Mùa dâu tằm chín đỏ ở ngoại thành Hà Nội

Võ Xuân Trường

Well-known member
Mùa dâu tằm chín đỏ ở ngoại thành Hà Nội

Cứ từ khoảng cuối tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, các bãi đất cạnh sông Đáy của xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) lại đỏ rực mùa dâu tằm chín.
Lúa vừa cứng cây, người dân trong xã Hiệp Thuận hối hả ra bãi để thu hoạch dâu đem bán, cung cấp cho thị trường đến vài tấn quả tươi. Thời gian thu hoạch dâu tằm ngắn, nhưng sau mỗi vụ, người dân trồng dâu ăn trái có thể thu về đến hàng chục triệu đồng.
Một vườn dâu ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Lê Tuyến
Cũng như chủ các vườn dâu khác, bà Đỗ Thị Minh (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ) cũng tranh thủ từng giờ ở bãi dâu để thu hoạch. Vườn nhà bà Minh có gần 40 gốc. Bà có người thân vặt phụ vì dâu chín rộ rất nhanh, nếu không thu hoạch kịp sẽ bị chín quá và rụng.
Theo bà Minh, dâu ăn trái dễ trồng hơn nhiều so với đậu tương, lạc, cũng không phải vất vả chăm bón như lúa.
“Để cho cây sai quả thì phải vặt lá, cưa nhánh, uốn nhành cho cây nứt nhánh. Cuối năm bón phân để cây ra lộc, ra hoa”, bà Minh nói.
Cây dâu khi mới trồng phải tầm năm thứ hai trở đi mới cho thu hoạch, hoa ra vào tháng Chạp âm lịch. Tháng thu hoạch dâu chín cũng chính là tháng vất vả nhất vì hầu như ngày nào người dân cũng phải ở bãi dâu từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn.
“Hôm nay quả dâu chín đỏ thì chỉ độ 2 - 3 ngày là sẽ chuyển chín đen, tôi và gia đình vặt không xuể”, bà Minh vừa thoăn thoắt hái vừa trò chuyện.
Bà Đỗ Thị Minh thu hoạch dâu tằm. Ảnh: Lê Tuyến
Nắng đầu hè đổ thẳng xuống bãi dâu rộng mênh mông. Người dân đi hái dâu phải vừa đi vừa cúi bởi tán dâu thấp, cành tua tủa đan xen. Nóng nực, mỏi lưng, mỏi gối, nhưng bà Minh và người dân trong bãi ai cũng vui vì năm nay dâu được mùa, cành nào cũng sai trĩu quả.
“Ngoài chăm bón, thời tiết thuận lợi, ít sương muối, mưa không quá nhiều sẽ giúp cây tăng sản lượng. Còn trong tháng thu hoạch, càng nắng to, chất lượng quả càng ngọt đậm”, bà Minh nói thêm.
Dâu được hái cho thương lái cân thường là những quả chín vừa, không chọn những quả chín đen để đảm bảo dâu không bị nát, hỏng khi vận chuyển đi xa. Ngoài ra, người dân trong bãi bật mí, hái dâu càng khéo càng đảm bảo chất lượng quả đến đến tay người tiêu dùng.
Từng quả dâu được các cô, các bà chọn và hái cẩn thận bằng cách đẩy nhẹ nhàng cuống quả ngược lên để tránh làm quả dập nát.
Dâu sau khi thu hoạch được thương lái đến thu mua tận vườn. Ảnh: Lê Tuyến
Dâu sau khi thu hoạch được thương lái đến thu mua tận vườn. Ảnh: Lê Tuyến
Năm nay dâu được mùa, giá dao động từ khoảng 12.000 - 17.000 đồng/kg, thấp hơn so với năm ngoái khoảng 5000 - 7.000 đồng. Trung bình mỗi ngày một người vặt được khoảng 30 cân. Nếu giá ổn định, gia đình bà Minh có thể thu về từ 30 - 40 triệu đồng sau khi hết vụ.
Anh Ngô Văn Đức (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thương lái thu mua dâu tằm cho biết, đây là loại quả dân dã được người dân ưa chuộng.
“Càng về cuối vụ, giá dâu sẽ càng tăng vì không có hàng bán. Tôi phải tranh thủ vừa thu mua vừa giữ mối với chủ vườn để cuối mùa có đủ số lượng bán”, anh Đức kể thêm.
Dâu tằm là loại quả mọng, chua nhẹ, ngọt nhiều, thích hợp để giải nhiệt mùa hè. Ngoài được dùng để ăn trực tiếp hoặc ngâm đường làm siro, dâu tằm còn có thể làm kẹo, làm mứt, làm bánh...
Dâu tằm chín rất nhanh, chỉ thu hoạch chậm một hai hôm là trái rụng. Ảnh: Lê Tuyến
Dâu tằm chín rất nhanh, chỉ thu hoạch chậm một hai hôm là trái rụng. Ảnh: Lê Tuyến
Từng là loại cây tưởng như chỉ còn để làm hàng rào, nhiều năm gần đây, nhờ công chăm sóc, lại canh tác trên nền đất có lượng phù sa sông Đáy giàu dinh dưỡng, khoảng 6ha dâu tằm của cả xã đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã Hiệp Thuận. Ngoài bán quả, người dân còn bán được cành hoặc đi hái thuê dâu trong vụ với giá khoảng 200.000 đồng/ngày.
Hiện các vườn dâu chưa phát triển du lịch. Nếu muốn tham quan và mua dâu, du khách có thể hỏi người địa phương đón vào vườn.
Vườn dâu tằm ở ngoại thành Hà Nội đang độ chín đỏ trĩu cây. Ảnh: Lê Tuyến
Vườn dâu tằm ở ngoại thành Hà Nội đang độ chín đỏ trĩu cây. Ảnh: Lê Tuyến
 
Bên trên