Võ Xuân Trường
Well-known member
Mục sở thị kiến trúc chùa Tây Phương - ‘đệ nhất cổ tự’ của Hà Nội
Chùa Tây Phương không chỉ có không gian thanh tịnh giữa thiên nhiên khoáng đạt, mà còn sở hữu hệ thống tượng gỗ hàng trăm tuổi, kiến trúc chạm khắc tinh xảo.
Chùa Tây Phương, hay còn gọi là Sùng Phúc tự nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40 km. Chùa Tây Phương nổi tiếng không chỉ ở kiến trúc cổ kính mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu, bốn bề chùa Tây Phương là đồng bằng màu mỡ, có núi có sông – một địa thế đẹp gắn liền với quan niệm phong thủy phương Đông.
Xung quanh chùa có những bức chạm trổ hoa sen, hoa cúc, rồng phượng, hổ phù vô cùng tinh xảo. Đây là kiệt tác từ bàn tay của các nghệ nhân tài hoa ở làng Chàng Sơn – làng nghề mộc nổi tiếng lâu đời.
Ngoài lễ Phật cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi, du khách còn đến chùa Tây Phương để tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh, tìm sự yên bình thanh tịnh trong tâm hồn.
Để lên chùa, du khách cần phải leo qua hơn 200 bậc thang đá ong rêu phong. Chùa Tây Phương là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.
Tây Phương có hệ thống tượng pháp đồ sộ, với những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo.
Chùa sở hữu 64 pho tượng với các bức phù điêu quý giá, 16 pho tượng Tổ, bộ Tượng Tam Thế Phật, bộ 18 vị La Hán với những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố. Có thể khẳng định Tây Phương là một bảo tàng về tượng Phật giáo Việt Nam.
Những công trình kiến trúc cũng như hệ thống tượng điêu khắc, tượng gỗ ở chùa gần như được giữ nguyên vẹn, mang nét cổ kính xưa cũ. Một số chi tiết tại chùa lộ rõ dấu ấn của thời gian. Với những giá trị văn hóa, thẩm mỹ to lớn, năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Chính hội chùa Tây Phương diễn ra vào ngày 6.3 Âm lịch kéo dài đến ngày 10.3, nhưng trước đó đã có nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian được tổ chức như kéo co, đánh cờ, vật, chọi gà, rối nước, hát xứ Đoài… thu hút không chỉ khách du lịch trong nước mà còn cả nước ngoài.
Cùng với đó, những nghi thức cúng Phật trang nghiêm như lễ mộc dục, chạy đàn, tụng kinh, kế hạnh… cũng tạo bầu không khí nhộn nhịp, rộn ràng cho người dân, du khách thập phương.
Khi đến chùa, du khách nên chú ý lựa chọn trang phục cho phù hợp, chuẩn bị lễ vật gọn nhẹ, không cầu kỳ gây lãng phí. Đặc biệt, chùa thờ Phật nên không dâng đồ mặn.
Chùa Tây Phương không chỉ có không gian thanh tịnh giữa thiên nhiên khoáng đạt, mà còn sở hữu hệ thống tượng gỗ hàng trăm tuổi, kiến trúc chạm khắc tinh xảo.