Nghệ sĩ Thanh Nga - huyền thoại 'trăm năm có một'

tran hương

Well-known member
Nghệ sĩ Thanh Nga - huyền thoại 'trăm năm có một'
Dù qua đời vì bị sát hại ở tuổi 36, gần 50 năm qua, nghệ sĩ Thanh Nga luôn ghi dấu trong lòng khán giả với sắc vóc và tài năng hiếm có.

Ngày 26/11/1978, nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng - luật sư Phạm Duy Lân - bị sát hại trước cửa nhà riêng tại quận 1, ngay sau khi bà rời sàn diễn suất cuối cùng vở Thái hậu Dương Vân Nga - tác phẩm cải lương nổi tiếng thời đó. Trong vụ ám sát gây chấn động dư luận, con trai duy nhất của nghệ sĩ - Hà Linh, năm tuổi - may mắn thoát chết. Lễ tang bà có hàng chục nghìn người từ khắp nơi đổ về TP HCM tiễn biệt, kín khắp nẻo đường.

Ở tuổi 53, diễn viên Hà Linh cho biết vẫn giữ trong tâm trí lời ca tiếng hát của mẹ, khi ngày bé, được bà dẫn đến sân khấu, đứng sau cánh gà xem vở Tiếng trống Mê Linh.

"Phút ly biệt của tình chồng nghĩa vợ
Lời dặn dò hãy khắc cốt minh tâm
Thù nào sâu hơn thù lũ xâm lăng
Tình nào nặng hơn tình thương đất nước?"

Đó là đoạn ngâm của nhân vật Trưng Trắc (Thanh Nga đóng) cùng chồng - Thi Sách (Thanh Sang), trước giờ ông ra chiến trận trong tuồng Tiếng trống Mê Linh.

"Dù chưa hiểu nhiều, tôi cảm nhận sâu sắc hào quang của bà. Mỗi lần mẹ diễn xong, khán giả Sài Gòn, người hâm mộ từ các tỉnh miền Tây gửi tặng những cần xé trái cây như sầu riêng, chôm chôm, nhãn. Tình thương công chúng dành cho mẹ là ký ức đẹp theo tôi đến nay, khi đã là cha của hai con gái", người con cho biết.

Trích đoạn trong Tiếng trống Mê Linh - Thanh Nga, Thanh Sang



Trích đoạn nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang đóng trong tuồng "Tiếng trống Mê Linh" (năm 1977). Video: Đài truyền hình TP HCM
Ngôi sao trên bầu trời cổ nhạc

Những năm 1950 - thời hoàng kim của cải lương miền Nam, Thanh Nga xuất hiện như một hiện tượng, hội đủ thanh sắc của một đào hát chính trong loạt tác phẩm ăn khách. Ca hay, diễn giỏi cùng khí chất riêng, Thanh Nga được khán giả lẫn người trong nghề xem là minh chứng cho giá trị "thật và đẹp" của sân khấu nghệ thuật cổ truyền. Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết nhận định bà là tài năng "trăm năm có một".

Thanh Nga đến với sân khấu như định mệnh, nhờ đam mê và sự uốn nắn từ cha dượng - "ông bầu" Năm Nghĩa nức tiếng của đoàn Thanh Minh. Thừa hưởng nhan sắc của mẹ - bà Nguyễn Thị Thơ - lẫn tài ca diễn của cha dượng, bảy tuổi, bà lần đầu bước lên sân khấu với vai Nghi Xuân trong Phạm Công - Cúc Hoa. 14 tuổi, bà sớm được ca ngợi là mầm non của cải lương với vai cung nữ trong vở Núi Liễu Sông Bằng.

Trên tờ Kịch ảnh năm 1956, tác giả Giang Tan viết về bà: "Thanh Nga gây được cảm mến với mọi người ngay phút đầu tiên gặp em; múa giỏi, hát hay, nét mặt ăn ảnh, ăn ánh đèn nên Thanh Nga thu phục được lòng ngưỡng mộ của khán giả lúc em bước chân lên sàn gỗ".

Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trong chuyến lưu diễn ở Huế thập niên 1950. Thanh Nga (hàng hai, thứ tư từ trái qua) cùng mẹ - bầu Thơ (hàng đầu, thứ tư từ trái qua), em trai - Bảo Quốc (ngồi) cùng các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được, gia đình danh ca Hữu Phước. Ảnh: Gia đình cung cấp
Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trong chuyến lưu diễn ở Huế thập niên 1950, gồm bầu Thơ (hàng đầu, thứ tư từ trái qua), Thanh Nga (hàng hai, thứ tư từ trái qua), Bảo Quốc (ngồi) cùng các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được, vợ chồng danh ca Hữu Phước cùng con gái Hương Lan khi nhỏ. Ảnh: Gia đình cung cấp



Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trong chuyến lưu diễn ở Huế thập niên 1950. Thanh Nga (hàng hai, thứ tư từ trái qua) cùng mẹ - bầu Thơ (hàng đầu, thứ tư từ trái qua), em trai - Bảo Quốc (ngồi) cùng các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được, gia đình danh ca Hữu Phước. Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhờ bầu Năm Nghĩa uốn nắn, cho đi học ca cổ với thầy đờn kỳ cựu Út Trong, Thanh Nga phát huy tố chất đào chính. Tên tuổi bà vụt sáng ở tuổi 16 với giải Thanh Tâm đầu tiên trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới - vai sơn nữ Phà Ca. Giải thưởng văn nghệ danh giá nhất Sài Gòn đương thời, không chỉ xét tặng dựa trên tài năng mà còn căn cứ phẩm chất đạo đức, "chỉ cần tai tiếng coi như bị loại" - theo tiêu chí của hội đồng giám khảo. Trước tương lai rộng mở của con gái, bầu Nghĩa quyết định đổi bảng hiệu của đoàn thành "Thanh Minh Thanh Nga", ấp ủ hoài bão đưa gánh hát gia đình trở thành đại ban.

Mọi hy vọng sụp đổ vào ngày 5/12/1959, khi bầu Nghĩa qua đời ở tuổi 48 vì bạo bệnh. "Cái chết của ông là cú sốc lớn với mọi người, nhất là mẹ và chị tôi, bởi đoàn đang trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất", danh hài Bảo Quốc - em cùng mẹ khác cha với Thanh Nga - cho biết.


Sau mất mát, đoàn Thanh Minh tiếp tục được "bầu" Thơ lèo lái. 10 năm sát cánh cùng chồng quản lý gánh hát, bà Thơ hiểu rõ tâm huyết, định hướng nghệ thuật của ông. Bà trọng dụng soạn giả, chủ trương trả lương tháng để họ yên tâm sáng tác. Khi bậc thầy Viễn Châu về làm cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga, bà đặt hàng ông viết loạt kịch bản "đo ni đóng giày" cho Thanh Nga, từ đó giúp con gái ghi dấu qua loạt tuồng Hoa Mộc Lan, Chuyện tình Hàn Mạc Tử.

Được mẹ dìu dắt, Thanh Nga càng củng cố vị trí ngôi sao cải lương. Đầu thập niên 1960, đoàn được mời về hát tại rạp Hưng Đạo (nay ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1) - thánh đường sân khấu thời điểm đó với 1.100 ghế. Từ vở công diễn đầu tiên là Nửa đời hương phấn, rạp trở thành "đại bản doanh" của đoàn, nâng vị thế của Thanh Minh, Thanh Nga trở thành gánh hát hàng đầu Sài Gòn.

Sắc vóc Thanh Nga thời mới vào nghề. Ảnh tư liệu
" style="margin: 0px; padding: 0px 0px 710.438px; box-sizing: border-box; text-rendering: optimizelegibility; width: 680px; float: left; display: table; -webkit-box-pack: center; justify-content: center; background: rgb(240, 238, 234); text-align: center; position: relative;">
Sắc vóc Thanh Nga thời mới vào nghề. Ảnh: Fanpage Nữ hoàng sân khấu - Thanh Nga

Sắc vóc Thanh Nga thời mới vào nghề. Ảnh tư liệu

Một giai đoạn, các tuồng ghi dấu Thanh Nga, như Con gái chị Hằng, Đôi mắt người xưa, Hoa Mộc Lan, Mưa rừng, "làm mưa làm gió" khắp các rạp hay tiệm băng đĩa nhạc. Mỗi vở có Thanh Nga đóng chính đều "cháy" vé dù diễn suốt tuần (chủ nhật là hai suất). Phòng vé khi ấy thường mở cửa khoảng 8h, song trước đó người mộ điệu đã xếp hàng dài. "Chỉ tầm một tiếng sau vé bán hết sạch. Nhiều người phải chờ đến sát giờ diễn để rạp bán thêm các ghế 'súp'", nghệ sĩ Bảo Quốc nhớ lại.

