Ngôi chùa giữ hàng chục cuốn sách cổ viết trên lá ở Cần Thơ

Võ Xuân Trường

Well-known member
Ngôi chùa giữ hàng chục cuốn sách cổ viết trên lá ở Cần Thơ

Cần Thơ - Chùa Khôsa Răngsây (quận Ninh Kiều) đang lưu giữ 30 cuốn sách cổ hàng trăm tuổi viết bằng tiếng Pali, tiếng Khmer cổ trên lá và lá buông.
Chùa Khôsa Răngsây tọa lạc tại trung tâm quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Hiện, Thượng tọa Lý Hùng đang làm trụ trì và cũng là người có công lưu giữ tủ sách cổ tại chùa.
Đến nay, Thượng tọa đã sưu tầm trên 4.000 quyển sách, trong đó có 30 quyển sách viết bằng tiếng Pali, tiếng Khmer cổ trên lá buông và sách lá hàng trăm năm tuổi.
Thượng tọa Lý Hùng - người lưu giữ nhiều quyển sách cổ ở Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang
Thượng tọa Lý Hùng - người lưu giữ nhiều quyển sách cổ ở Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang
Thượng tọa Lý Hùng cho biết, đây là những quyển sách ghi lại phong tục, nghi lễ, giáo dục con cháu… Sách viết trên lá được chia làm nhiều phần, với nội dung viết về ý nghĩa của từng nghi thức, nghi lễ.
Chùa Khôsa Răngsây còn lưu giữ nhiều bộ sách Tam Tạng kinh, luật, luận gồm 110 quyển, nhiều bộ. Mỗi quyển quy định ra gồm 3 tạng, trong đó, kinh có 24.000 phát ngôn, luật có 24.000 phát ngôn, luận có 44.000 phát ngôn... Những sách này giúp các sư nghiên cứu lời dạy của Đức Phật.
Nhiều quyển sách không còn nguyên vẹn. Ảnh: Tạ Quang
Nhiều quyển sách đã phai màu theo thời gian. Ảnh: Tạ Quang
Thượng tọa Lý Hùng thông tin thêm, sách cổ viết trên lá bằng ngôn ngữ chính là tiếng Pali cổ, tiếng Khmer cổ. Với những vị sư xuất gia sau này không thể tiếp cận được ngôn ngữ cổ này. Hầu hết sách được Ban quản trị, Phật tử lưu giữ qua nhiều đời, sau đó đem dâng cho chùa để bảo tồn.
“Sách lá khác với sách lá buông. Loại sách cổ này làm từ rơm, ép lại thành quyển với chiều ngang 15 - 20 cm, dài 60 cm. Sách được xếp một bên là tiếng Pali, một bên là tiếng Khmer, chữ được viết bằng bút thép, rất đẹp. Cuốn sách có niên đại lâu nhất tại chùa trên 100 năm”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.
Thượng tọa Lý Hùng cẩn thận lưu giữ những quyển sách cổ. Ảnh: Tạ Quang
Thượng tọa Lý Hùng cẩn thận lưu giữ những quyển sách cổ. Ảnh: Tạ Quang
Không chỉ lưu giữ những quyển sách cổ, nhà chùa còn là nơi cưu mang, nuôi nhiều sinh viên nghèo thành tài.
Thượng tọa Lý Hùng cho hay, ban đầu do điều kiện khó khăn, chùa chỉ hỗ trợ vài sinh viên dân tộc Khmer khi lên TP Cần Thơ học đại học, cao đẳng. Sau đó, vận động được nguồn kinh phí nên chùa đã giúp đỡ nhiều sinh viên hơn.
“Các em sống trong chùa hoàn toàn miễn phí từ điện, nước, ăn uống, sinh hoạt... Em nào khó khăn thì thông qua các dịp lễ hội, nhà chùa trao tặng học bổng; không có xe thì tặng xe đạp cho các em đi học. Các em sinh sống như một thành viên trong chùa vậy”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.
Khi sinh hoạt tại chùa, các em còn được dạy lễ nghi, phong tục tập quán, nếp sống, văn hóa của dân tộc.
Từ năm 1996 đến nay, với sự dìu dắt, cưu mang của Thượng tọa Lý Hùng, có hơn 1.000 sinh viên ra trường nên danh và lập nghiệp, nhiều người học lên thạc sĩ, tiến sĩ hay du học ở nước ngoài...
 
Bên trên