Người Việt thất vọng khi mua hàng trên Temu

Thanh Thúy

Well-known member
Sau thời gian trải nghiệm, nhiều người dùng Việt Nam đánh giá hàng hóa trên Temu không rẻ hơn so với các sàn thương mại điện tử khác. Thời gian giao hàng thậm chí chậm hơn dự kiến.


1729903016681.png

Sàn Temu đang trở thành hiện tượng mới trên thị trường TMĐT Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang.
Hai tuần sau khi xuất hiện thông tin Temu “đổ bộ” vào Việt Nam, sàn thương mại điện tử (TMĐT) này nhanh chóng trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Đây là phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng TMĐT lớn thứ 2 Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nền tảng lắng nghe mạng xã hội của YouNet Media, dù tạo được tiếng vang lớn ban đầu, những trải nghiệm đầu tiên của người tiêu dùng đến nay đa phần không mấy tích cực.

Lượng thảo luận tăng 400% trong 3 ngày
Các thống kê cho thấy trong 1 tháng qua, đề tài thảo luận về Temu đã thu hút hơn 410.000 lượt tương tác từ hơn 7.100 bài đăng và 36.850 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.

Đặc biệt, vào ngày 22/10, Temu gây chú ý khi tung ra chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) cho người dùng tại Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho các nhà sáng tạo nội dung và người bán hàng kiếm thêm thu nhập. Động thái này đã đẩy số lượng thảo luận về Temu tăng vọt hơn 400%, trung bình 51.300 tương tác và 4.500 thảo luận mỗi ngày.


1729903042447.png

Chương trình tiếp thị liên kết "khủng" giúp Temu gây sốt trên mạng xã hội. Ảnh: YouNet Media.
“Affiliate” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội về Temu. YouNet Media ghi nhận cứ 10 thảo luận liên quan đến Temu thì có 2 thảo luận liên quan đến chương trình tiếp thị liên kết này.

Nhiều người dùng mạng xã hội xem đây là một trong những cơ hội kiếm tiền mới. Đặc biệt, thu hút tương tác là những bài đăng khoe số tiền kiếm được trên Temu lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhưng ở chiều ngược lại, không ít người dùng lên tiếng cảnh báo rằng cơ hội này không “dễ ăn”.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews trước đó, ông Dương Trọng Nghĩa, nhà sáng lập Lemon Digital và CEO KP3. Agency, cho rằng chương trình tiếp thị liên kết với tỷ lệ hoa hồng cao "không tưởng" là chiến lược truyền thông cực kỳ khôn ngoan của Temu.

"Temu chỉ cần đổ tiền vào chính sách tiếp thị liên kết và thu về nguồn lợi truyền thông hoàn toàn miễn phí từ hàng trăm nghìn bài đăng quảng bá, kêu gọi tham gia ứng dụng", vị này nhận định.

Bên cạnh đó, nhiều người dùng cũng bày tỏ lo ngại về việc sàn hoạt động không chính thức và kêu gọi kiểm tra tính hợp pháp. Trong đó, 15% số thảo luận bày tỏ quan ngại về việc Temu chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

Trên thực tế, dù rục rịch có thông tin hoạt động tại Việt Nam từ đầu tháng 10, phải đến ngày 24/10, Temu mới có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật TMĐT Việt Nam khi gia nhập thị trường. Động thái này xuất hiện sau khi cơ quan quản lý xác nhận nền tảng này chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Nhận về phản hồi kém tích cực
Qua ghi nhận, YouNet Media cho biết bên cạnh chương trình tiếp thị liên kết, trải nghiệm mua hàng trên Temu chưa thực sự làm hài lòng người tiêu dùng Việt Nam.

Nhiều người đã trải nghiệm thẳng thắn đăng bài nhận xét rằng giá cả trên Temu không rẻ, thậm chí còn cao hơn Shopee (chiếm 11% lượng thảo luận).

Đồng thời, chất lượng sản phẩm kinh doanh trên Temu cũng bị nhiều người dùng tỏ ý nghi ngờ (chiếm 5% lượng thảo luận).

Bên cạnh đó, người dùng cũng phản ánh về dịch vụ vận chuyển và đổi trả của Temu, cho rằng thời gian giao hàng chậm, quy trình đổi trả phức tạp.


1729903059691.png

Phần đông thảo luận của người Việt về Temu không tích cực. Ảnh: YouNet Media.
Chính sách không hỗ trợ thanh toán khi nhận hàng cũng là điểm trừ. Mặt khác, gần 5% thảo luận bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật tài khoản khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng.

Sàn TMĐT này cũng bị Sở Công Thương TP.HCM ghi nhận nhiều dấu hiệu vi phạm về hoạt động quảng cáo như khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa. Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh tình trạng này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Theo số liệu mới nhất từ YouNet ECI, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỷ đồng để mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử chính trong quý II. Trong đó, Shopee hầu như thống lĩnh thị trường với 71,4% thị phần, kế đó là TikTok Shop với 22% và Lazada với 5,9%.

Nhìn từ những phản hồi hiện tại, Temu đang đối mặt với nhiều thách thức để giành được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi nhiều người dùng hào hứng với cơ hội từ chương trình tiếp thị liên kết, phần đông phản hồi vẫn đặt câu hỏi về tính minh bạch và chất lượng sản phẩm trên nền tảng này.
 
Bên trên