Nhà sáng lập Huawei: 'Có thể gọi tôi là fan của Apple'

Từ Minh Quân

Well-known member
Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết ông coi Apple như một "người thầy quý giá", đồng thời phản đối việc bài ngoại.

"Chúng tôi thường khám phá lý do tại sao các sản phẩm của Apple lại tốt đến vậy. Từ đó, chúng tôi có thể thấy khoảng cách giữa Huawei và Apple", bài phát biểu của ông Nhậm trước sinh viên đại học và học giả tham gia cuộc thi lập trình International Collegiate Programming Contest (ICPC) tháng trước và đăng trên website công ty hôm 19/9 có đoạn. "Tôi rất vui khi có một giáo viên cho chúng tôi cơ hội học hỏi và so sánh với thành tích của họ. Theo nghĩa này, không quá lời khi gọi tôi là fan của Apple".

Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: Kyodo


Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: Kyodo

Huawei vừa ra mắt loạt smartphone Mate 60 với tâm điểm là chip Kirin 9000s được công ty thiết kế và sản xuất bởi SMIC, công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc. Trên mạng xã hội, nhiều người dùng Trung Quốc tỏ ra phấn khích, xem đây là biểu tượng cho sự vươn lên trong lĩnh vực bán dẫn giữa bối cảnh hàng loạt lệnh cấm từ Mỹ bủa vây. Một số thậm chí kêu gọi ủng hộ dùng hàng trong nước nhiều hơn thay vì sản phẩm nước ngoài.

Tuy nhiên, Nhậm Chính Phi cho biết ông phản đối "bài ngoại" đối với bất kỳ thương hiệu nước ngoài nào. Con gái ông đã sử dụng các sản phẩm của Apple khi học ở Mỹ. Ông không nêu tên, nhưng đó có thể là con gái út Annabel Yao, người theo học Đại học Harvard từ năm 2016 đến 2020.

Người sáng lập Huawei từng nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ Apple. Trong một phỏng vấn hồi tháng 5/2019, ông đánh giá công ty sở hữu iPhone là "một ví dụ mà chúng tôi noi theo về mặt bảo vệ quyền riêng tư của người dùng". Cũng năm đó, ông cho rằng Huawei nên học hỏi về chiến lược giá để có thể cạnh tranh trên thị trường.


Trong buổi nói chuyện với khán giả ở ICPC, khi được hỏi về các lệnh cấm của Mỹ, ông Nhậm cho biết chúng "chắc chắn gây áp lực lên Huawei". Tuy nhiên, công ty xem áp lực nhưng cũng là động lực để phát triển.

"Sau hàng loạt lệnh cấm, chúng tôi buộc phải chuyển sang hạ tầng khác và đây là điều thật sự khó khăn", ông nói. "Bây giờ, chúng tôi đã thiết lập nền tảng của riêng mình. Nó có thể không nhất thiết phải tương thích với nền tảng của Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ được kết nối với nhau".

Kêu gọi tăng tự chủ sản xuất chip

Trước khi bài phát biểu của ông Nhậm được công bố, Phó chủ tịch Huawei Eric Xu cũng có bài phỏng vấn liên quan đến ngành bán dẫn. Trong đó, ông cho rằng Trung Quốc có cơ hội bắt kịp Mỹ nếu đẩy mạnh sản xuất trong nước hơn nữa.

"Vẫn có khoảng cách về công nghệ giữa chip, máy chủ và máy tính cá nhân do Trung Quốc sản xuất với các sản phẩm do nước ngoài phát triển. Nhưng nếu chúng ta không sử dụng sản phẩm 'cây nhà lá vườn', khoảng cách đó sẽ không bao giờ thu hẹp", ông Xu nói với China Business News ngày 18/9.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Máy tính Thế giới 2023, tổ chức tại Hồ Nam cuối tuần trước, ông Xu cũng nhắc đến vấn đề này. "Nếu dùng sản phẩm trong nước ở quy mô lớn, có thể nó sẽ giúp thúc đẩy những tiến bộ trong công nghệ và sản phẩm mà chúng ta tạo ra", ông nói.

Ông Xu gia nhập Huawei năm 1993, từng giữ vị trí chủ tịch luân phiên, cũng như đứng đầu mảng Sản phẩm không dây, Chiến lược và Tiếp thị, Sản phẩm và Giải pháp của công ty.

Tuy nhiên, về việc vượt Mỹ, Phó chủ tịch Huawei xem đây là vấn đề lâu dài. "Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, đó là thách thức rất lớn, và là lý do các công ty Trung Quốc cần phát triển chip dựa trên công nghệ tự có", ông nói.

Ông từ chối bình luận về chip bên trong bộ ba Mate 60 mới. Thay vào đó, ông giới thiệu hai sản phẩm khác do HiSilicon của Huawei sản xuất là Kunpeng và Ascend, dùng trong điện toán đám mây và đào tạo các mô hình AI cỡ nhỏ.

Trước đó, ngày 14/9, Huawei cho biết sẽ tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới vào 25/9, nhưng chưa tiết lộ thiết bị cụ thể. Một số trang công nghệ dự đoán khi đó hãng sẽ làm sáng tỏ về chip xử lý bên trong Mate 60.
 
Bên trên