Trích đoạn Hoa Mộc Lan tùng chinh qua tiếng hát Thanh Nga, Lệ Thủy



Trích đoạn "Hoa Mộc Lan tùng chinh" qua tiếng hát Thanh Nga, Lệ Thủy. Video: YouTube Nghệ thuật Sân khấu
Nghệ sĩ Bạch Tuyết nói Thanh Nga có một sức hút kỳ lạ. Năm 14 tuổi, Bạch Tuyết, khi ấy còn là một nữ sinh, chen chúc với hàng trăm khán giả để vào hậu trường gặp Thanh Nga. Một cách hữu duyên, bà được đàn chị để ý, khuyên đi theo cải lương vì "gương mặt này đi hát nổi tiếng lắm đó". Từ đó, Bạch Tuyết quyết tâm học ca cổ, ba năm sau vụt sáng với giải Thanh Tâm đầu tiên. "Khi đã nổi tiếng, tôi vẫn xem Thanh Nga là điều gì đó lung linh. Đứng trên sân khấu, tôi học theo chị để diễn. Xong màn của mình, tôi vào cánh gà, say sưa nghe chị hát", Bạch Tuyết nói.

Thanh Nga (phải) cùng mẹ - bầu Thơ - nhận kỷ vật do soạn giả Viễn Châu, Ngọc Huyền Lan tặng sau thành công của "Hoa Mộc Lan" năm 1964. Ảnh: Tư liệu gia đình
" style="margin: 0px; padding: 0px 0px 710.438px; box-sizing: border-box; text-rendering: optimizelegibility; width: 680px; float: left; display: table; -webkit-box-pack: center; justify-content: center; background: rgb(240, 238, 234); text-align: center; position: relative;">
Thanh Nga cùng mẹ - bầu Thơ - nhận kỷ vật do soạn giả Viễn Châu, Ngọc Huyền Lan tặng sau thành công của Hoa Mộc Lan năm 1964. Ảnh: Tư liệu gia đình

Thanh Nga (phải) cùng mẹ - bầu Thơ - nhận kỷ vật do soạn giả Viễn Châu, Ngọc Huyền Lan tặng sau thành công của "Hoa Mộc Lan" năm 1964. Ảnh: Tư liệu gia đình

Thập niên 1970, tên tuổi Thanh Nga vươn xa khi kết hợp cùng nghệ sĩ Thanh Sang. Theo đạo diễn Thanh Hiệp - trưởng ban Lý luận phê bình, Hội sân khấu TP HCM, dù bà kết hợp thành công với nhiều kép hàng đầu như Thành Được, Hữu Phước, đa phần giới mộ điệu công nhận Thanh Nga - Thanh Sang là "đệ nhất đào kép".

Trong đó, tuồng Bên cầu dệt lụa (năm 1976) đi vào lịch sử cải lương như một trong những tác phẩm kinh điển. Chuyện tình cổ tích của tiểu thư Quỳnh Nga và chàng trai nghèo Trần Minh "khố chuối" đề cao giá trị của lòng thủy chung và đức nhân nghĩa ở đời. Lối diễn chừng mực cùng đài từ tinh tế của Thanh Nga phác thảo nên một Quỳnh Nga với dung mạo đoan trang, phẩm hạnh cao vời. Đến nay, vở diễn vẫn được công chúng tìm xem sau hàng thập niên, đạt hàng triệu lượt xem trên YouTube.

Thanh Nga - Thanh Sang trong vở 'Bên cầu dệt lụa'



Nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang trong trích đoạn "Bên cầu dệt lụa". Video: Đài truyền hình TP HCM
Với Tiếng trống Mê Linh (1977), đôi nghệ sĩ đạt mốc son mới ở thể loại tuồng lịch sử. Sau khi ra mắt, vở diễn về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trở thành tác phẩm ăn khách hàng đầu sân khấu miền Nam. Khán giả khắc ghi lời ca lúc Trưng Trắc và Thi Sách tiễn biệt: "Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề/ Khi xa nhau muôn dặm dài như có nhau kề vai trong chinh chiến, dẫu muôn đắng cay chi sờn".

