Người giàu sẵn sàng chi “bộn tiền” cho du lịch sức khỏe

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe đang định hình lại khái niệm về du lịch hạng sang, buộc các thương hiệu khách sạn và lưu trú phải liên tục đổi mới để đáp ứng những ưu tiên ngày càng thay đổi của người tiêu dùng…
Ảnh: Garrya Mù Cang Chải Resort
Ảnh: Garrya Mù Cang Chải Resort
Một nghiên cứu mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Altiant đã khám phá góc nhìn của giới thượng lưu và các cá nhân có tài sản ròng cao (HNWIs) về xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ - wellness tourism. Cuộc khảo sát được thực hiện với 800 người tham gia đến từ 6 quốc gia gồm Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, UAE và Ả Rập Saudi. Các đối tượng khảo sát đều thuộc nhóm 5% người có thu nhập hoặc sở hữu tài sản cao nhất tại quốc gia của họ, trong đó hơn 65% là triệu phú.
Kết quả nghiên cứu mang lại góc nhìn chi tiết về sở thích của nhóm đối tượng có khả năng chi tiêu cao này, cho thấy xu hướng ngày càng gia tăng trong việc tích hợp du lịch hạng sang với các trải nghiệm chú trọng đến sức khỏe.
Người giàu sẵn sàng chi “bộn tiền” cho du lịch sức khỏe - Ảnh 1

Phương pháp nghiên cứu đảm bảo tính đại diện với số lượng người tham gia cân bằng giữa các giới tính và nhóm tuổi (dưới 45 và trên 45 tuổi). Tài sản đầu tư trung bình của mỗi người được khảo sát đạt 2,2 triệu USD. Báo cáo này nhấn mạnh rằng, chăm sóc sức khỏe cá nhân đang dần trở thành yếu tố cốt lõi trong du lịch sang trọng, tạo ra những tác động lớn đến ngành du lịch và các tập đoàn khách sạn xa xỉ.
DU LỊCH KHÔNG CHỈ ĐƠN THUẦN LÀ HƯỞNG THỤ
Du lịch chăm sóc sức khỏe giờ đây không còn là một thị trường ngách mà đã trở thành ưu tiên hàng đầu của giới tiêu dùng thượng lưu. Dữ liệu từ Altiant cho thấy, giới siêu giàu toàn cầu đang chuyển từ việc coi cách phô trương tài sản như một kiểu xa xỉ sang tập trung vào những trải nghiệm nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Đối với ngành xa xỉ, đặc biệt là các thương hiệu khách sạn và du lịch, sự thay đổi này đòi hỏi phải tái định hình các sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng chú trọng đến sức khỏe và tìm kiếm những kỳ nghỉ mang lại ý nghĩa về mặt thân - tâm - trí.
Người giàu sẵn sàng chi “bộn tiền” cho du lịch sức khỏe - Ảnh 2

Kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra cơ hội của ngành du lịch trong việc thu hút nhóm đối tượng khách hàng xa xỉ thông qua các khu nghỉ dưỡng siêu sang, các kỳ nghỉ riêng tư và các chương trình chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa. Những trải nghiệm kết hợp yếu tố văn hóa hoặc thiên nhiên – chẳng hạn như các phương pháp y học truyền thống hay khung cảnh yên bình, thơ mộng – đặc biệt thu hút họ.
Chia sẻ với VnEconomy, ông Đào Đức Long, Chủ đầu tư Garrya Mù Cang Chải Resort (Yên Bái) nhận định xu hướng nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại châu Á, nơi vốn nổi tiếng với các liệu pháp trị liệu truyền thống và sự đa dạng về văn hóa trong những năm gần đây.
“Du khách quốc tế ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm giúp họ cân bằng cả thể chất lẫn tinh thần, đồng thời được kết nối với thiên nhiên. Đây không chỉ là nhu cầu ngắn hạn mà đang trở thành một phần không thể thiếu trong lối sống hiện đại. Châu Á sở hữu lợi thế đặc biệt nhờ vào các nền văn hóa chăm sóc sức khỏe lâu đời, như yoga, thiền định, và các liệu pháp spa truyền thống. Điều này kết hợp với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và chi phí hợp lý đã tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế,” ông Long chia sẻ.
Người giàu sẵn sàng chi “bộn tiền” cho du lịch sức khỏe - Ảnh 3
KIẾN TẠO NHỮNG THẾ MẠNH LƯU TRÚ RIÊNG BIỆT
Tại Việt Nam, hiện đã có nhiều resort cao cấp khai thác phân khúc du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Tại Garrya Mù Cang Chải, trực thuộc Tập đoàn Banyan Tree Group, những liệu pháp như xông hơi thảo dược, massage bấm huyệt hay ngâm chân thảo dược của người H'mong đã được ứng dụng vào các liệu trình chăm sóc cho khách hàng lưu trú.
“Garrya Mù Cang Chải tận dụng tối đa lợi thế thiên nhiên địa phương để mang đến những liệu pháp như yoga giữa các ruộng bậc thang hay thiền định tại những khu vực núi non tĩnh lặng, kết hợp với các tiện ích chăm sóc sức khỏe hiện đại như khu Thủy trị liệu - Hydrotherapy nằm trong khuôn viên 8lements Spa của Garrya Mù Cang Chải. Hệ thống Thủy trị liệu này có 12 tính năng độc đáo giúp cơ thể được phục hồi một cách hoàn hảo và mang lại một trạng thái cân bằng tuyệt vời giữa thể chất và tinh thần,” ông Long tự hào chia sẻ.
Khu Thủy trị liệu - Hydrotherapy nằm trong khuôn viên 8lements Spa của Garrya Mù Cang Chải
Khu Thủy trị liệu - Hydrotherapy nằm trong khuôn viên 8lements Spa của Garrya Mù Cang Chải
Tương tự, từng nhiều lần được World Luxury Spa Awards vinh danh là “Spa mang phong cách Boutique sang trọng nhất Việt Nam”, Le Spa của Azerai La Residence Huế mới đây đã giới thiệu các liệu trình chăm sóc sức khỏe mới kết hợp phương pháp trị liệu chuông xoay Tây Tạng cổ xưa, phương pháp chữa lành bằng năng lượng Reiki của Nhật Bản và phương pháp "cứu ngải" (hơ ngải cứu) của y học cổ truyền Việt Nam.
Được làm từ hợp kim với 7 kim loại quý như vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, chì, kẽm, chuông xoay Tây Tạng tạo ra những thanh âm diệu kỳ đưa con người đến trạng thái giao hòa với vũ trụ. Cứu ngải có tác dụng kích thích lưu thông máu, tăng cường hệ miễn dịch và trị các chứng như viêm khớp. Là hình thức trị liệu bằng năng lượng, Reiki giúp kích hoạt quá trình chữa lành tự nhiên và phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần...
Thực tế, nhiều địa phương tại Việt Nam có thể mạnh để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm chủ đạo. Chẳng hạn, Ninh Bình có nhiều lợi thế để phát triển mạnh loại hình du lịch này như nguồn suối khoáng nóng tự nhiên phù hợp cho nghỉ ngơi, chữa bệnh; hệ thống dược liệu đa dạng, nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thể dục thể thao, xây dựng thực đơn các bữa ăn lành mạnh…
Vì thế, nhiều khu, điểm du lịch, đơn vị lữ hành đang có xu hướng tung ra một vài sản phẩm nhằm thăm dò thị hiếu khách hàng. Có thể kể đến các dịch vụ spa, massage trị liệu, tắm lá thuốc, tắm suối khoáng nóng ở một số đơn vị lưu trú; các hoạt động bấm huyệt, thiền và yoga, hay thể thao trải nghiệm như chèo thuyền kayak, đi bộ khám phá, đạp xe, cắm trại, leo núi… Nhiều nơi đã trở thành điểm đến, định vị rõ rệt thương hiệu với du khách.
Chị Vũ Thị Hằng, quản lý Khu nghỉ dưỡng Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Binh (thuộc Công ty cổ phần bán đảo Kênh Gà), cho biết: Tại đây, hàng ngày đều có hoạt động yoga, thiền vào buổi sáng sớm. Buổi chiều, khách có thể tham gia các hoạt động như tắm khoáng nóng, đi bộ, leo núi; buổi tối trải nghiệm trị liệu bằng cách bấm huyệt thư giãn. Tất cả các trải nghiệm này sẽ là những phương pháp chữa lành tâm hồn, tái tạo sức lực hiệu quả, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hành trình thư giãn cả về thân - tâm - trí.
Trên thế giới, ở các thị trường phương Tây như Anh, Mỹ và Pháp, du lịch chăm sóc sức khỏe sang trọng thu hút mọi nhóm tuổi. Những người siêu giàu dưới 45 tuổi thường ưu tiên các kỳ nghỉ kết hợp phiêu lưu hoặc gần gũi với thiên nhiên, trong khi nhóm lớn tuổi hơn lại ưa chuộng những trải nghiệm phục hồi và sang trọng, chẳng hạn như các kỳ nghỉ dưỡng tập trung vào spa. Do đó, một chiến lược tiếp cận cân bằng giữa yếu tố phiêu lưu và thư giãn sẽ đáp ứng tốt các sở thích đa dạng này.
Bên cạnh đó, từ năm 2025 trở đi, việc tích hợp các công nghệ chăm sóc sức khỏe tiên tiến – từ các tiện ích hỗ trợ biohacking đến các liệu trình chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo AI – có thể trở thành yếu tố tạo sự khác biệt cho các thương hiệu cao cấp.
 
Bên trên