Người Mỹ nặng gánh vì học phí đại học

LAM SPS BC

Well-known member
Người Mỹ nặng gánh vì học phí đại học
Học phí đại học ở Mỹ không ngừng tăng khiến áp lực tài chính đè nặng lên những người muốn theo đuổi tấm bằng cử nhân.

Biết trước học đại học sẽ tốn một khoản lớn, Rachel Edington, tân sinh viên ngành Tâm lý học, Đại học Texas, lên kế hoạch tiết kiệm tiền từ sớm. Cô nộp đơn xin nhiều học bổng, ở cùng bốn người khác trong một căn hộ cách trường nửa tiếng lái xe, học vượt tín chỉ đại học từ thời trung học và đi làm thêm 40 giờ mỗi tuần.
Tuy nhiên, kể cả khi dựa vào viện trợ của gia đình, tiền tiết kiệm và thu nhập hiện tại, Rachel vẫn không đủ. Cô nằm trong số hàng triệu sinh viên trên khắp nước Mỹ đang phải vật lộn vì học phí tăng vọt.
Số liệu của tổ chức xếp hạng đại học USNews cho thấy, từ 2003 đến 2023, học phí các đại học công lập ở Mỹ tăng 141% với sinh viên nước ngoài và 175% với sinh viên trong nước. Ở các đại học tư, học phí tăng 134%. Còn trong 20 năm (2000-2020), tổng khoản chi học phí và lệ phí đại học tăng 67%, cao gấp đôi mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (33%), theo Best Colleges.
Tính riêng năm 2022, học phí trung bình tại các đại học tư thục Mỹ đã tăng khoảng 4% so với năm trước, lên gần 40.000 USD mỗi năm. Học phí trung bình ở trường công lập tăng 0,8%, lên khoảng 10.500 USD.

Ngoài tiền học, sinh viên còn phải chi ăn uống, nhà ở, đi lại. Ví dụ, năm nay, sinh viên Đại học Harvard phải nộp 57.000 USD học phí và lệ phí. Khi cộng thêm tiền nhà ở, thức ăn, sách và các chi phí sinh hoạt khác, tổng số tiền phải trả đội lên đến 95.000 USD.

