bụng hay thừa calo.
 
Bên trên