Ngôi Đền Hùng lâu đời nhất tỉnh Kiên Giang

Võ Xuân Trường

Well-known member
Ngôi Đền Hùng lâu đời nhất tỉnh Kiên Giang

Được xây dựng lần đầu vào thập niên 40 thế kỷ XX, Đền Hùng toạ lạc xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất) được xem là Đền Hùng có lịch sử lâu đời nhất tỉnh Kiên Giang.
Lâu nay, khi nhắc đến Đền Hùng ở Kiên Giang, phần lớn nhiều người hay nhắc đến Đền Hùng ở huyện Tân Hiệp được xây dựng vào giữa thập niên 50, nhưng ít người biết rằng, Kiên Giang còn có Đền Hùng lâu đời hơn toạ lạc tại khu vực Kênh Ba, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất.
Theo các nguồn sử liệu chính thống, Đền Hùng ở Nam Thái Sơn được xây dựng lần đầu vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Đây là công trình mang tính hoài niệm cố hương của những cư dân phương Bắc vào Nam định cư lập nghiệp.
Theo đó, khoảng cuối 1943, đầu năm 1944, sau khi chính quyền đào hệ thống kênh đào vùng Tứ giác Long Xuyên, thì có khoảng 750 gia đình ở hai tỉnh Thái Bình và Nam Định vào vùng đất mới thuộc Sóc Sơn của tỉnh Rạch Giá (nay là Hòn Đất, Kiên Giang) định cư. Từ nguồn gốc nhập cư này mà hình thành nên địa danh mới: Nam Thái Sơn, ghép từ “Nam Định - Thái Bình - Sóc Sơn”.
Sau khi định cư trên vùng đất mới, những cư dân mới ra sức khai hoang, phục hoá… Những ngày đầu chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, những cư dân mới đã gặp không ít khó khăn, gian khổ.
Mọi người phải nỗ lực hết sức mình, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Sau những ngày lao động mệt nhọc, họ mong muốn có nơi sinh hoạt cộng đồng, tưởng nhớ cố hương… Và Đền Hùng đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Ban đầu, ngôi đền được dựng nên bằng cây lá đơn sơ, lễ cúng bái cũng chưa được “mâm cao, cổ đầy” như quê cũ, do đời sống cư dân còn khó khăn. Nhưng lòng thành kính lên Quốc Tổ thì không thay đổi. Vào dịp Giỗ Tổ, bà con vẫn thành kính viếng lễ, cúng nguyện “mưa thuận gió hoà”, “quốc thái dân an”…
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đền Hùng Nam Thái Sơn được trưng dụng làm nơi giao liên, hội họp của cách mạng. Ngôi đền nhiều lần bị bom đạn làm hư hao, sập đổ. Sau nhiều lần tu sửa, công trình được khang trang như ngày nay.
Mới đây, có thêm khu tưởng niệm ngay bên cạnh ngôi đền, để ghi nhớ công lao của những bậc tiền nhân có công khai khẩn, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ nằm xuống trên mảnh đất này trong kháng chiến. Khác với nhiều Đền Hùng cả nước, bên cạnh Lễ giỗ Tổ (Mùng 10 tháng 3 âm lịch), nơi đây còn có thêm lễ kỷ niệm ngày định cư và ngày lễ Thương binh liệt sĩ.
Nằm giữa vùng đất lúa “cò bay thẳng cánh”, Đền Hùng Nam Thái Sơn không chỉ có không gian thoáng đãng, mà còn có nhiều cảnh đẹp. Vì thế sau khi thành kính dâng hương lên ngôi thờ có lịch sử trên 60 năm, du khách còn có thể thư giãn trước cảnh thanh bình và đừng quên ghi lại những bức ảnh hữu tình của đồng quê tươi đẹp... trước khi thưởng thức những món thịt trâu đặc sản của xứ Hòn Đất.
Đền Hùng có lịch sử lâu đời nhất tỉnh Kiên Giang toạ lạc bên bờ kênh Ba, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất). Ảnh: Lâm Điền



Đền Hùng có lịch sử lâu đời nhất tỉnh Kiên Giang toạ lạc bên bờ kênh Ba, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất).
Bên ngoài cửa Đền Hùng ở Nam Thái Sơn. Ảnh: Lâm Điền
Bên ngoài cửa Đền Hùng ở Nam Thái Sơn.
Bên trong, tôn thờ tượng Vua Hùng, và nổi bật với hoành phi “Hùng Vương Tổ Miếu“. Ảnh: Lâm Điền
Bên trong, tôn thờ tượng Vua Hùng, và nổi bật với hoành phi “Hùng Vương Tổ Miếu“.
Bà Ngô Thị Tò, thế hệ thứ 2 của những cư dân đầu tiên hình thành Đền Hùng, hiện đang làm nhiệm vụ Quản đền. Ảnh: Lâm Điền
Bà Ngô Thị Tò, thế hệ thứ 2 của những cư dân đầu tiên hình thành Đền Hùng, hiện là quản đền.
Nhiều năm trải qua chiến tranh tàn phá, hiện Đền Hùng không còn nhiều kỷ vật thời kỳ mới xây dựng. Trong ảnh là bộ lư đồng “trúc hoá long” có mặt từ thời đầu lập đền được lưu giữ đến nay. Ảnh: Lâm Điền
Nhiều năm trải qua chiến tranh tàn phá, hiện Đền Hùng không còn nhiều kỷ vật thời kỳ mới xây dựng. Trong ảnh là bộ lư đồng “trúc hoá long” có mặt từ thời đầu lập đền được lưu giữ đến nay.
Bà Tò giới thiệu 2 chiếc khạp (lu) chứa nước được lưu truyền là có mặt thời kỳ đầu dựng đền. Ảnh: Lâm Điền
Bà Tò giới thiệu 2 chiếc khạp (lu) chứa nước được lưu truyền là có mặt thời kỳ đầu dựng đền.
Ngay cạnh đền có Khu tưởng niệm tiền nhân lập làng. Ảnh: Lâm Điền
Ngay cạnh đền có Khu tưởng niệm tiền nhân lập làng.
Và nhà bia lưu niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ của đất Nam Thái Sơn. Ảnh: Lâm Điền
Nhà bia lưu niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ của đất Nam Thái Sơn.
 
Bên trên