Học đại học ở Mỹ ngày càng đắt đỏ vì nhiều lý do.
Catharine Hill, chuyên gia tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Ithaka S&R, cho biết các đại học tốn rất nhiều tiền để tuyển dụng giáo sư. Nhiều ngành công nghiệp có thể bù đắp chi phí nhờ dùng AI và robot để tăng năng suất nhưng với giáo dục đại học thì không. Hiệu suất của giảng viên lại không tăng đủ cao để giảm chi phí.
Các bang cũng rót ít ngân sách cho giáo dục công hơn trước. Theo Hiệp hội Giáo dục quốc gia Mỹ, năm 2021, tài trợ của 37 bang cho giáo dục đại học đã giảm trung bình 6% so với năm 2020. Điều này khiến các trường phải dựa nhiều hơn vào học phí.
Chi phí đại học còn bị đẩy lên cao vì các khoản đầu tư vào dịch vụ xa xỉ, không liên quan tới giảng dạy, để các trường lôi kéo sinh viên. Theo ACTA, tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục đại học, chi tiêu của các trường để đầu tư cho ký túc xá sang trọng, phòng ăn, phòng gym, ... đã tăng 29% từ năm 2010 đến năm 2018. Trong khi đó, chi tiêu cho đội ngũ giảng viên chỉ tăng 17%.
Học phí tăng khiến nhiều sinh viên phải vay nợ. Nhưng các trường đại học biết rằng nếu tăng học phí, chính phủ sẽ tăng hạn mức cho vay với sinh viên. Do đó, họ không có động lực để làm điều ngược lại.
Ngoài ra, một tấm bằng cử nhân thường mang lại nhiều lợi ích, nên nhiều người sẽ tiếp tục gánh nợ để học đại học. Nghiên cứu năm 2021 của Đại học Georgetown cho thấy những người chỉ tốt nghiệp trung học kiếm được ít hơn những người có bằng cử nhân khoảng 1,2 triệu USD trong suốt cuộc đời.
Ảnh: Harvard University
Xem toàn màn hình
Khuôn viên Đại học Harvard. Ảnh: Harvard University
Học phí tăng cao đã tạo ra cuộc khủng hoảng nợ sinh viên. Trong 15 năm qua, tổng dư nợ vay sinh viên ở Mỹ tăng gấp ba lần, từ khoảng 580 tỷ USD năm 2008 lên 1.760 tỷ USD. 43 triệu người Mỹ nợ nần vì học đại học, 55% sinh viên từ các trường công phải vay. Thậm chí, nhiều người phải gánh nợ từ thời đại học đến khi nghỉ hưu. Dữ liệu từ Tổ chức trợ cấp sinh viên liên bang ghi nhận 2,4 triệu người vay từ 62 tuổi trở lên đang nợ tổng cộng 98 tỷ USD.
Với giới trẻ, nhiều người chật vật để có tiền trang trải đại học. Đi làm thêm là lựa chọn phổ biến, nhưng áp lực tài chính cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của họ.
Madison Fanus, sinh viên năm thứ hai tại Đại học Dickinson, nói: "Tôi đang làm hai công việc, có học bổng, có khoản vay nhưng tôi vẫn rất căng thẳng về chuyện tiền nong".
Còn Edington, sau khi liên tục làm thêm 40 giờ mỗi tuần, bị chẩn đoán mắc bệnh tự miễn do căng thẳng gây ra. "Làm việc gần như toàn thời gian trong khi vẫn đi học khiến cơ thể tôi bị ngợp", Edington nói, cho biết cuối cùng phải vay nợ để bù vào khoản tiền không kiếm được khi nghỉ ốm.
Theo khảo sát đầu năm 2022 của Hiệp hội giáo dục thường xuyên và đại học Mỹ, áp lực tài chính chiếm tỷ lệ 42% trong số lý do khiến sinh viên bỏ học. Tài chính và nợ sinh viên cũng nằm trong 5 yếu tố khiến sinh viên căng thẳng nhất (32%), theo khảo sát của TimelyCare - công ty chuyên về dịch vụ sức khỏe sinh viên.
Jennifer Finetti, giám đốc công ty quản lý và kết nối học bổng Scholarship Owl (Mỹ), cho biết trung bình một sinh viên mất khoảng 20 năm để trả các khoản vay đại học. Sau khi ra trường, họ phải trì hoãn mua xe, nhà hay tiết kiệm cho con vì các khoản nợ này.
Học phí tăng cao cùng các khoản nợ phải gồng gánh cũng góp phần khiến người Mỹ dần mất niềm tin vào giá trị của tấm bằng đại học. Theo The Wall Street Journal, số người Mỹ tin rằng bằng đại học rất quan trọng với triển vọng công việc tương lai giảm từ 53% năm 2013 xuống còn 42% năm nay. Số học sinh tốt nghiệp trung học học thẳng lên đại học cũng giảm từ 70% năm 2016 xuống còn 62%.
Với sinh viên quốc tế, học phí tăng khiến việc theo đuổi giấc mơ Mỹ thêm phần khó khăn. Sinh viên quốc tế vốn đã phải trả học phí cao gấp đôi hoặc gấp ba lần sinh viên Mỹ. Hầu hết họ không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ liên bang hoặc các trường như sinh viên bản địa. Du học sinh cũng không thể vay vốn sinh viên trừ khi họ tìm được công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp đồng ký tên vào khoản nợ.
Số tiền kiếm được từ làm thêm cũng hiếm khi bù đắp được thiếu hụt tài chính, bởi theo luật Mỹ, họ chỉ được làm việc tối đa 20 giờ mỗi tuần trong năm học đầu tiên, và chỉ trong khuôn viên trường.
"Chi phí học đại học tăng khiến gia đình tôi rất căng thẳng. Tôi không chắc mình có thể tiếp tục việc học hay không", một sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học San Diego, California, nói.
Để giải quyết, theo Ankers, cần có thêm nhiều con đường, ví dụ học nghề, để sinh viên có việc làm tốt ngoài việc học đại học. Bà dự đoán nhiều nhà tuyển dụng sẽ bỏ yêu cầu về tấm bằng này. Bryan Caplan ở Đại học George Mason, cũng cho rằng các học sinh trung bình ở trường trung học chỉ nên học đại học nếu sẵn sàng theo đuổi các lĩnh vực như kinh tế hoặc kỹ thuật.
Janet Napolitano, Đại học California ở Berkeley, thì tin rằng cách để giảm chi phí là giảm thời gian lấy bằng đại học. Theo ông, các bang nên khuyến khích sinh viên học cao đẳng cộng đồng với chi phí thấp hơn từ khi còn học trung học. Sau đó, họ chuyển những tín chỉ đã tích lũy sang học tiếp ở một trường đại học và tốt nghiệp sớm.
Còn Jennifer Finetti khuyên sinh viên ứng tuyển học bổng mỗi tuần trong suốt cả năm.
"Điều đó nghe có vẻ khó khăn, nhưng tỷ lệ thành công là rất cao nếu bạn thật sự cố gắng", bà nói.
 
Bên trên