Ngành bán lẻ Việt trước sức ép từ những con "khủng long"

Rầm rộ tiến công

Liên tục tăng cường vốn đầu tư, mở rộng thêm các trung tâm đang là chiến lược của các tập đoàn bán lẻ Quốc tế khi thâm nhập vào Việt Nam.



Một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng đang thu hút các đại gia nước ngoài đổ về

Tháng 3/2012, tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản, Aeon đã khai trương một trụ sở quốc gia tại TP Hồ Chí Minh. Với thị phần đầy tiềm năng trong mảng bán lẻ thực phẩm, Aeon đang có ý đồ mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Hiện tại, Aeon đang có kế hoạch xây dựng 7 trung tâm mua sắm, trong đó Trung tâm mua sắm Aeon-Tân Phú Celadon tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu xây dựng trong năm 2012 và dự định hoàn thành vào năm 2014. Mức đầu tư của dự án này là 109 triệu USD.

Sự hiện diện của Aeon đã tăng mạnh ngay sau khi chính phủ Việt Nam cho phép tập đoàn này thành lập các công ty con địa phương trong cả nước. Với sự cho phép này, Aeon có thể mở những siêu thị mang, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa và cửa hàng chuyên doanh mang thương hiệu Aeon.

Cũng trong năm qua, hệ thống Trung tâm thương mại lớn thứ 3 tại Hàn Quốc, Lotte Mart đã mở thêm 2 trung tâm tại Việt Nam và tăng số vốn đầu tư vào Việt Nam thêm 50 triệu USD.

Tập đoàn E-mart, thuộc sở hữu của Shinsegae,Hàn Quốc cũng đã thỏa thuận với U&I Investment Corporation mở một liên doanh mở chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Vốn đầu tư ban đầu của dự án này là 80 triệu USD. Với thương vụ này, E-Mart kỳ vọng đến năm 2020, E-Mart Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống chuỗi 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn và tổng đầu tư sẽ tăng dần đến 1 tỷ USD.

Ngoài những cái tên kể trên, còn khá nhiều cái tên khác như Family Mart, Takashiyama,… Ước tính có khoảng 20 cái tên Quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.



(Nguồn: Tổng cục thống kê)

Trong khi các tên tuổi mới đang liên tục đổ bộ tại các thành phố lớn thì các tên tuổi cũ, vốn tạo được danh tiếng tại Việt Nam như Metro, Big C lại tìm cách mở rộng địa bàn ra khu vực tỉnh, thành phố nhỏ.

Big C hiện đã mở trung tâm thứ 14 của mình tại Việt Nam ở thành phố Nam Định. Tập đoàn bán lẻ của Đức là Metro Cash & Carry cũng mở rộng ra các tỉnh thành phố có thể sẽ có nhiều tiềm năng trong tương lai nhưu Bình Định, An Giang và Bình Dương, Vũng Tàu, gần đây nhất ngày 4/10, Metro Cash & Carry đã mở trung tâm thứ 18 tại Việt Nam ở Rạch Giá.

Động thái của Metro và Big C cho thấy hai tập đoàn này muốn mở rộng và lặp lại thành công của mình tại những thành phố nhỏ, và trong tương lai là cả khu vực nông thôn.

Cơ hội cuối cho DN nội địa?

Khi luật pháp Việt Nam rõ ràng hơn, các DN nước ngoài sẽ ào ạt tràn vào Việt Nam mà không cần liên doanh, liên kết. Lúc đó DN Việt sẽ khó lòng cạnh tranh nổi với các tập đoàn xuyên quốc gia, vốn lớn và dày dặn kinh nghiệm.

Việc các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống bán lẻ bất chấp kinh tế khó khăn, sức mua đi xuống cho thấy thị trường Việt Nam thật sự hấp dẫn. Trong báo cáo nghiên cứu AT Kearney, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đầy sức hút nhờ quy mô thị trường và số lượng người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc mở rộng liên tục của các đối thủ nước ngoài lại không phải là tín hiệu vui đối với các nhà bán lẻ trong nước.

Hiện tại, các siêu thị của Việt Nam đang bị kẹp từ nhiều phía. Đó là sức ép từ sự cạnh trạnh của mô hình bán lẻ truyền thống (chợ), các cửa hàng tạp phẩm nhỏ hoạt động riêng lẻ như Ha Noi Mart, Kim Thành, Food Stuff Shop, và cuối cùng là từ các chuỗi siêu thị lớn của Metro (Đức), Big C (Pháp), Saiyu (Nhật Bản), Dairy Farm (Hồng Kông).

Ngoài ra, còn phải kể tới các tập đoàn bán lẻ lớn khác Walmart, Tesco hay CarreFour đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Trước sức ép của các đối thủ ngoại, một số chuỗi cửa hàng của Fivi Mart, Intimex cũng đã phải thu hẹp quy mô của mình tại những thành phố không phải thị trường chính.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ trong nước đã lựa chọn việc hợp tác với nước ngoài thay vì phát triển độc lập, chẳng hạn Trung Nguyên hiện là đối tác với Aeon để mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop tại Việt Nam.

Saigon Coop Mart – nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đã liên doanh với tập đoàn bán lẻ lớn nhất Singapore, NTUC Fairprice Mart vào năm 2010. Sự kết hợp giữa các chuyên gia nội địa và kinh nghiệm của NTUC trong việc mở các đại siêu thị được đánh giá là quan hệ đối tác đáng gờm, có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của hệ thống siêu thị tại Việt Nam trong tương lai.

Một cái tên lớn khác trong lĩnh vực bán lẻ đó là Phú Thái, cũng đã liên kết với Family Mart thành lập công ty liên doanh VinaFamilyMart với cơ cấu góp vốn mà Phú Thái chiếm đa số.



Bằng cách liên kết với những nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính dồi dào, sẵn sàng mở rộng, các nhà bán lẻ trong nước sẽ có một vị thế mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù vậy, đây cũng là phương pháp tiềm ẩn không ít rủi ro cho DN Việt. Thị trường cũng đã chứng kiến không ít bài học xương máu từ thương vụ của Coca cola hay Bibica.

Ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch tập đoàn Phú Thái nhận định, việc các DN nước ngoài liên kết với Việt Nam một phần để tận dụng nguồn lực trong nước, nhưng chủ yếu là do còn bị ràng buộc bởi hệ thống pháp luật hiện tại. Trong 2 – 3 năm tới, khi luật pháp Việt Nam rõ ràng hơn, các DN nước ngoài sẽ ào ạt tràn vào Việt Nam mà không cần liên doanh, liên kết. Lúc đó DN Việt sẽ khó lòng cạnh tranh nổi với các tập đoàn xuyên quốc gia, vốn lớn và dày dặn kinh nghiệm. "Có thể coi đây là cơ hội cuối cùng của DN Việt", ông Đoàn nhận định.
 
Bên trên