Musk lý giải việc đổi tên Twitter

Từ Minh Quân

Well-known member
Elon Musk nói tên gọi Twitter chỉ vui khi những tin nhắn dài 140 chữ được gửi qua lại như tiếng chim hót, còn giờ là lúc biến nó thành siêu nền tảng.

Sáng 24/7, một ngày sau khi Elon Musk tuyên bố đổi tên Twitter thành X, người đi qua số 1355 Market Square, San Francisco - trụ sở chính của công ty - đã bắt đầu thấy công nhân tháo dỡ "chim xanh" khỏi tòa nhà.

Nhân viên Twitter tháo dỡ bảng hiệu cũ sau khi Musk tuyên bố đổi tên mạng xã hội này thành X. Ảnh: Reuters

Công nhân tháo bảng hiệu cũ sau khi Musk tuyên bố đổi tên mạng xã hội thành X. Ảnh: Reuters

Việc đổi thành X khiến nhiều người tò mò, một số người dùng trung thành thậm chí nổi giận khi những hình ảnh thân thuộc như logo chim xanh bị thay bằng chữ X đơn điệu.

Trước phản ứng của cộng đồng, Musk giải thích: "Đây không đơn giản là việc một công ty tự đổi tên, mà là sứ mệnh phải tiếp bước. Cái tên Twitter chỉ có nghĩa khi là những dòng tin dài tối đa 140 ký tự được gửi qua lại - như tiếng chim hót. Nhưng những tháng tới, ứng dụng sẽ trở thành trung tâm tài chính cá nhân của người dùng. Khi đó, tên gọi Twitter không còn ý nghĩa gì nữa, đã đến lúc phải tạm biệt con chim".

Linda Yaccarino, CEO mới của Twitter, cũng nói: "X là biểu tượng không giới hạn trong tương lai. Nền tảng sẽ tập trung vào âm thanh, video, tin nhắn, thanh toán. Đây sẽ là môi trường toàn cầu cho các ý tưởng sáng tạo, trao đổi dịch vụ, hàng hóa và tìm kiếm cơ hội mới. Twitter mới sẽ được hỗ trợ bởi AI, giúp người dùng kết nối với nhau theo những cách chúng ta mới chỉ tưởng tượng về nó".

Nhiều chuyên gia phân tích cho biết Musk đang muốn biến Twitter thành một WeChat của phương Tây. Siêu ứng dụng này được hậu thuẫn bởi tập đoàn công nghệ khổng lồ Tencent. Người dùng có thể làm gần như mọi thứ trên WeChat, từ nhắn tin đến thanh toán, sử dụng dịch vụ trực tuyến, thậm chí là vay tiêu dùng.

Người gắn bó với Twitter từ xưa tỏ ra tiếc nuối và phản đối hành động của Musk. Esther Crawford, cựu giám đốc sản phẩm của Twitter, nói việc đổi tên chẳng khác nào "mổ bụng công ty", ám chỉ nghi thức tự sát của các samurai Nhật Bản. Bà cho rằng quyết định đột ngột như vậy là do thiếu hiểu biết hoặc thiếu tôn trọng cảm giác của khách hàng.

Vanitha Swaminathan, Giáo sư tiếp thị tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), cảnh báo động thái này có thể gây thiệt hại thêm cho Twitter. "Mỗi lần công ty đổi tên, khách hàng thường không thích dù bất cứ lý do gì. Nhưng trong trường hợp này, nếu họ thực sự muốn đi theo một hướng khác hoặc muốn giảm bớt chi phí PR, đây là lựa chọn tốt cho một khởi đầu mới", bà nhận định.

Kể từ khi Musk mua Twitter với giá 44 tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái, hoạt động kinh doanh quảng cáo của nền tảng đã sụt giảm mạnh. Nhiều khách hàng lớn bỏ đi do những thay đổi về chính sách kiểm duyệt nội dung, công ty sa thải hàng hoạt và cách điều hành thất thường của Musk.

Tuần trước, tỷ phú Mỹ cho biết Twitter đang ngập trong nợ nần vì đã mất nửa doanh thu quảng cáo kể từ khi ông nắm quyền. Đổi lại, ông đang tìm cách bù đắp bằng cách phát triển mô hình đăng ký trả phí với người dùng. Twitter có khoảng 200 triệu người dùng hàng ngày, tuy nhiên mạng xã hội này được cho là gặp vấn đề kỹ thuật nhiều hơn kể từ khi Musk mạnh tay cắt giảm nhân sự.
 
Bên trên