Nấu canh bầu nên băm, nạo hay thái?

Thuyvan

Well-known member
Nấu canh bầu nên băm, nạo hay thái?



Canh bầu là món ăn dân dã giàu dinh dưỡng, tùy theo mỗi món ăn và sự kết hợp nguyên liệu, thói quen mà sơ chế cho phù hợp.
Giá trị dinh dưỡng của quả bầu

Theo Đông y, quả bầu vị hơi nhạt, tính mát hoặc lạnh, có công hiệu giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận phổi, trừ ngứa; chủ trị các chứng trướng bụng, phổi nóng, ho... Còn các nghiên cứu y học hiện đại chỉ ra, bầu cung cấp nhiều vitamin như B1, B2, C cùng hàm lượng chất xơ hòa tan cao giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Từ lâu, các bà nội trợ thường ưu tiên các món canh bầu trong thực đơn như canh bầu nấu tôm khô, canh bầu nấu tôm tép đồng giã, canh bầu om vịt lộn kiểu Huế, canh bầu nấu xương. Các món canh này vừa thanh mát, dễ ăn lại nhuận tràng, giàu dinh dưỡng.

Nên băm, nạo hay thái bầu khi nấu canh?

Tùy theo từng món canh, sự kết hợp nguyên liệu cũng như khẩu vị mỗi người, thói quen mỗi vùng miền mà có cách sơ chế bầu khác nhau.


Canh bầu nấu tôm đồng giã. Ảnh: Bùi Thủy


Canh bầu nấu tôm đồng giã. Ảnh: Bùi Thủy

Với các món canh bầu nấu tôm đồng, tép riu, tép gạo giã theo lối cũ, các bà các mẹ thường truyền miệng câu ''Băm bí, băm bầu'' mới ngọt canh ngọt nước và hợp với gạch tôm kết tảng béo bùi. Một số vùng quê đồng bằng Bắc Bộ lại nạo sợi nhỏ để mềm vị hợp với những nhà có người già cả răng yếu.

Cách nấu khá đơn giản: Tôm đồng hoặc tép riu rửa sạch đem giã nhuyễn cùng chút muối hạt rồi lọc lấy nước, đun nổi gạch. Bầu chọn quả non nặng tay, gọt vỏ (hoặc có nhà để cả vỏ non) rồi dùng dao băm nhiều nhát theo chiều dọc rồi thái, còn nếu nạo thì dùng nạo sợi bào mỏng. Cho bầu vào nồi canh cho sôi vài phút, nêm nếm gia vị (muối, mắm, mì chính tùy chọn) vừa miệng là được. Cách nấu này giữ vị mộc mạc. Ở một số vùng miền lại phi thơm hành khô trút vào nồi riêu tôm đồng, khi sôi cho bầu vào cũng tạo dư vị riêng.

Với món bầu om vịt lộn kiểu Huế, người dân nơi đây lại thường cắt miếng 1 - 1,5 cm vừa ăn bởi thời gian cần lâu hơn cho vị ngọt ngon từ vịt lộn ngấm vào bầu. Không nên cắt nhỏ quá vì bầu om lâu nhũn nát mất đi độ giòn ngon vốn có. Chú ý chọn trứng vịt lộn non giàu giá trị dinh dưỡng, béo bùi. Có thể luộc trước vịt lộn giúp giảm thời gian khi om vì bầu và mồng tơi nhanh chín. Trứng vịt lộn um bầu kiểu Huế không thể thiếu mắm ruốc và ớt bột vừa khử tanh hiệu quả, vừa tăng vị ngọt hậu và hương vị rất riêng, ăn một lần nhớ mãi. Với các món canh bầu nấu sườn hoặc xương cũng cắt miếng to sẽ hợp vị hơn, giúp cân đối hài hòa vị khi ăn.

Canh bầu nấu tôm nõn. Ảnh: Bùi Thủy

Canh bầu nấu tôm nõn. Ảnh: Bùi Thủy

Với canh bầu nấu tôm khô hoặc tôm nõn cắt miếng, người miền Tây thường cắt miếng để giữ độ giòn mát. Tôm đem ướp chút gia vị cho đậm đà, phi hành tỏi xào thơm rồi cho lượng nước đủ bữa ăn. Khi nước sôi trở lại cho bầu vào, nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Bầu chín vừa độ, múc ra bát rắc chút hạt tiêu, hành lá, rau mùi và thưởng thức nóng.

Chú ý vì bầu tính hàn, lạnh nên theo khuyến cáo của các bác sĩ không dùng cho những người bị phong hàn, ăn không tiêu vì dễ gây đau bụng nếu ăn nhiều. Canh bầu là món ăn dễ chiều vị giác nhưng không nên ăn liên tục cả tuần dẫn tới mất cân bằng chất mà chỉ ăn 2 bữa/tuần xen kẽ nhiều món canh khác.
 
Bên trên