Hồ Thị Thanh Trà
Well-known member
Mang nhiều ý nghĩa tâm linh trong đời sống người Malaysia gốc Hoa, chùa Thiên Hậu thu hút hàng nghìn cặp đôi tới đăng ký kết hôn mỗi năm.
Tọa lạc trên đồi Robson, thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, chùa Thiên Hậu có diện tích 6.760 m2, được xây dựng từ năm 1981 và khánh thành vào ngày 3/9/1989. Ảnh: Triip Me.
Ngôi chùa là sự kết hợp giữa kỹ thuật xây dựng hiện đại và kiến trúc truyền thống Trung Quốc, bao gồm các yếu tố Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Do đó, cổng chính của chùa Thiên Hậu được xây dựng hình vòng cung, nổi bật với những cột trụ sơn đỏ, màu sắc tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng. Ảnh: Holidayiq.
Bước vào sân chùa, du khách có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc, tranh mô tả về truyền thuyết nữ thần Mazu hay các truyền thuyết khác của Trung Quốc như 12 cung hoàng đạo, Nguyệt lão. Xung quanh khuôn viên chùa là những khu vườn và ao hồ, nơi thả rùa phóng sinh. Ảnh: Fine Art America.
Chùa Thiên Hậu thờ nữ thần biển Mazu hay còn gọi là thánh mẫu Thiên Hậu, một vị thần linh thiêng trong tín ngưỡng của người Trung Quốc. Theo truyền thuyết, thần Mazu xuất phát từ một cô gái có tên Lin Mu, sinh ra ở cảng Tây An, tỉnh Phúc Kiến. Từ nhỏ, cô là một người tốt bụng, dũng cảm và có khả năng dự đoán thời tiết cho ngư dân nơi đây. Khi 28 tuổi, Lin nói với cha mẹ rằng cô sẽ phải rời xa trần thế, sau đó lên đỉnh núi và biến mất trong làn sương mờ. Kể từ đó, để tỏ lòng tôn kính với cô, người dân địa phương đã thờ và đặt cho cô những cái tên như nữ thần biển, nữ thần eo biển, thần may mắn của vùng eo biển… Theo dòng chảy của thời gian, niềm tin đối với thần Mazu ngày càng lan rộng, từ Trung Quốc tới các quốc gia khác. Do đó, hiện nay có hơn 1.500 ngôi đền, chùa thờ vị thần này trên toàn thế giới, bao gồm cả chùa Thiên Hậu. Ảnh: Omnivagant.
Chùa Thiên Hậu được xây dựng thành bốn tầng, trong đó tầng một để trưng bày đồ lưu niệm; tầng 2, 3 dùng làm hội trường lớn và phòng đăng ký kết hôn. Tầng cao nhất thờ ba vị thần Thiên Hậu, Phật Bà Quan Âm và Hải Biên nương nương. Đứng từ đây, du khách có thể thu vào tầm mắt quang cảnh của thủ đô Kuala Lumpur. Ảnh: Out For 30.
Các cột, diềm, mái chùa được đắp nổi tinh xảo.Mỗi năm, chùa Thiên Hậu tổ chức hơn 100 lễ hội, bao gồm Tết nguyên đán, lễ Vu Lan, tết Trung thu, lễ Phật đản, ngày sinh của ba vị thần… Ngoài ra, ngôi chùa cũng là nơi đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới của nhiều cặp đôi. Ảnh: Gokl.
Có khoảng 5.000 đôi tới đây đăng ký kết hôn mỗi năm, đặc biệt là vào tháng 8 âm lịch và ngày lễ tình nhân Valentine. Vào ngày 9/9/2009, hơn 500 cặp đôi đã tổ chức đám cưới tập thể tại chùa Thiên Hậu. Ở Trung Quốc, số 9 có cách phát âm giống “vĩnh cửu”, vì vậy đây là ngày tốt lành để kết hôn. Ảnh: Daniel Blog.
Chùa Thiên Hậu mở cửa từ 8h sáng đến 10h đêm. Tuy nhiên, du khách nên đến đây vào sáng sớm khi chùa vắng khách và buổi tối, khi hàng trăm chiếc đèn lồng được thắp sáng. Tuy ngôi chùa không có quy định nào về trang phục, du khách nên lưu ý mặc áo kín vai và quần, váy dài qua đầu gối. Khi đến chính điện, bạn lưu ý giữ trật tự và bỏ dép phía bên ngoài trước khi vào tham quan.Chùa Thiên Hậu (Thean Hou) nằm trên đường Persiaran Endah, thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Du khách có thể đến đây bằng taxi từ ga tàu LRT Bangsar hoặc KL Sentral. Từ ga tàu gần nhất đến ngôi chùa mất khoảng 30 phút đi bộ và 10 phút bằng ôtô. Ảnh: Lonely Planet.