Ngôi đình thờ tổ nghề khắc in mộc bản ở Hải Dương

TRng

Well-known member
Đình Liễu Tràng thờ tứ vị thành hoàng, trong đó có Thám hoa Lương Như Hộc được tôn xưng là ông tổ nghề khắc in mộc bản Việt Nam.
Ngôi đình thờ tổ nghề khắc in mộc bản ở Hải Dương


















Đình Liễu Tràng nguyên được xây dựng từ thời Lê. Ảnh: Mai Hương
Tọa lạc trong khuôn viên thoáng rộng, đình Liễu Tràng (phường Tân Hưng, TP Hải Dương) là một di tích có giá trị không chỉ về quy mô, kiến trúc nghệ thuật, hệ thống di vật, cổ vật… mà còn về nhân vật được thờ trong di tích - Thám hoa Lương Như Hộc.
Theo tư liệu từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Thám hoa Lương Như Hộc người làng Hồng Lục (nay là khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng, TP Hải Dương). Dưới triều vua Lê Thái Tông, vào khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), ông đã thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cùng với Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ và Ngô Sĩ Liên.
k
Đình Liễu Tràng (phường Tân Hưng, TP Hải Dương) tọa lạc trong khuôn viên thoáng rộng. Ảnh: Mai Hương
Sau khi thi đỗ, Thám hoa Lương Như Hộc đã trải giữ nhiều chức vụ khác nhau như An phủ phó sứ lộ Quốc Oai Hạ, Trung thư lệnh Bí thư giám học sinh, Tả Thị lang rồi Thị Lang bộ Lễ… Trong sự nghiệp làm quan, ông từng hai lần đi sứ sang nhà Minh theo mệnh lệnh của triều đình vào các năm 1443 và 1459.
Chính nhờ hai lần đi sứ ấy mà Thám hoa Lương Như Hộc đã học hỏi được kỹ thuật khắc in mộc bản và về truyền dạy lại cho nhân dân quê hương.
Đình Liễu Tràng nguyên được xây dựng từ thời Lê, xung quanh xây tường bao, có cột đồng trụ, nhiều cây cổ thụ, phong cảnh nên thơ. Đến năm 1917 đình được trùng tu theo kiến trúc thời Nguyễn. Sau đó nhiều hạng mục công trình đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp.
oo
Bên trong đình Liễu Tràng. Ảnh: Mai Hương
Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc còn lại, đình kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm tiền tế và hậu cung, tất cả có 7 gian. Tòa tiền tế 5 gian kiểu lòng thuyền tứ trụ, đấu sen, bức cốn và xà đinh chạm kênh bong Long cuốn thủy, Long mã và hoa văn hình sóng nước.
Đặc biệt tại gian trung tâm còn tấm cửa võng sơn son thếp vàng, chạm lộng tứ quý, phong cách nghệ thuật thời Nguyễn biểu hiện rõ nét trong các hình họa hoa lá đua chen, với hình rồng tạo bức tranh độc đáo.
Với đa tầng giá trị, đình Liễu Tràng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1992.
ô
Ông Phạm Xuân Khôi là người được tín nhiệm trông coi đình làng Liễu Tràng. Ảnh: Mai Hương
Lễ hội truyền thống đình Liễu Tràng diễn ra từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Nét độc đáo của lễ hội là phần tế lễ, lễ rước kiệu và nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng phong phú, hấp dẫn… thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.
Ông Phạm Xuân Khôi - Thành viên Ban quản lý đình Liễu Tràng (TP Hải Dương) cho biết: "Đình làng Liễu Tràng là nơi thân quen gần gũi, nơi che chở, là cuộc sống của những người con Liễu Tràng chúng tôi. Vào ngày lễ tết, dân trong làng tới đình thắp hương tế lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an và có nhiều phúc lành.
Những người con Liễu Tràng xa xứ, dù ở phương trời nào nhưng hằng năm, vào dịp lễ hội, ai cũng quay trở về quê hương. Với chúng tôi, dù thế hệ nào thì ký ức về quê hương luôn in đậm hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình".
 
Bên trên