Tầm ảnh hưởng của Thanh Nga không chỉ dừng ở sân khấu mà còn lan tỏa sang phim ảnh. Năm 1962, sau khi vào nghề khoảng bảy, tám năm, bà có vai điện ảnh đầu tiên với phim Đôi mắt người xưa của đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nguyễn Văn Liêm. Dù xuất thân từ cải lương, bà nắm vững kỹ thuật diễn trước ống kính, chú trọng biểu cảm qua ánh mắt. Từ đây, Thanh Nga tiếp tục ghi dấu qua loạt phim Hai chuyến xe hoa (1962), Loan mắt nhung (1970).

Không hiếm phim chỉ cần có sự góp mặt của Thanh Nga đã thành hiện tượng phòng vé, như Loan mắt nhung của đạo diễn Lê Dân. Bà vào vai Xuân, người tình của Loan (Huỳnh Thanh Trà) - một thanh niên lương thiện, vì hoàn cảnh xã hội đưa đẩy mà bước vào con đường du đãng. Sinh thời, đạo diễn cho biết chọn Thanh Nga đóng chính bởi nét đẹp hiếm có, "trong sáng, chân thật, dễ gây cảm tình với công chúng". Phim gây sốt nhiều tuần liền ở các rạp, Thanh Nga được báo giới đương thời xếp vào hàng ngũ "tứ đại mỹ nhân", bên cạnh nghệ sĩ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chính.

Năm 1974, tại Liên hoan phim Á Châu ở Đài Bắc, bà đoạt giải Diễn viên xuất sắc với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều. Mô tả hào quang của Thanh Nga giai đoạn này, ký giả Sĩ Trung - Lê Hoài Hà gọi bà là "nữ hoàng sân khấu". "Tên tuổi nàng lóe sáng lên từ giải Thanh Tâm 58, rồi như một vừng thái dương càng lên cao, càng chói lọi huy hoàng. Mỹ danh Thanh Nga không chịu cúi đầu trước thời gian. Mỗi đêm qua, tài nghệ thêm sắc sảo, mỗi tháng qua sắc đẹp thêm mặn mòi quyến rũ", tác giả đánh giá.

Bức ảnh chân dung nghệ sĩ Thanh Nga trong dịp tưởng nhớ 40 năm ngày mất của bà tại TP HCM, năm 2018. Ảnh: Quỳnh Trần
" style="margin: 0px; padding: 0px 0px 453.328px; box-sizing: border-box; text-rendering: optimizelegibility; width: 680px; float: left; display: table; -webkit-box-pack: center; justify-content: center; background: rgb(240, 238, 234); text-align: center; position: relative;">
Chân dung nghệ sĩ Thanh Nga trong dịp tưởng nhớ 40 năm ngày mất của bà tại TP HCM, năm 2018. Ảnh: Quỳnh Trần

Bức ảnh chân dung nghệ sĩ Thanh Nga trong dịp tưởng nhớ 40 năm ngày mất của bà tại TP HCM, năm 2018. Ảnh: Quỳnh Trần

Di sản nghệ thuật của Thanh Nga vẫn được các hậu duệ tiếp nối. Gia Bảo - cháu nội của Bảo Quốc, gọi Thanh Nga là "bà nội Ba" - dựng lại các trích đoạn tiêu biểu trong sự nghiệp nghệ sĩ. Những tác phẩm Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn thu hút khán giả. Nhiều đêm diễn, hàng trăm khán giả dành những tràng pháo tay cổ vũ các nghệ sĩ, cùng họ sống lại thời hoàng kim của đoàn Thanh Minh Thanh Nga ở rạp Hưng Đạo ngày nào.

Trên mạng xã hội, nhiều nhóm cộng đồng fan như Cố nghệ sĩ Thanh Nga, Nữ hoàng sân khấu - Thanh Nga, quy tụ hàng chục nghìn thành viên, vẫn thường xuyên đăng tải bài viết về bà. Diễn viên Hà Linh cho biết từng ngạc nhiên khi họ, đa số tuổi còn trẻ, cất công sưu tập những hình ảnh, tư liệu hiếm về nghệ sĩ. Nhiều khán giả khoe với nhau về những bức hình Thanh Nga chưa từng được công bố, do cha mẹ, ông bà họ lưu giữ như kỷ vật.

"Tôi nhận ra tình yêu công chúng dành cho nghệ sĩ Thanh Nga, cũng như cải lương thời vàng son, qua bao năm tháng vẫn không thay đổi", diễn viên Hà Linh nói.
 
Bên trên