Ngủ trưa là chìa khoá giúp duy trì khối lượng não khi con người già đi

0707171758

NGUYỄN THANH VÂN
Ngủ trưa là chìa khoá giúp duy trì khối lượng não khi con người già đi


Dựa trên dữ liệu từ 35.080 người tham gia, các nhà nghiên cứu tại Đại học College London (Anh) và Đại học Cộng hoà Uruguay đã kết luận rằng: ngủ trưa là chìa khoá để duy trì khối lượng não khi con người già đi. Những giấc ngủ ngắn vào ban ngày sẽ giúp não bộ phát triển khoẻ mạnh và trẻ hơn từ 2,6 - 6,5 tuổi.

Tuy nhiên, giáo sư về giấc ngủ - Simon Smith cũng lưu ý rằng kết quả của nghiên cứu không có nghĩa là những giấc ngủ ngắn thường xuyên sẽ dẫn bạn đến suối nguồn tuổi trẻ được. “Bởi sự teo não có thể xảy ra trong một số tình trạng sức khoẻ cụ thể, chẳng hạn như khi uống quá nhiều rượu, đột quỵ, bệnh Alzheimer. Nó cũng có thể xảy ra như một phàn của quá trình lão hoá bình thường."

Nghiên cứu này đã cho thấy mối liên kết giữa giấc ngủ ngắn ban ngày với kích thước não, dựa trên các bản chụp não. Tuy nhiên, không rõ liệu những giấc ngủ ngắn có thể làm thay đổi kích thước não hay không.

ngu-trua-tinhte-1.jpg


Dù vậy, giáo sư Smith vẫn thừa nhận rằng giấc ngủ trưa hoặc những giấc ngủ ngắn ban ngày vẫn khá phổ biến trong đời sống hàng ngày. Khi mọi người cảm thấy cần phải “chợp mắt” thì đó cũng là lúc cơ thể họ đang thực sự cần điều đó.

“Giấc ngủ trưa rất phổ biến ở trẻ nhỏ và điều này có thể phản ánh phần nào tầm quan trọng của giấc ngủ đối với quá trình học hỏi, tăng trưởng và khả năng phục hồi của trẻ. Ở trẻ em, những giấc ngủ ngắn đã được chứng minh là giúp cải thiện khả năng học cái mới. Nhưng ở người lớn, những giấc ngủ ngắn thường xảy ra khi cơ thể rất mệt mỏi nên tác dụng chính của nó là phục hồi và giảm mệt. Vì thế tác dụng của việc ngủ trưa ít thấy rõ hơn.”

Giáo sư Smith cho biết cách để giữ cho bạn sảng khoái, tỉnh táo là hãy giữ cho giấc ngủ ngắn. “Đã có nhiều nghiên cứu về thời gian ngủ trưa, mức được khuyến nghị phổ biến nhất là từ 15-20 phút. Khoảng thời gian này cho phép não bộ thực sự đi vào giấc ngủ, nhưng lại không quá lâu để gây ra tình trạng ‘quán tính giấc ngủ’ hay cảm giác uể oải mà bạn có thể cảm thấy sau khi thức dậy."

Ông cũng nhấn mạnh rằng không nên thay thế giấc ngủ ban đêm bằng giấc ngủ ban ngày. Bởi giấc ngủ ban đêm là tốt nhất bởi đồng hồ sinh học bên trong cơ thể hoạt động dựa trên việc duy trì giấc ngủ vào ban đêm. Giấc ngủ ngắn có thể phổ biến ở những người lớn tuổi thường phải đối mặt với nguy cơ suy giảm nhận thức, những người làm việc theo ca hoặc những người sinh hoạt không đúng giờ.
 
Bên trên