Nên nằm nghiêng hay nằm ngửa khi ngủ?

đinhlinh11

Bé Tleoo
Tư thế ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể, và nên nằm nghiêng hay nằm ngửa khi ngủ là thắc mắc của nhiều người.


Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và năng lượng cho mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng tư thế ngủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.

Đối với người bình thường, việc chọn tư thế ngủ có thể chỉ cần dựa trên sự thoải mái và thói quen cá nhân. Nhưng đối với người mắc một số bệnh lý cụ thể, việc lựa chọn tư thế ngủ phù hợp là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe. Vậy nên nằm nghiêng hay nằm ngửa khi ngủ?

Tư thế nằm nghiêng
Cũng là nằm nghiêng nhưng tư thế nằm nghiêng trái và nằm nghiêng phải có tác động khác nhau đối với sức khỏe.

Nằm nghiêng trái
Đây được coi là một trong những tư thế ngủ tốt nhất cho việc tiêu hóa, thức ăn và chất lỏng dễ dàng di chuyển từ dạ dày xuống ruột non, hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn. Tư thế này còn giúp giảm chứng ngủ ngáy, một biểu hiện phổ biến có thể dẫn đến ngừng thở khi ngủ.

Đối với phụ nữ mang thai, nằm nghiêng trái là tư thế lý tưởng vì nó giúp giảm áp lực lên mạch máu lớn, cải thiện lưu thông máu và cung cấp oxy tốt hơn cho thai nhi, đồng thời giảm chèn ép lên cơ thể người mẹ.

Mặc dù có nhiều lợi ích, tư thế nằm nghiêng trái không phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt, những người mắc bệnh tim không nên nằm nghiêng trái vì có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện học của tim. Những người bị suy tim ứ huyết sẽ cảm thấy khó chịu hơn với tư thế này.




Nên nằm nghiêng hay nằm ngửa khi ngủ?- Ảnh 1.
Nằm nghiêng mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.



Nằm nghiêng phải
Đối với những người mắc bệnh tim mạch, tư thế nằm nghiêng phải có thể là lựa chọn tốt hơn giúp ổn định nhịp tim và có thể hạ huyết áp, đặc biệt có lợi cho những người bị tăng huyết áp. Tư thế này còn giúp giảm áp lực lên trái tim, tạo cảm giác dễ chịu và thoải mái hơn khi ngủ.


Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai, nằm nghiêng phải không phải là tư thế tốt vì có thể tăng áp lực lên mạch máu và các cơ quan trong ổ bụng, cản trở lưu thông máu, giảm lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Nngười bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản cũng nên tránh nằm nghiêng phải vì có thể làm tăng nguy cơ trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản, gây cảm giác khó chịu.

Tư thế nằm ngửa
Nằm ngửa được coi là tư thế ngủ tốt cho những người có vấn đề về xương khớp. Khi nằm ngửa, cột sống được duy trì ở trạng thái thẳng, từ đó giảm áp lực lên đốt sống, giảm đau lưng, đau hông và đau đầu gối. Đặc biệt, đối với những người làm việc nhiều giờ trong ngày, tư thế này có thể giúp cơ thể phục hồi và thư giãn một cách tối ưu.

Tư thế nằm ngửa có nhiều lợi ích nhưng không phù hợp với tất cả mọi người. Những người mắc bệnh hen phế quản hoặc có chứng ngáy nên tránh nằm ngửa vì tư thế này có thể gây hẹp đường thở, giảm lượng oxy trong máu và làm tăng nguy cơ ngừng thở khi ngủ.

Người béo phì cũng nên tránh nằm ngửa vì có nguy cơ cao bị ngáy và ngừng thở khi ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe.



Nên nằm nghiêng hay nằm ngửa khi ngủ?- Ảnh 2.
Nằm ngửa tốt cho xương khớp.



Tư thế nằm sấp
Nằm sấp có thể có lợi cho những người gặp vấn đề về ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ. Tư thế này giúp mở rộng đường thở và giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn, hỗ trợ hô hấp tốt hơn khi ngủ.

Tuy nhiên, nằm sấp có thể gây cảm giác khó chịu và không thoải mái cho nhiều người. Tư thế này có thể tăng áp lực lên cổ, lưng và cột sống, dễ dẫn đến đau mỏi sau khi thức dậy. Vì vậy, chỉ nên nằm sấp trong những trường hợp đặc biệt và trong thời gian ngắn.

Việc lựa chọn tư thế ngủ phù hợp không chỉ giúp bạn ngủ ngon hơn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và cải thiện sức khỏe tổng thể. Tư thế nằm nghiêng, đặc biệt là nằm nghiêng trái, mang lại nhiều lợi ích cho tiêu hóa và giảm nguy cơ ngáy ngủ, trong khi tư thế nằm ngửa giúp bảo vệ cột sống và giảm đau xương khớp.

Tuy nhiên, đối với những ai có bệnh lý đặc biệt như bệnh tim, hen phế quản hoặc đang mang thai, việc lựa chọn tư thế ngủ phù hợp cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sức khỏe. Trong những trường hợp cần thiết, có thể xem xét tư thế nằm sấp để hỗ trợ hô hấp, nhưng nên hạn chế và không áp dụng lâu dài.
 
Bên trên