0707171758
NGUYỄN THANH VÂN
Những nhà khoa học đưa ra ý tưởng này gọi nó giống như một dạng “vaccine tin giả”, hoạt động hệt như vaccine phòng bệnh cho con người, tức là dùng mầm bệnh đã suy yếu hoặc đã chết để cho hệ miễn dịch có thông tin về mầm bệnh, để bảo vệ cơ thể tốt hơn.
Vaccine tâm lý hoạt động theo cách y hệt, tạo ra những thông tin sai lệch một cách cố tình nhưng tác động thấp hơn, để khi những thông tin sai lệch và giả mạo sau này tiếp cận con người, bộ não của chúng ta đã được chuẩn bị trước để chống lại những thông tin sai.
Đó là ý tưởng của nhà tâm lý học người Hà Lan, Sander van der Linden. Đối với anh, tin giả là thứ có tác động mang tính cá nhân. Nhà nghiên cứu đại học Cambridge này hồi nhỏ phát hiện ra gần như cả dòng tộc nhà ngoại của mình đã bị phát xít Đức xử tử trong thế chiến thứ II. Điều này khiến anh trở nên bị cuốn hút bởi câu hỏi, điều gì đã khiến biết bao nhiêu người ủng hộ những thông tin sai lệch và ý tưởng của một kẻ như Adolf Hitler, và liệu có cách nào để tự tâm lý bản thân họ chống lại việc bị tiêm nhiễm những thông tin sai.
Từ đó, van der Linden thử nghiệm ý tưởng “tiêm chủng” và miễn dịch tâm lý trong thế giới thực. Khía cạnh đầu tiên mà van der Linden muốn tìm cách chống lại những thông tin giả mạo chính là biến đổi khí hậu. Thời điểm ấy có một đơn kiến nghị trên mạng xã hội Facebook, nói rằng không có đủ bằng chứng khoa học chứng minh trái đất ấm lên là do con người gây ra, cùng với đó là 30 nghìn chữ ký, trong đó có nữ ca sĩ, diễn viên Geri Halliwell của nhóm Spice Girls, cùng vài người nổi tiếng khác.
Van der Linden cùng các nhà nghiên cứu chọn ra vài tình nguyện viên. Đầu tiên họ đưa ra lời cảnh báo rằng có những thành phần, vì lợi ích riêng, sẽ cố tìm cách lừa mọi người. Sau đó, họ đưa ra những bằng chứng khoa học để chứng minh những gì đề cập trong kiến nghị trên Facebook kia vừa không có cơ sở, vừa là những lời nói dối. Sau đó, khi các tình nguyện viên đọc được kiến nghị nói rằng biến đổi khí hậu không phải do con người, các nhà nghiên cứu tâm lý học nhận ra, khi có đủ bằng chứng hay được cảnh báo trước, họ sẽ biết không nên tin vào những thông tin giả mạo.
Cách tiếp cận vấn đề này dựa trên ý tưởng là, nếu con người được tiếp cận nguồn tin tức giả mạo trước đó và chọn cách tin vào chúng, thì sẽ không có bất kỳ điều gì thuyết phục họ nghĩ ngược lại cả. Vì thế, theo nhà nghiên cứu người Hà Lan, cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần cho mọi người, trước cả khi họ đọc được nguồn tin giả. Nói cách khác, phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh.
Đến khi van der Linde công bố kết quả nghiên cứu năm 2016, anh cũng chẳng hề ngờ tới việc đó chính là cái thời điểm tin giả ở mọi ngành bắt đầu bùng nổ, chẳng riêng gì biến đổi khí hậu mà còn liên quan tới cả vaccine hay tin tức chính luận. Thử thách được đưa ra, làm thế nào để mở rộng quy mô cảnh báo sớm cho mọi người về những thông tin giả mạo họ có thể đọc được trên mạng internet?
Để làm được điều này, van der Linden hợp tác với các nhà phát triển game, tạo ra một game nhập vai tên là Bad News, nơi người chơi có thể tự tay viết những mẩu tin giả và làm cách nào đó để khiến chúng lan tỏa càng rộng càng tốt. Giải pháp này giáo dục cho người chơi chính những chiến lược mà những kẻ tung tin giả dùng để phát tán tin tức giả mạo.
Và rồi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Sander van der Linden bắt đầu làm việc với chính phủ Anh Quốc và những tổ chức như WHO và Liên Hợp Quốc để tạo ra một phiên bản game giống Bad News nhưng tập trung vào COVID, tên là GoViral!
Đến năm nay, van der Linden xuất bản cuốn Foolproof: Why We Fall for Misinformation and How to Build Immunity, dựa trên những kinh nghiệm nghiên cứu tâm lý học của anh. Mục đích của nhà nghiên cứu này là bất kỳ ai cũng có thể nhận diện tin giả và cảnh báo cho người thân, gia đình và bạn bè, hàng xóm ngay khi họ nhìn thấy một luồng tin tức không chính xác trên mạng.